VN-Index: Điểm cân bằng là 900 hay 1.500?

Theo Tường Vi/tinnhanhchungkhoan.vn

Việc VN-Index suy giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm về sát mốc 915 điểm dường như đi ngược với sức tăng trưởng của nền kinh tế.

VN-Index suy giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm về sát mốc 915 điểm dường như đi ngược với sức tăng trưởng của nền kinh tế. Nguồn: Internet
VN-Index suy giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm về sát mốc 915 điểm dường như đi ngược với sức tăng trưởng của nền kinh tế. Nguồn: Internet

Tháng 5, vốn ngoại không bình yên trên toàn cầu

Tháng 5/2018, dòng vốn ngoại không bình yên trên toàn cầu, không riêng tại Việt Nam. Thống kê của Ủy ban Chứng khoán cho biết, tính đến ngày 18/5, thị trường chứng khoán (TTCK) Malaysia bị rút ròng 625 triệu USD, TTCK Hàn Quốc bị rút ròng 853 triệu USD, TTCK Thái Lan bị rút ròng 703,4 triệu USD, TTCK Indonesia bị rút ròng 550 triệu USD, TTCK Ấn Độ bị rút ròng 583 triệu USD), TTCK Đài Loan bị rút ròng 392 triệu USD... TTCK thế giới từ Mỹ, châu Âu, châu Á đều đã điều chỉnh giảm từ tháng 1/2018, mức giảm phổ biến từ 7 - 10%.

Vì sao lại có tình trạng trên? Theo giới quan sát, tình hình kinh tế, chính trị thế giới mang đến nhiều nỗi lo, nhất là về căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, diễn biến khó lường của cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều  hay căng thẳng Trung Đông... khiến nhiều người có tâm lý co gọn hoạt động đầu tư.

Cùng với đó, thông tin Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất trong tháng 6 và khả năng Ngân hàng Trung ương châu Âu tăng lãi suất sớm hơn dự kiến đã đẩy lợi tức trái phiếu của Mỹ lên mức cao nhất 5 năm. Tác động cộng hưởng trên khiến nhà đầu tư nước ngoài có tâm lý rút tiền khỏi các thị trường mới nổi.

Tại Việt Nam, do TTCK đã tăng mạnh trong một thời gian dài (VN-Index năm 2017 tăng 48% và tăng tiếp 17% trong quý I/2018), nên các nhà đầu tư có tâm lý chốt lời, đặc biệt là cổ phiếu trong VN30 và các cổ phiếu ngân hàng, bất động sản. Tâm lý đó diễn ra đúng vào thời điểm lãi suất trên thị trường quốc tế tăng, TTCK thế giới điều chỉnh giảm, nên tác động cộng hưởng càng lớn.

Một lý do khác là trong quý I, TTCK Việt Nam đón lượng cung hàng hóa gia tăng mạnh do việc đấu giá cổ phần hóa của nhiều tổng công ty lớn như: Lọc hóa dầu Bình Sơn, Dầu Việt Nam, Điện lực dầu khí Việt Nam (giá trị 16.740 tỷ đồng), Tổng công ty Lương thực miền Nam, công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (3.491 tỷ đồng) và hoạt động huy động vốn của Techcombank, Vinhomes trước khi niêm yết... Khi lượng cung hàng dồn dập quá lớn, sức cầu không cân đối được, khiến VN-Index rơi và rơi mạnh như vừa xảy ra.

Nhiều ý kiến đánh giá rằng, đây là giai đoạn thị trường chịu những thông tin không thuận lợi cả trong và ngoài nước. Chứng khoán có thể chưa dứt đà giảm, nhưng sẽ khó giảm sâu vì nhà đầu tư rồi cũng sẽ thích ứng với những căng thẳng địa chính trị quốc tế.

Việc Mỹ tăng lãi suất sẽ ảnh hưởng nhiều đến việc đầu tư mới, nhưng tác động đến TTCK Việt Nam không lớn, do chứng khoán Việt được đánh giá là thị trường có nhiều tiềm năng và quy mô đầu tư của khối ngoại còn nhỏ, nên không phải là loại thị trường ưu tiên rút ra của vốn ngoại.

Đâu là điểm cân bằng cho VN-Index?

Tại Việt Nam, việc TTCK suy giảm mạnh từ đỉnh 1.200 điểm về sát mốc 915 điểm dường như đi ngược với sức tăng trưởng của nền kinh tế. Thông tin từ Tổng cục Thống kê, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các hoạt động chính trong nền kinh tế về đầu tư, nông nghiệp, công nghiệp, thương mại… đều có sự tăng trưởng tích cực trong 5 tháng đầu năm nay.

Chẳng hạn, 5 tháng đầu năm 2018, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2017. Vốn đầu tư thực hiện từ nguồn ngân sách nhà nước 5 tháng đầu năm đạt 96.100 tỷ đồng, bằng 28,4% kế hoạch năm và tăng 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đến thời điểm 20/5/2018 thu hút 1.076 dự án cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 4.657,4 triệu USD, tăng 14,6% về số dự án.

Bên cạnh đó, có 393 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư với số vốn tăng thêm đạt 2.492,7 triệu USD. 5 tháng qua, Hàn Quốc là nhà đầu tư lớn nhất với 1.019,5 triệu USD, chiếm 21,9% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Nhật Bản 904,8 triệu USD, chiếm 19,4%; Thái Lan 536,2 triệu USD, chiếm 11,5%; Singapore 503,1 triệu USD, chiếm 10,8%...

Về hoạt động thương mại, 5 tháng đầu năm, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước tính đạt 93,09 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm 2017. Những thông số trên cho thấy, nền kinh tế có triển vọng tăng trưởng tích cực trong quý II, tiếp sau quý I/2018 đạt mức tăng GDP lên tới 7,38%.

Trên nền tảng kinh tế vĩ mô Việt Nam có triển vọng vững đà tăng trưởng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Trần Văn Dũng cho rằng, TTCK Việt Nam có nhiều cơ hội diễn biến thuận lợi trong thời gian tới. Nhiều tổ chức tài chính như BVSC, VNDirect, SSI, Dragon Capital... cùng đánh giá, thị trường tài chính - tiền tệ, ngoại hối ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay (bằng VND) có xu hướng giảm, tình hình kinh doanh, lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết vẫn ổn định... là những yếu tố nền tảng cho việc TTCK sẽ sớm trở lại quỹ đạo cân bằng.

Nhưng đâu là điểm cân bằng của VN-Index? 900 điểm, 1.000 điểm, 1.100 điểm hay 1.500 điểm? Về lý thuyết, câu hỏi này chỉ có thể trả lời chính xác tại từng thời điểm và phụ thuộc vào rất nhiều biến số trong công thức tính ra VN-Index. Khó ai dám chắc được câu trả lời trong dài hạn. Tuy nhiên, nếu phản ứng của nhà đầu tư là cứ cùng mua, cùng bán ồ ạt, đẩy VN-Index lúc tăng mạnh, lúc giảm sâu thì đó là một diễn biến bất thường, cần có giải pháp để giảm bớt tác động tâm lý dây chuyền.

Thực tế, những nhà đầu tư thông minh có thể tự tìm ra điểm cân bằng cho khoản đầu tư của mình căn cứ trên hiện trạng hoạt động của doanh nghiệp và dự báo các thông số tương lai. TTCK Việt Nam cần cải thiện sự minh bạch của các doanh nghiệp trên sàn và tăng cường công tác đào tạo, truyền thông để giúp nhiều nhà đầu tư hiểu sức khỏe doanh nghiệp, vững tâm vào quyết định mua/bán. Khi 2 yếu tố này được củng cố, Chính phủ, nhà quản lý sẽ bớt đi nỗi lo Index “nhảy múa” theo tâm lý bầy đàn. 

VN-Index bật tăng trên 20 điểm trong phiên 1/6, mang đến tâm lý “bớt khổ” cho hàng vạn nhà đầu tư. Trong cơn lốc giảm điểm mạnh mẽ về sát ngưỡng 930 điểm trước đó, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tổ chức cuộc làm việc với một số tổ chức tài chính trung gian, nhằm hiểu rõ nguyên nhân chứng khoán rơi mạnh. Thông điệp chung từ đây cho thấy, điểm nhạy cảm nhất - vốn ngoại - vẫn vào ròng 2,35 tỷ USD kể từ đầu năm, nên những gì diễn ra chưa đáng lo lắng, nhất là xét trong bối cảnh TTCK quốc tế hiện nay.