VN-Index tiếp tục duy trì mốc 950 điểm - 1.000 điểm trong tháng 6


Kết thúc tuần giao dịch đầu tiên của tháng 6, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục đà đi lên. Vn-index đã có phản ứng đi ngang trong vùng hỗ trợ 930-940 điểm với thanh khoản thấp, trước áp lực cơ cấu danh mục của các ETF cùng với tâm lý và dòng tiền suy yếu.

Theo công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam-BSC, tâm lý thị trường trong nước và khu vực tiếp tục chờ đợi các tín hiệu mới từ nỗ lực đàm phán thương mại Trung-Mỹ và Mexico-Mỹ trong tuần này. Tuy nhiên, thông tin dự báo sơ bộ về kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết sẽ ảnh hưởng tích cực đến thị trường vào cuối tháng 6.

Cụ thể, BSC dự báo dòng tiền lưu chuyển mới sẽ đến từ việc chứng quyền có bảo đảm (CW) dự kiến hoạt động vào 28/6. Việc các ETF công bố và cơ cấu danh mục quý II sẽ giúp tăng thanh khoản thị trường chung.

Bên cạnh đó, một số thông tin khác có ảnh hưởng mạnh đến thị trường là MSCI sẽ công bố xếp hạng vào 25/6, mặc dù hầu hết nhà đầu tư và môi giới đều cho rằng việc nâng hạng khó có thể xảy ra trong vài năm tới do thị trường vốn Việt Nam còn có một số tồn tại, cùng với việc giới hạn chủ sở hữu nước ngoài (FOL) đối với các công ty niêm yết.

Tuy nhiên, những tiêu chí chưa đáp ứng sẽ là thông tin quan trọng để các cơ quan quản lý nhanh chóng triển khai các giải pháp phù hợp khi Luật Chứng khoán sửa đổi được thông qua. Việc sửa đổi Luật Chứng khoán có thể giúp tăng cơ hội thành công. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) đã công bố dự thảo sửa đổi vào cuối năm 2018, nếu được Quốc hội thông qua, dự thảo sẽ có hiệu lực vào tháng 1/2020. Quá trình thay đổi hoàn thiện này sẽ giúp thị trường hấp dẫn nhà đầu tư. 

Một cách để thu hút nhà đầu tư danh mục là buộc các công ty phải công bố những thông tin có thể khiến thị trường biến động, như lợi nhuận, bằng cả tiếng Anh và tiếng Việt cùng lúc. Nếu nhiều công ty không thực hiện, Việt Nam có thể để vuột mất những nhà đầu tư nhỏ hơn, mạo hiểm hơn - những người không thể trả phí dịch thuật.

Theo MSCI, để được coi là thị trường mới nổi, Việt Nam phải có quy mô và thanh khoản tương xứng, dễ tiếp cận cho nhà đầu tư. Thị trường hiện có hơn chục công ty niêm yết đáp ứng yêu cầu của MSCI về vốn hóa thị trường tối thiểu 1,594 tỷ USD, cổ phiếu tự do chuyển nhượng trên 797 triệu USD, tỷ lệ giá trị giao dịch hàng năm trên vốn hóa thị trường (ATVR) 15%.

Chứng khoán Việt Nam có tính thanh khoản cao hơn Philippines, quốc gia đã được xếp loại là thị trường mới nổi. Vấn đề còn lại tăng khả năng tiếp cận cho nhà đầu tư. Điều nằm trong khả năng của Việt Nam là tiếp tục phát triển bền vững thị trường vốn và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - đang ở 5 - 7,5% trong vài năm qua. Giá cổ phiếu có thể tăng dựa vào kỳ vọng phân loại thị trường. Các nhóm cổ phiếu lớn và các ngành chủ chốt sẽ sớm quay lại hỗ trợ thị trường. VN-Index tiếp tục dự báo sẽ vận động 950 điểm - 1.000 điểm trong tháng 6.

Trong ngắn hạn, trước bối cảnh hiện tại, khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung vẫn chưa có hồi kết đi kèm với tâm lý khá tiêu cực của thị trường trong nước, Công ty chứng khoán Vietcombank-VCBS khuyến nghị nhà đầu tư giữ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục ở mức thấp và tiếp tục chờ đợi thị trường ổn định trở lại cũng như xu hướng chung trở nên rõ ràng hơn trước khi quay trở lại giải ngân.