Xu hướng ngân hàng số: Điểm giao dịch sẽ thu nhỏ

Theo Hoài Phi/thoibaonganhang.vn

Việc chọn vị trí, yêu cầu diện tích... để làm điểm giao dịch của các ngân hàng thương mại đang có những thay đổi, đi theo xu hướng số hóa.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Cách đây không lâu, Citibank Chi nhánh Hà Nội đã chuyển hoạt động từ 17 Ngô Quyền - một vị trí rất đắt đỏ tại trung tâm Hà Nội, cách hồ Hoàn Kiếm chưa đầy 1 km - về toà nhà Horison tại số 40 Cát Linh.

Nói về động thái trên, ông Bùi Quang Huy, Giám đốc đối ngoại Citibank Việt Nam cho biết, địa điểm giao dịch trực tiếp với khách hàng của Citibank Hà Nội hiện nay tuy nhỏ hơn trước và không trung tâm bằng, nhưng nhờ triển khai nền tảng ngân hàng số nên năng lực phục vụ và hiệu quả kinh doanh ngày càng tăng trưởng.

Citibank có thể coi là một trong những ngân hàng đi đầu về số hóa hoạt động. Hiện tại, ngân hàng này đã đạt được những cấp độ cao trong việc triển khai ngân hàng trực tuyến dựa trên nền tảng ngân hàng số. Hệ thống tư vấn, giao dịch trực tuyến của Citibank hoạt động bảo mật, hiệu quả 24/7, giảm tải cho giao dịch truyền thống tại quầy.

Khách hàng của Citibank giờ đây không phải điền các mẫu đăng ký, chỉ cần đọc mã khách hàng hay quẹt thẻ tại máy đọc thì mọi thông tin sẽ được nhân viên giao dịch trích xuất từ hệ thống, sau đó các mẫu giấy đăng ký yêu cầu giao dịch được hệ thống in ra và khách hàng chỉ cần ký để hoàn tất giao dịch.

Nhân viên giao dịch cũng không phải điền vào nhiều mẫu biểu trên nhiều ứng dụng, mà chỉ nhập dữ liệu một lần duy nhất trên SMART FORM, hệ thống sẽ tự động đẩy thông tin lên các thành phần liên quan như hệ thống lõi, hệ thống thẻ, Internet banking, SMS banking… Điều này góp phần tiết kiệm thời gian giao dịch.

Dịch vụ cũng có thể được đăng ký trực tuyến qua mạng, do đó ngân hàng sẽ giảm thời gian giao dịch cho khách hàng tại quầy và giảm chi phí giấy tờ, in ấn... giảm nhân viên giao dịch, nâng cao hiệu suất kinh doanh.

Cũng có chiến lược số hóa hoạt động, Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TPBank) đã triển khai thành công dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank. Với mô hình này, ngân hàng chỉ cần điểm giao dịch nhỏ cùng với thiết bị hiện đại và nhân viên hướng dẫn ban đầu là có thể cho phép khách hàng thực hiện nhiều loại giao dịch, đồng thời tương tác với thiết bị như đang giao dịch thực tế với nhân viên ngân hàng.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết: Với ưu điểm diện tích triển khai điểm LiveBank nhỏ, máy móc tự động thay thế toàn bộ con người và vận hành 24/7, TPBank sẽ triển khai thêm nhiều điểm giao dịch LiveBank với 3 mô hình khác nhau, trong đó mô hình toàn diện nhất sẽ bao gồm nhiều máy LiveBank tạo thành điểm giao dịch đa năng.

Đồng quan điểm, Giám đốc đối ngoại Citi Bank Việt Nam khẳng định: Trong tương lai, ngân hàng số sẽ là nền tảng phát triển tất yếu của hệ thống ngân hàng. Các giao dịch nằm ngoài điểm giao dịch của ngân hàng sẽ chiếm đa số. Các giao dịch tại quầy chủ yếu dành cho người già, đối tượng ít có điều kiện tiếp cận Internet.

Theo đánh giá của Tổ chức Giám sát doanh nghiệp quốc tế BMI, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng Internet khá cao (9%/năm), xếp hạng 15 trên thế giới. Riêng với lĩnh vực ngân hàng, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng số như Mobile banking, Internet banking… chiếm khoảng 44% và có tốc độ tăng trưởng hàng năm tới 2 con số.

Như vậy, rõ ràng với xu thế ngân hàng số hiện nay thì tương lai không xa nữa, các giao dịch trực tuyến sẽ dần thay đổi cách thức tương tác giữa ngân hàng với khách hàng.

Khi đó, thay vì đầu tư cho điểm giao dịch quy mô lớn thì các ngân hàng sẽ phải đầu tư vào nền tảng ngân hàng số cùng các phương thức bảo mật, đảm bảo an ninh cao cho các giao dịch của ngân hàng và khách hàng…

Và như vậy, các ngân hàng sẽ không còn quá coi trọng việc chọn địa điểm lớn ở trung tâm làm phòng giao dịch.