Xử lý nợ xấu có nhiều cải thiện

PV.

Nhìn lại thời gian vừa qua, các chuyên gia đánh giá Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có nhiều thành công đáng kể, đặc biệt là những dấu ấn trong chính sách với thị trường vàng, USD, ổn định tỷ giá, lạm phát. Nhưng bên cạnh đó, vấn đề nợ xấu, sở hữu chéo vẫn là thách thức lớn đối với ngành ngân hàng, cần có những giải pháp trọng tâm để giải quyết vấn đề này, hướng đến nền tài chính tiền tệ ổn định và bền vững.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Xử lý nợ xấu có nhiều cải thiện

Với những nỗ lực của toàn hệ thống ngân hàng trong thời gian vừa qua, mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu đến cuối năm 2015 xuống dưới 3% đã thành hiện thực. Tuy nhiên, việc xử lý nợ xấu trong năm 2016 cũng còn nhiều khó khăn, đòi hỏi những nỗ lực không chỉ riêng của hệ thống ngân hàng…

Những kết quả đạt được về xử lý nợ xấu trong thời gian vừa qua đã góp phần quan trọng trong việc tái cơ cấu, lành mạnh hóa tài chính của các tổ chức tín dụng, từ đó góp phần khơi thông và thúc đẩy mở rộng tín dụng cho nền kinh tế một cách an toàn, hiệu quả.

Nợ xấu đã phát sinh từ lâu nhưng bắt đầu được quan tâm đặc biệt từ cuối năm 2011. Giai đoạn 2008 – 2011, tốc độ tăng trưởng tín dụng bình quân là 26,56%, nhưng tốc độ tăng trưởng nợ xấu lại ở mức 51%. Nợ xấu tăng nhanh là mối đe dọa đến an ninh hệ thống ngân hàng và ổn định tài chính quốc gia.

Vì vậy, từ năm 2011, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như củng cố thanh khoản hệ thống ngân hàng, lành mạnh hóa hoạt động tài chính… để tiến đến xử lý nợ xấu toàn diện. Năm 2014, công cuộc xử lý nợ xấu bước đầu mang lại những kết quả ấn tượng nhờ sự nỗ lực của toàn hệ thống và bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Và đến cuối năm 2015, nhiệm vụ xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đã hoàn thành mục tiêu khi tỷ lệ nợ xấu được kéo mạnh từ mức 17% của năm 2012 về mức 2,72% vào thời điểm 30/11/2015.

Báo cáo tài chính năm 2015 được công bố của hầu hết các ngân hàng cũng cho thấy những con số đẹp về nợ xấu. Nợ xấu của các ngân hàng đều giảm so với cuối năm 2014, xét về tỷ lệ. Đặc biệt, tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng BIDV là 1,62%, MB là 1,6%, ACB là 1,32%, VietinBank là 0,91%, Eximbank là 1,85%, SHB là 1,72%, Techcombank là 1,66%, Vietcombank là 2%, TPBank là 0,4%...

Số liệu của Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia mới đây cũng cho thấy, chất lượng tín dụng có sự cải thiện trong năm 2015, nợ quá hạn là 179.501 tỷ đồng, tỷ lệ nợ quá hạn là 4,4% (năm 2014 là 5,3%). Nợ xấu là 119.660 tỷ đồng, tương đương tỷ lệ 2,9% (năm 2014 là 3,7%). Số nợ xấu được giải quyết chủ yếu thông qua bán cho VAMC. Số nợ bán cho VAMC đến năm 2015 là 243.000 tỷ đồng, tăng so với mức 133.000 tỷ đồng của năm 2014.

Một số đề xuất đối với xử lý nợ xấu trong thời gian tới

Với nhiều quốc gia nợ xấu của các tổ chức tín dụng cũng là vấn đề của nền kinh tế và để giải quyết tốt số nợ xấu tích tụ trong hệ thống ngân hàng, với nỗ lực riêng của hệ thống ngân hàng là chưa đủ, cần có sự tham gia hỗ trợ tích cực hơn nữa của các bộ, ngành, địa phương và DN. Trước vấn đề này, một số chuyên gia đã có những đề xuất để tháo gỡ khó khăn trong việc xử lý nợ xấu trong thời gian tới.

Cựu Thống đốc Lê Đức Thúy khuyến cáo, “lúc này là lúc cần tỉnh táo, cần cái đầu bớt nóng để cứu nền kinh tế khỏi nợ xấu, để con tàu tăng trưởng thoát khỏi nguy cơ bị chìm”.

Cựu Thống đốc Lê Đức Thúy nhấn mạnh:“Nợ xấu không thể tháo gỡ hết ngay lập tức. Tuy nhiên cần bắt tay vào giải quyết nợ xấu một cách thực chất, với một quyết tâm chính trị cao và chấp nhận cái giá thỏa đáng phải trả sẽ cứu được nền kinh tế.

Theo đó, cần có lộ trình để cho phép phá sản ngân hàng. Thực tế, với các ngân hàng yếu kém như ngân hàng mua 0 đồng, hiện nay NHNN là cơ quan bảo hộ. Vậy thay vì NHNN bảo lãnh cho các ngân hàng này thì có thể chia nhỏ phần nghĩa vụ của các ngân hàng này ra cho một số ngân hàng thương mại lớn khác, NHNN vẫn tiếp tục bảo lãnh số nợ này ở các ngân hàng thương mại lớn đó, và cho phá sản ngân hàng 0 đồng kia.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đề xuất: VAMC cần cải tổ mạnh mẽ, tăng vốn điều lệ. “Với vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng, số tài sản phải giải quyết là 250.000 tỷ đồng, tỷ lệ đòn bẩy tài chính của VAMC chỉ đạt 100/1, quá thấp so với một công ty tài chính”, ông Nguyễn Trí Hiếu nhận xét. Đồng thời, để có thể xử lý nợ xấu, VAMC phải cùng với NHNN xây dựng ra “chợ” mua bán nợ xấu. Trong đó, tất cả những nợ xấu đó được đưa lên một cách công khai, để thu hút người mua bán, kể cả nhà đầu tư nước ngoài.

Tuy nhiên, đây không hẳn là việc riêng VAMC hay NHNN có thể làm được. Cần có hệ thống pháp luật gỡ rối cho việc thanh lý tài sản đảm bảo, khi đó nợ xấu sẽ được xử lý nhanh hơn, thúc đẩy sự phát triển của thị trường mua bán nợ. Để chợ mua bán nợ “tấp nập”, cũng cần thu hút thêm sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Bên cạnh những thách thức về tái cơ cấu, nợ xấu, vấn đề thanh tra ngân hàng cũng phải được đặt ra. Trong thời gian qua, đã có hiện tượng một số thanh tra ngân hàng không làm tròn nhiệm vụ, phải chịu xử lý. “Vấn đề thanh tra ngân hàng là vô cùng quan trọng, hệ thống ngân hàng có sạch hay không là do khả năng phát hiện của đội ngũ thanh tra, giám sát. Vì vậy, phải chú trọng tăng cường năng lực, nhân sự, đầu tư công nghệ cho đội ngũ thanh tra”, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu đề nghị.

Tuy nhiên, bàn về nợ xấu, Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia Trương Văn Phước cho biết, việc tăng trưởng tín dụng rất cao trong năm 2015 cũng là một điều cần cảnh báo về nguy cơ phát sinh nợ xấu. Năm 2015, số nợ xấu mới phát sinh là 45.000 tỷ đồng. Theo ông Trương Văn Phước thì mặc dù con số này chưa bộc lộ rõ ở thời điểm hiện nay nhưng là nguy cơ tiềm ẩn cho các năm tiếp theo khi tín dụng tiếp tục tăng tạo nguồn thu ngắn hạn.