Xót ruột phí rút tiền kiều hối

Theo Thanh niên

Các ngân hàng rầm rộ triển khai chương trình khuyến mãi mùa kiều hối, nhưng mức phí thì không hề ưu đãi.

Xót ruột phí rút tiền kiều hối
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo thông lệ, cuối năm chị Yến (Cầu Giấy, Hà Nội) vợ anh N.T.Đ làm ăn bên Nga ra ngân hàng để nhận tiền chồng gửi về. Năm nay, tình hình khó khăn nên chồng chị cũng chỉ gửi về được hơn một nghìn USD cho vợ con ăn tết. Do không có tài khoản ngân hàng, nên chị Yến phải nhận tiền trực tiếp bằng CMND tại chi nhánh một ngân hàng ở Q.Cầu Giấy.

Các nhân viên ngân hàng thông báo, nếu rút tiền mặt bằng VNĐ được miễn phí, còn rút ngoại tệ mất 0,15% tổng số tiền rút, khoảng 30 USD. Khác với mọi năm, năm nay chị còn phải trả thêm một khoản gọi là “phí báo có tài khoản” bằng 0,05%, tương đương khoảng 10 USD. “Chồng mình bán hàng quần áo bên đó, tiền kiếm được cũng chẳng bao, gửi tính ra có hơn 20 triệu đồng mà mất phí tới gần 1 triệu đồng rồi thì cao quá”, chị Yến cho biết.

Hiện nay mức phí trên là khá phổ biến tại các ngân hàng. Cụ thể, tại ngân hàng Quân đội (MB), nếu khách hàng muốn nhận tiền từ nước ngoài gửi về, phí báo có là 0,05% tổng giá trị tiền rút, phí rút tiền là 0,15% (nếu rút ngoại tệ). Nhân viên giao dịch của MB cho biết, nếu rút bằng VNĐ khách không mất phí, trong trường hợp rút ngoại tệ nếu trên 7 ngày từ khi tiền về tài khoản, khách hàng cũng sẽ không phải trả phí.

Tại một số ngân hàng khác, khách hàng rút tiền mặt bằng ngoại tệ cũng sẽ được miễn phí, nhưng phải đợi dài ngày hơn. Cụ thể, tại ngân hàng Công thương Việt Nam (Vietinbank) khách hàng phải làm thủ tục mở tài khoản thanh toán, và tiền gửi về ít nhất sau 15 ngày kể từ khi tài khoản báo có mới được miễn phí tiền rút.

Anh Nguyễn Văn Phương, nhà tại Đội Cấn (Hà Nội) băn khoăn: “Tiền người nhà mình gửi bằng USD, ngân hàng thường bắt rút bằng tiền đồng mới cho miễn phí. Còn sau 15 ngày mới cho rút miễn phí thì đem gửi tiết kiệm có khi được nhiều hơn rồi. Phần lớn tôi đi giao dịch, các cô nhân viên đều khuyên bán lại USD cho ngân hàng, nhưng giá bán thấp lắm”, anh Phương nói.

Kiều hối vào sản xuất kinh doanh nhiều hơn

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, khác với các năm trước dòng tiền kiều hối đổ vào thị trường bất động sản mạnh, năm 2012 chủ yếu kiều hối tập trung vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, hỗ trợ người thân.

Là một ngân hàng có thị phần kiều hối nằm trong nhóm đầu nhưng mức phí của Đông Á (DongABank) cũng không hề rẻ. Theo nhân viên của ngân hàng này, hiện khách hàng muốn nhận tiền trực tiếp bằng CMND thì phí báo có 0,055% và phí rút tiền mặt ngoại tệ 0,165% trên tổng số tiền. Đối với các hình thức gửi tiền khác như Money Gram, hay gửi trực tiếp tại các đại lý của DongABank thông qua công ty kiều hối, người rút không phải trả tiền phí, nhưng thực ra đối với các dịch vụ này, phía người gửi tiền đã trả hết phí từ nước ngoài.

Trong khi đó, Agribank mới đây cũng tăng thêm phí chuyển tiền kiều hối đối với một số dịch vụ, đơn cử như với đối tác BNY Mellong Taipei (Đài Loan) chuyển từ 1 - 500 USD sẽ thu 2 USD, từ 1.1.2013 tăng lên 3 USD, tương tự từ trên 500 - 1.000 USD tăng từ 3 lên 4 USD, từ trên 2.000 - 5.000 USD tăng từ 5 USD lên 7 USD...

Kiều hối chuyển về nước là bao nhiêu?

Theo các chuyên gia, mức phí như vậy so với thu nhập của người lao động ở nước ngoài còn quá cao. Đặc biệt, đặt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu cũng như trong nước suy giảm, khó khăn như thời gian vừa qua và sắp tới. Trong khi đó, con số dự báo tiền kiều hối gửi về trong năm nay là 11 tỉ USD, vốn cũng chỉ là một con số ước tính, chưa có tổ chức nào đứng ra xác nhận.

Trao đổi với Thanh Niên, lãnh đạo Vụ Quản lý ngoại hối, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, cơ quan này vẫn có những thống kê về lượng kiều hối gửi về, nhưng từ trước tới nay chưa bao giờ công bố công khai. “Điều này cũng do tính chất nhạy cảm của nó khi liên quan tới các kiều bào ở nước ngoài”, vị lãnh đạo này nói. Tuy nhiên, tại một đơn vị của cơ quan này là NHNN chi nhánh TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc, cho biết lượng kiều hối chuyển về qua các ngân hàng trên địa bàn trong năm 2012 khoảng 4,1 tỉ USD, tăng 15% so với năm ngoái.

Tín hiệu lạc quan về lượng kiều hối tăng lên chỉ xuất hiện lác đác tại một số tổ chức vốn có bề dày trong lĩnh vực này. Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á, cho biết từ đầu tháng 1 đến nay, lượng kiều hối chuyển về tăng khá mạnh so với trước đó, chủ yếu là nguồn tiền người lao động chuyển về hỗ trợ cho người thân ăn tết. Trong năm 2012, lượng tiền kiều hối chuyển về nước qua các đơn vị tăng từ 10% đến 15% so với năm trước. Chẳng hạn tại Công ty kiều hối Đông Á là 1,5 tỉ USD, tăng 15% so với năm 2011; tại Vietinbank là 1,3 tỉ USD, tăng 10% so với năm ngoái.

Con số kiều hối năm 2012 được nhiều người cho rằng sẽ không đạt được 10 đến 11 tỉ USD như các dự báo đã đưa ra trước đó. Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, năm nay có thể sẽ nhỉnh hơn 9 tỉ USD một chút. Đại diện một công ty chuyển tiền quốc tế có doanh số kiều hối lớn tại Việt Nam hoài nghi mức kiều hối năm 2012. “Nếu đạt 9,5 tỉ USD là quá giỏi”, vị này nói. Lý do là tình hình kinh tế của khu vực châu Âu, Mỹ năm qua khá khó khăn, đó là chưa kể thiên tai liên tục xảy ra ở một số nước lớn. Thị trường xuất khẩu lao động một số nước gặp nhiều khó khăn nên lượng tiền chuyển về khó có thể đạt được mức 11 tỉ USD.

Dự báo về tình hình kiều hối năm 2013, ông Trần Văn Trung cho biết: “Trong những ngày đầu năm, Chính phủ đã liên tục có những chính sách hỗ trợ thị trường bất động sản, chứng khoán. Đây là tín hiệu đáng mừng nên chúng tôi kỳ vọng 2 thị trường này sẽ thu hút lượng kiều hối năm 2013 và doanh thu kiều hối sẽ tăng lên”.