Vốn ngoại lập kỷ lục trên thị trường chứng khoán

Theo thoibaokinhdoanh.vn

Trong hai tháng đầu năm 2017, dòng vốn đầu tư nước ngoài tiếp tục vào ròng, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 18,4 tỷ USD. Theo Ủy ban Chứng khán Nhà nước (UBCKNN), đây là mức cao nhất từ trước đến nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thông tin tại buổi họp báo chuyên đề về thị trường chứng khoán, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết, nếu tính cả tiền sẵn sàng trên tài khoản gián tiếp, vốn ngoại đạt xấp xỉ 20 tỷ USD.

Theo UBCKNN, tính đến ngày 6/3/2017, so với cuối năm 2016, chỉ số VN-Index đóng cửa ở mức 716,29 điểm, mức cao nhất trong vòng 10 năm, tăng 7,7%; chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 86,55%, tăng 8%.

VN-Index cao nhất 10 năm qua

Mức vốn hóa thị trường đạt hơn 2.260 nghìn tỷ đồng (tương đương 50,3% GDP), tăng 16% so với cuối năm 2016 và là mức cao nhất từ khi thành lập thị trường.

Thanh khoản thị trường cải thiện, giao dịch bình quân một phiên đạt 7.365 tỷ đồng, tăng 49% so với cùng kỳ năm 2016 và tăng 6,6% so với bình quân năm 2016.

Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán hai tháng đầu năm ước đạt 40,7% nghìn tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng giá trị huy động vốn tháng Hai đã tăng 79% so với tháng Một.

Trong hai tháng đầu năm 2017, hai Sở Giao dịch chứng khoán đã tổ chức cổ phần hóa cho 5 doanh nghiệp Nhà nước với tổng giá trị hơn 91 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 40%; và tổ chức đợt đấu giá thoái vốn Nhà nước với tổng giá trị 168 tỷ đồng, tỷ lệ thành công đạt 99%.

Tính đến cuối tháng 2/2017, thị trường có 708 cổ phiếu và CCQ niêm yết trên hai sàn, có 485 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên thị trường UPCom, với tổng giá trị niêm yết đạt gần 778 nghìn tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2016.

Chủ tịch Vũ Bằng cho biết, càng về cuối năm 2016, những kỳ vọng về việc Mỹ tăng lãi suất cũng như tăng giá của đồng USD đã khiến các quỹ đầu tư trên toàn cầu bắt đầu dịch chuyển nguồn vốn ra khỏi thị trường chứng khoán mới nổi, trong đó có Việt Nam. Song từ đầu năm đến nay, nhà đầu tư nước ngoài đã liên tục mua ròng trên cả thị trường cổ phiếu và trái phiếu.

Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 1.545 tỷ đồng cổ phiếu, CCQ và 5.960 tỷ đồng trái phiếu. Vì vậy, hiện nay, giá trị danh mục của nhà đầu tư nước ngoài đạt trên 18,4 tỷ USD.

Tái cấu trúc, mở sản phẩm mới

Theo Chủ tịch Vũ Bằng, tuy vẫn còn những vấn đề khó khăn, nhất là các bất ổn trên thị trường thế giới, song thị trường chứng khoán thời gian qua đã có nhiều yếu tố hỗ trợ, nên đã đạt được kết quả tích cực. Đầu tiên là Chính phủ chỉ đạo quyết liệt trong việc cải thiện điều kiện kinh doanh, thúc đẩy cải cách và tăng trưởng kinh tế vĩ mô.

Kinh tế vĩ mô ổn định là động lực hỗ trợ thị trường chứng khoán như: chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp hai tháng đầu năm tăng 15%, chỉ số PMI tăng 54,2% điểm,… Đồng thời, thu hút vốn FDI đăng ký mới và bổ sung đạt 3,41 tỷ USD, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước, vốn giải ngân ước đạt 1,55 tỷ USD, tăng 3,3% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2016 đã có sự cải thiện hơn so với năm 2015. Trong đó, 92,4% doanh nghiệp có lãi, tổng tài sản tăng 16,4%, doanh thu và lợi nhuận tăng khoảng 10%.

Về các giải pháp tái cấu trúc, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp hỗ trợ thị trường cũng như phát triển các sản phẩm mới trong thời gian tới, ông Vũ Bằng cho biết, đối với thị trường chứng khoán phái sinh, khung pháp lý cơ bản đã được ban hành đầy đủ. Các quy chế hướng dẫn về niêm yết, giao dịch, thành viên và thanh toán bù trừ đã được Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) cùng Trung tâm Lưu ký Chứng khoán (VSD) hoàn tất và chuẩn bị ban hành.

Hiện đang có 16 công ty chứng khoán và 6 ngân hàng đăng ký tham gia. Tuy nhiên, UBCKNN cho biết, trong số 16 công ty chứng khoán, có gần 10 công ty đã đáp ứng yêu cầu về tăng vốn để tham gia thị trường chứng khoán phái sinh giai đoạn đầu.

“Đây là tín hiệu tốt, sẽ tạo điều kiện cho dòng vốn nước ngoài vào. Dự kiến tháng Năm sẽ mở cửa đón thị trường vốn ngoại”, ông Bằng cho biết.

Về công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán, lãnh đạo UBCKNN cũng cho hay, đến nay đã giảm được 8 công ty. “83/86 công ty chứng khoán đảm bảo tỷ lệ an toàn tài chính từ 180% trở lên. Hiện còn ba công ty đang trong tình trạng kiểm soát đặc biệt và một công ty trong tình trạng kiểm soát.

Đây là yếu tố rất quan trọng để sang năm 2018 triển khai các sản phẩm như bán khống… Tái cấu trúc chứng khoán là trọng tâm cho việc mở những sản phẩm mới”, ông Bằng khẳng định.