Xử lý nợ xấu, từ nỗ lực đến thực tế thị trường

Theo tinnhanhchungkhoan.vn

(Taichinh) - Dù Ngân hàng Nhà nước và từng ngân hàng rất quyết tâm, nỗ lực nhưng hiệu quả xử lý nợ xấu vẫn chưa được như kỳ vọng. Khoảng cách giữa thực tế với nỗ lực được TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh lý giải, là do Việt Nam đang thiếu những điều kiện cơ bản cho việc xử lý nợ xấu.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sự quyết liệt của NHNN

Quyết định 780 ngày 23/4/2012 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về việc phân loại nợ đối với nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ đã mở ra cơ chế cho phép các TCTD cơ cấu lại nợ, đồng thời không phải chuyển nhóm nợ đối với những khách hàng được đánh giá hoạt động sản xuất - kinh doanh có chiều hướng tích cực, có khả năng trả nợ tốt sau khi điều chỉnh kỳ hạn trả nợ, gia hạn nợ. Đây được xem là giải pháp để giảm áp lực gia tăng nợ xấu và là cách để hỗ trợ DN tiếp cận vốn vay phục hồi sản xuất - kinh doanh. Từ ngày 1/4/2015, Quyết định này đã chính thức hết hiệu lực.

“Quyết định 780 hết hiệu lực và việc Thông tư 02 đi vào thực hiện sẽ khiến nợ xấu tăng lên. Nhưng nếu cứ kéo dài việc giam nợ xấu lại thông qua các giải pháp như khoanh nợ, đảo nợ hoặc chuyển nợ ngắn hạn thành dài hạn… cũng không phải là cách làm hiệu quả, vì nợ xấu tuy không hiển thị, nhưng vẫn còn nằm yên ở đó”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.

Trong nỗ lực xử lý nợ xấu mới đây nhất, NHNN đã chấp thuận phương án phát hành trái phiếu đặc biệt năm 2015 của VAMC lên tới 80.000 tỷ đồng; yêu cầu mỗi NHTM phải bán số nợ xấu tối thiểu cụ thể theo ấn định của NHNN, tổ chức triển khai thực hiện để đến ngày 30/6/2015 phải bán được tối thiểu 75% và đến ngày 30/9/2015 bán hết 100% tổng số nợ xấu được ấn định.

Ngày 31/3/2015, Chính phủ cũng ban hành Nghị định số 34, với quy định vốn điều lệ mới của VAMC tăng lên 2.000 tỷ đồng, trao quyền hạn phù hợp cho VAMC xử lý nợ, tài sản bảo đảm của các khoản nợ xấu đã mua. Trách nhiệm của Bộ Xây dựng, Bộ Tư pháp và Bộ Kế hoạch - Đầu tư cũng được đưa vào quy định mới này.

Những biện pháp hết sức quyết liệt đó của Chính phủ, NHNN được kỳ vọng sẽ giúp VAMC mua nợ xấu tốt hơn và đẩy nhanh quá trình xử lý nợ xấu, vấn đề đang phần nào kìm hãm sự lưu thông của dòng tiền trong nền kinh tế và sự phát triển ổn định, bền vững của hệ thống ngân hàng.

Hiệu quả chưa vững chắc

Ghi nhận những kết quả tích cực ngành ngân hàng đạt được sau ba năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu như: thanh khoản ổn định, lãi suất có xu hướng giảm; tỷ giá tiếp tục được duy trì ổn định, tín dụng tăng trưởng khá trở lại, nợ xấu từng bước được xử lý qua nhiều hình thức như sử dụng dự phòng rủi ro, bán nợ cho VAMC, phát mại tài sản bảo đảm, theo đó, chất lượng tài sản đã được cải thiện đáng kể, nhưng ông Hà Huy Tuấn, Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, cho rằng, tiến độ xử lý nợ xấu vẫn rất chậm.

“Tỷ lệ nợ xấu vẫn ở mức cao hơn so với mục tiêu 3% của Đề án Tái cơ cấu. Các TCTD yếu kém tuy đã được khu biệt và xử lý, nhưng tiến độ vẫn chậm. Để hoàn thành mục tiêu Đề án Tái cơ cấu hệ thống TCTD đề ra, toàn ngành cần phải nỗ lực hơn nữa”, ông Tuấn nói.

Báo cáo đánh giá chính sách tiền tệ quý I/2015 và dự báo quý II/2015 của Trung tâm Nghiên cứu BIDV cho biết, nợ xấu trong quý I tăng so với cuối năm 2014. Nếu như tháng 12/2014 , tỷ lệ nợ xấu toàn ngành là 3,25% thì sang tháng 1/2015 tăng lên 3,46% và lên 3,59% trong tháng 2/2015. Tuy nhiên, Báo cáo cũng cho rằng, đây là vấn đề mang tính quy luật (nợ xấu đầu năm nay thường tăng so với cuối năm trước do các TCTD tích cực xử lý nợ xấu trong những tháng cuối năm) và vẫn thấp hơn so với cùng kỳ (tháng 1/2014: 3,74%; tháng 2/2014: 3,86%).

“Diễn biến này cho thấy bóng dáng ban đầu của kết quả xử lý nợ xấu còn chưa thực sự vững chắc”, Báo cáo của BIDV nhận định.

“Đâu thể dời non lấp bể bằng hai bàn tay không”

Mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu toàn ngành xuống dưới 3% vẫn đứng trước khá nhiều thách thức. Một trong số đó là khách hàng vẫn gặp khó khăn trong cơ cấu lại hoạt động, nâng cao năng lực quản trị, khiến kế hoạch trả nợ ngân hàng bị ảnh hưởng. Nhiều giải pháp hỗ trợ sản xuất - kinh doanh, xử lý hàng tồn kho, xử lý nợ trong xây dựng cơ bản… chưa phát huy hiệu quả. Đặc biệt, cơ chế, chính sách đối với thị trường mua bán nợ và thị trường bất động sản chậm được sửa đổi, ban hành…

Báo cáo của BIDV khuyến nghị, NHNN cần phát huy vai trò đầu mối trong việc phối hợp với các bộ ngành liên quan để đẩy nhanh việc hoàn thiện khung pháp lý cho việc xử lý nợ xấu; đồng thời, hoàn thiện chức năng, tăng cường năng lực và tiềm lực tài chính, phát huy vai trò của VAMC trong việc xử lý nợ xấu. Song song với đó, yêu cầu các TCTD công khai nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu. Phát triển thị trường mua bán nợ trong đó có việc mua bán theo giá thị trường. Đặc biệt, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành liên quan trong các vấn đề liên quan đến TCTD, VAMC xử lý nợ xấu.

Theo PGS. TS. Trần Đình Thiên, Viện Kinh tế Việt Nam, cơ chế hoạt động của một công ty quản lý tài sản (AMC) ở các quốc gia khác thực chất là Nhà nước bỏ tiền ra mua nợ, ôm khoản nợ đó một thời gian, sau đó khi kinh tế phục hồi, thị trường tài chính, bất động sản ấm lên sẽ bán ra, nhưng VAMC lại không như vậy.

TS. Lê Xuân Nghĩa chia sẻ quan điểm, nguyên tắc xử lý nợ xấu yêu cầu bắt buộc phải có những điều kiện sau: thứ nhất, nguồn lực tài chính đủ mạnh ( nguồn lực tài chính càng lớn, xử lý nợ xấu càng nhanh); thứ hai, nền tảng pháp lý phải đủ mạnh bởi việc xử lý nợ xấu có tính đặc thù và đều diễn ra trong điều kiện đặc biệt, trong một giai đoạn nhất định; thứ ba, có định chế tài chính trung gian với có tiềm lực tài chính lớn, định chế này phải có năng lực thể chế và kinh nghiệm giải quyết nợ và thị trường tài sản. Tuy nhiên, cả 3 điều kiện này Việt Nam hiện đều thiếu.

“NHNN và hệ thống ngân hàng cố gắng đến mức như hiện nay, tôi cho rằng rất tốt, nhưng đâu thể dời non, lấp biển bằng hai bàn tay không”, TS. Lê Xuân Nghĩa nói.