VN-Index có phá được "bức tường" 490 điểm?

Chí Tín

(Tài chính) Tăng điểm vào cuối tuần qua, nhưng với bối cảnh hiện nay, VN-Index khó có thể tăng mạnh và ngưỡng kháng cự 490 điểm đang là “bức tường” kiên cố.

VN-Index có phá được "bức tường" 490 điểm?
Trong bối cảnh hiện nay, VN-Index khó tăng mạnh và ngưỡng kháng cự 490 điểm đang là “bức tường” kiên cố. Nguồn: Internet
Nhìn lại cả tuần vừa qua, VN-Index chốt phiên cuối cùng ở mức 476,42 điểm, với giao dịch trên thị trường khá ảm đạm, biên độ rất hẹp và thanh khoản cạn kiệt.

Hiện tại, tâm lý nhà đầu tư vẫn tiếp tục đứng ngoài do tình hình vĩ mô trong nước không có nhiều thông tin quan trọng.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán thế giới vẫn diễn biến đi ngang trong tâm lý nghe ngóng chờ đợi kết quả cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tới về gói nới lỏng định lượng.

Thanh khoản giai đoạn vừa qua sụt giảm khá mạnh và đứng ở mức trung bình thấp.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch trung bình mỗi phiên (tính cả giao dịch thỏa thuận) trong 5 phiên giao dịch gần đây chỉ đạt trên 35,7 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 563 tỷ đồng (tuần trước đó, giao dịch đạt 48,1 triệu đơn vị và 1.110 tỷ đồng).

Theo ông Phạm Ngọc Phú, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Chứng khoán An Thành (ATSC), khối lượng giao dịch ở mức thấp cho thấy, lực cầu còn dè chừng và áp lực bán giảm sút. Điều này cũng thường thấy trong quá trình chỉ số tạo đáy.

Tuy nhiên, do thị trường hiện vẫn thiếu vắng thông tin hỗ trợ, nên kịch bản có nhiều khả năng xảy ra là chỉ số tạo đáy ngắn hạn tại vùng quanh 470 điểm và đi lên từ từ, chứ chưa thể tăng mạnh.

Theo đánh giá của các nhà quan sát thị trường, ngưỡng hỗ trợ 465 - 470 tỏ ra khá vững chắc khi đã nâng đỡ chỉ số 3 lần kể từ tháng 4 đến nay. Khối lượng giao dịch các phiên gần đây ở mặt bằng thấp hơn khối lượng trung bình 20 ngày. Vì vậy, VN-Index sẽ khó vượt ngưỡng kháng cự 490 điểm.

Trong khi đó, “đòn bẩy” của thị trường là dòng tiền “lướt sóng” cũng giảm do số lượng cổ phiếu được phép mua ký quỹ đã giảm sau mùa báo cáo tài chính bán niên.

Đến nay, mùa soát xét báo cáo tài chính bán niên đã chuẩn bị kết thúc, theo đó, hơn 20 cổ phiếu của các doanh nghiệp đã bị loại khỏi danh mục giao dịch ký quỹ, do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm bị âm.

Mới đây nhất, kể từ ngày 13/9, tiếp tục thêm 2 cổ phiếu nữa gia nhập “đội quân” các cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ do lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm âm theo báo cáo soát xét, đó là CCM (Công ty cổ phần Khoáng sản và Xi măng Cần Thơ) và CMI (Công ty cổ phần CMISTONE Việt Nam).

Khi thị trường chưa có tín hiệu khả quan, nhà đầu tư hiện vẫn dõi theo diễn biến các cổ phiếu niêm yết, đặc biệt là các doanh nghiệp có động thái phát hành và niêm yết.

Chẳng hạn, Công ty cổ phần Tập đoàn Nam Long (NLG) công bố đã phát hành thành công 100 tỷ đồng trái phiếu cho một tổ chức tín dụng. Công ty cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) cũng dự kiến sẽ phát hành ra 3.599.856 cổ phiếu, với giá 10.000 đồng/cổ phần.

Trong khi đó, một số cổ phiếu dự kiến hủy niêm yết thời gian tới, như PVF (Tổng công ty Tài chính cổ phần Dầu khí Việt Nam), DHL (Công ty cổ phần Cơ khí - Vận tải - Thương mại Đại Hưng), HDO (Công ty cổ phần Hưng Đạo Container)…