“Nóng” blue - chips

Kết thúc quý I/2013, VN-Index đóng cửa tại 491 điểm. Nếu tính từ phiên mở đầu của năm, thị trường đã tăng tới 18,7%, trở thành một trong những chỉ số chứng khoán tăng mạnh nhất thế giới. Tuy nhiên, điều ấn tượng lớn với TTCK là dòng vốn ngoại (FII) đang trở lại, góp phần “hâm nóng” lực cầu ở không ít mã cổ phiếu.

Đối với các cổ phiếu niêm yết, dòng vốn FII chủ yếu chảy vào các blue - chips trên HoSE với tổng giá trị mua ròng trong quý lên tới 3.688 tỷ đồng, tương ứng 175 triệu USD. Trong số gần 160 triệu cổ phiếu được khối ngoại gom mua, cổ phiếu HPG của Tập đoàn Hòa Phát được mua ròng mạnh nhất, với hơn 17 triệu đơn vị, trị giá 420 tỷ đồng.

Xếp sau lần lượt là 3 cổ phiếu lớn khác bao gồm DPM của Đạm Phú Mỹ, VIC của Vingroup, GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam với giá trị mua ròng vượt 300 tỷ đồng/mã. Nhóm các cổ phiếu ngân hàng cũng thu hút sự quan tâm khá lớn của khối ngoại khi mã VCB của Vietcombank có giá trị mua ròng trong quý là 241 tỷ đồng, mã STB của Sacombank có giá trị mua ròng 230 tỷ đồng và cổ phiếu MBB của Ngân hàng Quân đội có giá trị mua ròng 212 tỷ đồng…

“Chủ nhân” sở hữu các khối lượng cổ phiếu blue - chips nói trên phần lớn là các quỹ ngoại đầu tư chỉ số (ETF). Các quỹ Market Vectors Vietnam ETF, Deutsche Bank AG… đã liên tục hoán đổi danh mục đầu tư, tái cơ cấu và tăng mua những cổ phiếu có tác động tích cực đến VN - Index.

Bên sàn Hà Nội, chỉ số HNX-Index tăng 5,54% trong quý I, lên 60,25 điểm. Nhà đầu tư (NĐT) nước ngoài mua ròng 35,8 triệu cổ phiếu, giá trị 407 tỷ đồng. VCG là một trong số các cổ phiếu được khối ngoại mua ròng nhiều nhất với tổng giá trị 154 tỷ đồng VCG, tương ứng 13,2 triệu cổ phiếu.

Vốn FII tiếp tục tăng trưởng…

Theo ông Tống Minh Tuấn, Trưởng bộ phận phân tích Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam (BSC) thì các NĐT trong đó có khối ngoại trên TTCK Việt Nam đang phản ứng tích cực trước yếu tố ổn định của kinh tế vĩ mô quý I/2013. Mặc dù tăng trưởng GDP chỉ đạt 4,98%, song các chỉ số vĩ mô trở nên cân bằng hơn, kết hợp với sự kém hấp dẫn của các kênh đầu tư: vàng, ngoại tệ, bất động sản đã kéo dòng vốn quay lại kênh chứng khoán.

Quý I/2013 là thời điểm tốt để giải ngân đối với TTCK theo đúng tính chất giai đoạn đầu của chu kỳ hồi phục. Đây là nguyên nhân khiến các quỹ ETF đã mạnh tay đầu tư vào cổ phiếu.

TS. Alan T.Pham, Kinh tế trưởng Tập đoàn VinaCapital cũng đưa ra nhận định: Với niềm tin vào diễn biến tích cực của kinh tế vĩ mô, nhiều khả năng dòng vốn FII sẽ được duy trì và lượng vốn ròng trong quý II/2013 sẽ cao hơn so với quý đầu tiên của năm.

Trong quý II/2013, VN-Index có triển vọng duy trì trên 500 điểm sau khi đã lần đầu tiên kể từ năm 2011 chinh phục mốc này vào đầu tháng 4/2013. Xu hướng tăng điểm trong các quý còn lại của năm là khá rõ ràng, tuy hoạt động chốt lời và điều chỉnh cũng diễn ra thường xuyên.

Theo dự báo của VinaCapital, dù bối cảnh vĩ mô hiện vẫn đối mặt với không ít khó khăn, nhưng các NĐT nước ngoài đã nhìn thấy triển vọng lạc quan hơn trong 1 - 2 năm tới. Dự báo GDP năm 2013 tăng trưởng khoảng 5,5% và có thể đạt 5,7-6% trong năm 2014. Hai biến động vĩ mô chi phối lớn tới quyết định đầu tư của khối ngoại là lạm phát và tỷ giá, đang phát đi những tín hiệu được kiểm soát tốt hơn để mang lại kết quả ổn định trong dài hạn. Việc nỗ lực giảm nợ xấu cũng như hạ dần các mức lãi suất của Chính phủ sẽ có tác động hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, qua đó “tiếp sức” cho TTCK trong các quý còn lại của năm 2013.

TS. Alan T.Pham đánh giá, thực tế số vốn FII đổ vào TTCK Việt Nam trong quý I/2013 cao hơn nhiều con số 200 triệu USD vào cổ phiếu niêm yết trên hai sàn. Theo tính toán của VinaCapital, tổng lượng vốn ròng mà khối ngoại rót vào TTCK Việt Nam trong quý I có thể lên tới 2,4 - 2,5 tỷ USD (trong khi cả năm ngoái ước đạt 2 tỷ USD).

Phần lớn dòng vốn này chảy vào các thương vụ M&A, các công cụ nợ của Chính phủ và cổ phần của các doanh nghiệp chưa niêm yết… Về phía các công cụ nợ, trong quý I, NĐT nước ngoài đã tham gia vào thị trường trái phiếu chính phủ nhiều hơn với kỳ vọng khi lãi suất giảm thêm, trái phiếu sẽ đem lại lợi nhuận cho giới đầu tư…

Như vậy, có thể khẳng định xu thế đầu tư của vốn FII tại thị trường Việt Nam đã trở nên đa dạng hơn, phù hợp với thực tế tái cơ cấu nền kinh tế mà Chính phủ đang triển khai cũng như kế hoạch tái cấu trúc của mỗi doanh nghiệp…

Dù chưa thể khẳng định dòng vốn nói trên sẽ gắn bó với doanh nghiệp cũng như thị trường trong bao lâu, nhưng trước mắt, nó vẫn khá hữu ích với thị trường. Bên cạnh hiệu quả giúp TTCK tăng điểm, vốn ngoại còn là kênh tạo thanh khoản tốt và kỳ vọng sẽ “tiếp sức” cho những doanh nghiệp có tiềm năng thực hiện tái cơ cấu thành công…

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 4 - 2013

Vốn ngoại “ấm dần”…

Đức Trung

(Tài chính) Kết thúc quý I/2013, có hai sự kiện gây bất ngờ đối với thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam đó là HoSE trở thành một trong những sàn chứng khoán tăng điểm mạnh nhất thế giới và dòng vốn ngoại mua ròng trên hai sàn lên tới gần 200 triệu USD.

Xem thêm

Video nổi bật