Vn-Index có cơ hội rất tốt để đột phá


Kết thúc phiên giao dịch ngày 12/5, chỉ số Vn-Index tăng khoảng 7 điểm, tương ứng 0,84%. Đây là phiên tăng thứ 6 liên tiếp của Vn-Index.

Vn-Index có cơ hội rất tốt để đột phá.
Vn-Index có cơ hội rất tốt để đột phá.

Theo nhận định của Công ty chứng khoán VPS, thị trường đang diễn ra sự luân phiên tăng điểm của các nhóm ngành. Các nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng. Sau 14 tuần liên tiếp bán mạnh, khối ngoại quay lại mua ròng, mở ra một hy vọng khối ngoại xoay chiều.

Cụ thể, tính riêng trên sàn HoSE, giá trị mua ròng của khối ngoại khoảng 167 tỷ đồng. Còn tính gộp cả hai sàn HoSE và HNX, giá trị mua ròng hơn 163 tỷ đồng (sàn HNX bán ròng hơn 3 tỷ).

Như vậy, trong 3 phiên gần nhất, khối ngoại đã có những phiên mua ròng – bán ròng đan xen. Cụ thể, trên toàn thị trường khối ngoại mua ròng 62 tỷ đồng trong phiên ngày 8/5, sau đó bán ròng mạnh gần 350 tỷ đồng vào ngày 11/5, và đến 12/5 thì mua ròng trở lại.

Thực tế, xu hướng rút ròng vốn ngoại trong thời gian qua không chỉ tại Việt Nam mà diễn ra trên hầu hết các thị trường quốc tế, đặc biệt ở thời điểm bùng phát dịch bệnh Covid-19 vào đầu tháng 3, kéo dài đến nửa đầu tháng 4.

Việc bán mạnh là phản ứng tức thời của nhiều quỹ đầu tư chỉ số và quỹ tương hỗ. Một nguyên nhân nữa khiến vốn ngoại rút mạnh là nhà đầu tư ngoại có nhu cầu co lại các khoản đầu tư để giảm bớt lo lắng trong tâm bão đại dịch.

Theo Công ty Chứng khoán Bảo Việt - BVSC, khối ngoại mua ròng trở lại trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước giảm một loạt các lãi suất điều hành là các yếu tố hỗ trợ cho tâm lý nhà đầu tư và có thể sẽ giúp thị trường tiếp tục có diễn biến khởi sắc trong ngắn hạn. Dù vậy, việc các doanh nghiệp có thể phải điều chỉnh kế hoạch kinh doanh năm 2020 do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp có thể không như kỳ vọng sẽ là các yếu tố khiến cho các nhóm cổ phiếu trên thị trường có thể rơi vào trạng thái phân hóa mạnh. 

Theo các chuyên gia, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy diễn biến khả quan trong những ngày đầu tháng 5. So với cùng kỳ năm 2019, nội tại của thị trường hiện nay có sự cải thiện rất nhiều. 

Thứ nhất, thanh khoản đã tăng lên đáng kể trong vòng gần 1 tháng qua;

Thứ hai, độ rộng của thị trường vẫn được duy trì rất tích cực cho thấy dòng tiền có sự lan tỏa ở các nhóm cổ phiếu dẫn dắt chứ không tập trung riêng ở nhóm trụ.

Thứ ba, khối ngoại đã tích cực mua ròng trở lại. Cuối cùng là các chỉ báo kỹ thuật tiếp tục ủng hộ xu hướng tăng của thị trường, nếu không có biến động lớn trong các phiên tiếp theo, thị trường vẫn được kỳ vọng sẽ vượt đỉnh kháng cự 860-880 điểm. Thị trường đang có cơ hội rất tốt để đột phá và cơ hội cần được tận dụng.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, giá trị vốn FDI cam kết quay đầu bật lại trong tháng 4 tăng 81% so với tháng 3/2020 và 62% so với tháng 4/2019. 

Ông Shamoon Tariq, Giám đốc đầu tư Tundra Fonder AB, làn sóng rút vốn khỏi các tài sản đầu tư diễn ra trên toàn cầu, nhất là tại các thị trường mới nổi, bởi nhà đầu tư chuyển từ các tài sản nhiều rủi ro sang trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, trong thế giới hậu Covid-19, Việt Nam sẽ quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng và nhà đầu tư ngoại sẽ quay trở lại Việt Nam khi đà lây nhiễm chậm lại, hoặc dịch bệnh đã được kiểm soát/có phương pháp chữa trị.

Thực tế, khả năng hồi phục của nền kinh tế Việt Nam sau đại dịch được nhiều tổ chức kinh tế đánh giá cao.

Theo WB, nền kinh tế Việt Nam có thể sẽ khởi sắc sau khi nới lỏng giãn cách xã hội và mức xếp hạng “ổn định” của Fitch đưa ra gần đây khẳng định viễn cảnh tăng trưởng mạnh trong trung hạn của Việt Nam, dựa trên nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, mức nợ chính phủ thấp và khu vực kinh tế đối ngoại có khả năng chống chịu, bao gồm cả dự trữ ngoại hối ở mức khá lớn.

Trong khi đó, theo đánh giá của những người đứng đầu VinaCapital, tăng trưởng kinh tế Việt Nam và sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam ở vị thế vững vàng hậu đại dịch, giúp tính hấp dẫn bấy lâu được giữ vững.