Yêu cầu lên sàn để “bóc” sở hữu chéo

Theo baodautu.vn

(Tài chính) Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước hối thúc các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn để tăng cường kiểm soát và “bóc” dần tình trạng sở hữu chéo. Tuy nhiên, việc này chưa dễ thực hiện bởi vấn đề nợ xấu.

Yêu cầu lên sàn để “bóc” sở hữu chéo
DongA Bank chưa niêm yết là do tình hình thị trường không có lợi cho cổ đông. Nguồn: internet

Huy động tiền trong dân, ngân hàng phải minh bạch

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước vừa thống nhất quan điểm sẽ hối thúc các ngân hàng cổ phần đại chúng lên sàn. Thông tin này khiến giới đầu tư quan tâm, song các ngân hàng lại tỏ ra khá dè dặt.

Theo chuyên gia ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu, việc ép các ngân hàng thương mại cổ phần phải niêm yết là hợp lý, bởi khi đó, tất cả thông tin về hoạt động được công khai, minh bạch.

Bên cạnh việc định kỳ phải công khai báo cáo tài chính quý, các ngân hàng niêm yết còn phải thực hiện nghĩa vụ công bố thông tin bất thường, công bố thông tin theo yêu cầu của cơ quan quản lý. Hoạt động của ngân hàng cũng luôn nằm trong sự giám sát của dư luận và nhà đầu tư.

Chia sẻ vấn đề này, theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, nếu ngân hàng lên sàn, cơ cấu sở hữu, số liệu tài chính buộc phải minh bạch, từ đó Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát và “bóc” dần được tình trạng sở hữu chéo vẫn đang chằng chịt trong hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên, minh bạch cũng chính là nguyên nhân khiến một số ngân hàng cổ phần e ngại lên sàn. Hiện nay, ngoài 8 ngân hàng niêm yết đã minh bạch thông tin, hầu hết các ngân hàng còn lại chưa công bố thông tin đầy đủ cho các nhà đầu tư. Thậm chí, có những ngân hàng từ khi hoạt động đến nay chưa hề có thông tin nào về lỗ lãi cũng như các hoạt động đầu tư, kinh doanh cụ thể của mình.

“Ngân hàng huy động tiền của dân mà lại không công khai hoạt động là rất nguy hiểm, bởi không ai biết dòng tiền này đi đâu. Do đó, dù có lên sàn hay không, tôi cho rằng, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước phải quy định cụ thể hơn nữa về mức độ minh bạch thông tin tài chính của các ngân hàng”, đại diện một quỹ đầu tư nước ngoài tại Việt Nam phát biểu.

Ngại lên sàn vì nợ xấu, thị trường bất lợi

Cách đây vài năm, rất nhiều ngân hàng đã tuyên bố ý định niêm yết trên sàn chứng khoán, như Maritime Bank, OCB, Southern Bank, Nam A Bank… Thế nhưng, kế hoạch của các ngân hàng trên đã bị lùi vô thời hạn.

Giải thích tình trạng trên, ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, sở dĩ Ngân hàng chưa niêm yết là do tình hình thị trường không có lợi cho cổ đông. Đây cũng là lý do được các ngân hàng khác đưa ra để lý giải nguyên nhân chậm lên sàn.

“Một khi thị trường èo uột, dù có niêm yết, cũng không có gì bảo đảm cổ phiếu ngân hàng đó sẽ đứng vững, có thanh khoản tốt, mang lại lợi nhuận cho cổ đông. Theo tôi, sớm cũng phải sang năm 2015, các ngân hàng mới tính chuyện niêm yết”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần khác cho hay.

Trong khi đó, theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, ngoài lý do thị trường không thuận lợi, yêu cầu minh bạch tài chính, thì một lý do nữa khiến các ngân hàng không thể lên sàn là tỷ lệ nợ xấu còn cao.

Theo Thông tư 26/2012/TT-NHNN hướng dẫn thủ tục chấp thuận việc niêm yết cổ phiếu, thì các ngân hàng thương mại cổ phần có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng, có lãi trong 2 năm liền kề trước năm đề nghị, tỷ lệ nợ xấu dưới 3% so với tổng dư nợ tại thời điểm cuối quý trong thời gian 2 quý liền kề trước quý đề nghị… mới được niêm yết.

Ngoài ra, để được chấp thuận niêm yết, ngân hàng còn phải tuân thủ chặt chẽ các quy định về an toàn vốn, phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, có bộ phận kiểm toán nội bộ và hệ thống kiểm soát nội bộ bảo đảm tuân thủ quy định pháp luật…

Trong bối cảnh nợ xấu tăng cao như hiện nay, việc đáp ứng được các điều kiện trên không phải dễ dàng. Chưa kể, thời gian gần đây, thảm cảnh bị thâu tóm qua sàn chứng khoán cũng khiến không ít ngân hàng chùn tay khi tính chuyện lên sàn.