Vốn ngoại vào chứng khoán, trái phiếu đạt gần 12 tỷ USD

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Tính đến 15/9/2013, vốn nước ngoài vào cổ phiếu niêm yết đạt gần 8 tỷ USD, cổ phiếu chưa niêm yết (không tính vốn M&A) đạt 1,2 tỷ USD và vào thị trường trái phiếu đạt 2,2 tỷ USD, lượng tiền mặt còn dư ước khoảng 300 triệu USD...

Ông Nguyễn Thành Long, Vụ trưởng Vụ Quản lý các Công ty quản lý quỹ và Quỹ đầu tư chứng khoán cho biết, tính đến tháng 6/2013 dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài có mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái.  Mặc dù trong ba tháng vừa qua, dòng vốn đầu tư vào có suy giảm, thì nay đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục. Tính đến 15/9/2013, vốn nước ngoài vào  cổ phiếu niêm yết đạt gần 8 tỷ USD, cổ phiếu chưa niêm yết (không tính vốn M&A) đạt 1,2 tỷ USD và vào thị trường trái phiếu đạt 2,2 tỷ USD, lượng tiền mặt còn dư  ước  khoảng 300 triệu USD.

Theo thống kê, nếu tính cả số vốn đầu tư nước ngoài mua ròng trên thị trường niêm yết khoảng 480 tỷ đồng (kể từ 16/9 – 1/10), đến nay vốn đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán Việt Nam đạt gần 12 tỷ USD.

Đây được coi là một kết quả tích cực trong bối cảnh tình hình kinh tế và thị trường chứng khoán từ đầu năm đến nay còn khó khăn, dòng vốn nước ngoài có sự dịch chuyển dần ra khỏi các thị trường mới nổi.

Chia sẻ về tiến trình tái cấu trúc hệ thống quỹ đầu tư hiện nay, ông Nguyễn Thành Long cho biết: Hiện trên thị trường có hơn 20 quỹ đang hoạt động (ngoài 10 quỹ thành viên, còn lại các quỹ đóng, quỹ mở).

Trong đó, có 5 quỹ mở đã được cấp phép thành lập, 3 quỹ mở khác đang trong giai đoạn thẩm định cuối cùng trước khi cấp phép chào bán hoặc chuyển đổi, và 5 quỹ mở khác đang được các công ty tiếp tục hoàn thiện hồ sơ theo yêu cầu của Uỷ ban chứng khoán nhà nước.

Riêng về quỹ đóng, đã có 3 quỹ đóng đã chuyển đổi thành công hoặc đang trong lộ trình chuyển đổi sang quỹ mở, 2 quỹ đóng khác với quy mô nhỏ hơn dự kiến sẽ thanh lý trong thời gian tới và chỉ còn duy nhất 01 quỹ đóng tiếp tục hoạt động.  

Nhìn nhận về quá trình thực hiện tái cấu trúc các quỹ đầu tư thời gian qua, ông Nguyễn Thành Long cho rằng: "Việc tái cấu trúc đang tiến triển tốt và đạt được những kết quả khả quan. Giá trị tài sản ròng (NAV) của các quỹ đã không ngừng tăng lên, tài sản của các nhà đầu tư của các quỹ được cải thiện. Điều này sẽ là động lực để các quỹ giữ chân nhà đầu tư và thu hút thêm nguồn lực mới".

Việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư đang tiến hành không những không gây ảnh hưởng hay xáo trộn hoạt động bình thường, mà còn có tác động theo chiều hướng tích cực tới hoạt động của các quỹ nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung.

Theo số liệu công bố thay đổi giá trị tài sản ròng tuần từ ngày 19/9 đến ngày 26/9 của các quỹ đầu tư niêm yết trên Thị trường chứng khoán Việt Nam cho thấy, NAV của các Quỹ đều đồng loạt tăng.

Cụ thể, NAV của Quỹ ASIAGF tiếp tục tăng 16 đồng (0,13%) từ 12.094 đồng lên 12.110 đồng và giá thị trường của Quỹ này đạt 12.600 đồng – giao dịch ở mức cao hơn NAV của Quỹ 490 đồng.

Còn NAV của Quỹ MAFPF1 (Quỹ đầu tư tăng trưởng Manulife) đã tăng 1,31% (115 đồng) - từ mức 8.795 đồng lên 8.910 đồng.

Đặc biệt, NAV của Quỹ VFMVF4 (Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam) có mức 1,75% - từ 141 đồng từ 8.061 đồng lên 8.202 đồng, tỷ lệ tăng NAV cao nhất trong các quỹ báo cáo.

Quỹ VFMVF1 (Quỹ Đầu tư chứng khoán Việt Nam) tuy đã hủy niêm yết từ ngày 25/9/2013, nhưng báo cáo trong tuần từ 19/9 - 26/9, thì NAV của Quỹ này đã tăng 248 đồng (1,35%) từ 18.430 đồng lên 18.678 đồng.

"Kết quả đó cũng cho thấy, việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống các công ty quản lý quỹ và quỹ đầu tư đang tiến hành không những không gây ảnh hưởng hay xáo trộn hoạt động bình thường, mà còn có tác động theo chiều hướng tích cực tới hoạt động của các quỹ đầu tư nói riêng và thị trường chứng khoán nói chung", ông Nguyễn Thành Long đánh giá.