Xã hội đang hưởng lợi từ cho vay tiêu dùng

Theo Quỳnh Vũ/thoibaonganhang.vn

Nhờ dịch vụ cho vay tiêu dùng phát triển mà ngành bán lẻ điện thoại trong nước đang có mức tăng trưởng cao.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Doanh nghiệp bán hàng nhanh

Trước nay, khi nhắc đến vai trò của cho thuê tài chính (CTTC), người ta thiên về suy nghĩ là CTTC mang lại một dịch vụ hoàn toàn mới mẻ cho người dân. Theo đó, thay vì cần phải tiết kiệm thì khách hàng đã có thể mua trước trả sau và chia nhỏ khoản tiền góp phù hợp với mức thu nhập của mình. Hay nói khác hơn là CTTC ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của các cá nhân, khi năng lực tài chính chưa đủ để trang trải nhu cầu, cho phép họ có thể tiêu dùng trước, chi trả sau dưới nhiều hình thức.

Thế nhưng, mới đây, qua số liệu thống kê từ một số DN bán lẻ lớn trên thị trường, vai trò của CTTC được nâng lên. Theo đó, CTTC không chỉ đơn thuần là kinh doanh mà còn là tác nhân giúp cho toàn xã hội phát triển. Bởi nó không chỉ giải quyết được vấn đề cốt lõi là đáp ứng nhu cầu thiết yếu của người ít tiền mà còn kích thích được sự phát triển của nhiều DN.

 

Lấy trường hợp FPT Shop làm ví dụ. FPT Shop là hệ thống bán lẻ điện thoại, thiết bị di động đứng số 2 Việt Nam từ năm 2012. Tính đến thời điểm này, FPT Shop sở hữu 465 cửa hàng và đạt 600 triệu đô doanh thu. Theo ông Nguyễn Việt Anh - Phó TGĐ hệ thống FPT Shop, nếu không có sự liên kết với các CTTC thì FPT Shop khó đạt được kết quả như hiện nay. Cụ thể, FPT Shop đã tăng trưởng tới 40% trong năm 2017. Trong đó, đóng góp của mảng cho vay tiêu dùng chiếm tới 30-35% doanh thu.

Tương tự, ông Đỗ Thanh Sang - Giám đốc Công ty TNHH TMDV Sang Trọng cũng thừa nhận vai trò của các công ty tiêu dùng tác động rất lớn đến sự phát triển của DN. Nói như ông Sang, thành công của công ty là nhờ có các CTTC là đối tác kinh doanh và cùng đồng hành phát triển. Trong đó, các CTTC cho người tiêu dùng được sở hữu chiếc xe máy khi họ chưa đủ tài chính, từ đó hỗ trợ đại lý xe máy của ông tăng số xe bán ra, thời gian bán nhanh hơn, thời gian tồn kho ngắn lại, tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả kinh doanh. Cũng theo ông Sang, trung bình doanh số trả góp chiếm 50 – 60%  trên tổng số xe bán ra tại hệ thống Sang Trọng trong 3 năm gần đây.

Không chỉ dừng lại ở việc hợp tác, đồng hành mà suốt thời gian qua, cả CTTC và DN liên tục làm cho người tiêu dùng ngạc nhiên khi cùng nhau tạo ra sản phẩm đột phá, 0% lãi suất. Ví dụ: mua điện thoại 20.000.000 đồng, người tiêu dùng chỉ phải trả 4 triệu đồng/tháng, không có lãi và phí...

Cạnh tranh đem sản phẩm tốt đến tay người dùng

Hình thức vay mua trả góp ngoài việc kích thích sức mua của người dân, còn đẩy mạnh sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất và buộc nhà sản xuất phải đưa ra thị trường những sản phẩm tốt hơn, mang lại lợi ích thiết thực cho người tiêu dùng.

Dạo qua các điểm bán hàng mà DN có liên kết với CTTC hay ngân hàng thì nạn “treo đầu dê bán thịt chó” sản phẩm đã không còn diễn ra trong thị trường bán lẻ điện tử vì các TCTD khi liên kết với DN đã có những điều kiện ràng buộc khá chặt chẽ. Đây là điểm có lợi cho người tiêu dùng khi mua sắm trả góp sản phẩm.

Đánh giá về thị trường cho vay tiêu dùng, giới chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, thời điểm này cũng như trong tương lai, lĩnh vực tín dụng tiêu dùng sẽ còn tiếp tục bùng nổ bởi sự mở rộng của các CTTC. Theo đó, sự cạnh tranh trong lĩnh vực này cũng sẽ diễn ra mạnh mẽ. Tại NH hay CTTC thì việc đưa ra một sản phẩm mới trong tương lai ắt hẳn lãi suất sẽ phải thấp hơn thông qua việc kết hợp tiêu thụ sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh với các nhà sản xuất. Mặt khác, việc cạnh tranh trong liên kết cũng buộc DN phải tung ra thị trường sản phẩm phong phú hơn, chất lượng hơn đáp ứng nhiều hơn nhu cầu của người dân.

Còn đối với CTTC, dễ nhận thấy hiện nay giới này cũng đang phải tự cạnh tranh lẫn nhau nên liên tục cho ra đời những dịch vụ và sản phẩm phù hợp, chuyên biệt, đặc thù được xã hội thừa nhận để đáp ứng cho nhiều đối tượng khác nhau như: giáo dục, y tế, bảo hiểm, xây dựng, cưới hỏi…

Một điểm quan trọng nữa là tương lai của thị trường tài chính là tương tác kỹ thuật số, nó đang ngày càng trở nên phổ biến khắp thế giới hiện nay. Việt Nam đã thích nghi với xu hướng này vô cùng nhanh chóng, người tiêu dùng đang chứng kiến sự gia tăng chóng mặt của các công ty thương mại điện tử. Cùng với những giải pháp thanh toán di động, hình thức cho vay ngang hàng, một mô hình dịch vụ tín dụng mới kết nối trực tiếp người cho vay và người đi vay, xử lý toàn bộ quá trình cho vay thông qua  các nền tảng trực tuyến, cũng đã xuất hiện. Phương thức này sẽ là một thử thách thú vị đối với các TCTD truyền thống.

Trong khoảng thời gian sắp tới đây, thị trường có thể thấy các CTTC “lão làng” sẽ nỗ lực cao độ để thay đổi bản thân nhằm thích nghi với tình hình mới, còn những người chơi mới thì sẽ mang đến vô số điều thú vị cho thị trường.

Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ người tiêu dùng Việt Nam, thì đây lại là một viễn cảnh vô cùng tốt đẹp vì khách hàng sẽ có vô số giải pháp tài chính đa dạng để lựa chọn nhằm thỏa mãn nhu cầu. Suy cho cùng, cho vay tiêu dùng càng sôi động, người vay càng có lợi và nền kinh tế thì phát triển hoàn chỉnh.

Đến cuối năm 2017, TP. HCM đã cán mốc mức dư nợ cho vay tiêu dùng trên 2 triệu tỷ đồng, chiếm 28% tổng dư nợ cả nước và đây là năm đầu tiên đạt đến mức này. Riêng cho vay tiêu dùng, trong nhiều năm trở lại đây, đặc biệt là trong giai đoạn từ 2012 đến 2016, bình quân dư nợ tín dụng tiêu dùng của TP.HCM trong một năm tăng từ 20% đến 22%. Nếu như năm 2012, chỉ có 4% trong tổng dư nợ là tín dụng cho vay tiêu dùng, thì đến năm 2015, con số này đã là 6% và đến năm 2016 là 8%, đến cuối năm nay như dự kiến có thể đạt 12,2%.