Yêu cầu sửa đổi Luật Chứng khoán trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế

PV.

Ngày 16/12/2016, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức buổi Hội thảo “Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại và hội nhập”. Tại buổi Hội thảo, vấn đề sửa đổi Luật Chứng khoán đã được các chuyên gia, các nhà khoa học bàn luận khá sôi nổi.

Toàn cảnh Hội thảo “Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại và hội nhập”
Toàn cảnh Hội thảo “Hoàn thiện thể chế thị trường chứng khoán theo hướng hiện đại và hội nhập”

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Trương Bá Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính cho biết, trải qua 20 năm xây dựng và phát triển, thể chế thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam ngày càng được hoàn thiện. Hiệu lực pháp lý của các văn bản quản lý thị trường ngày càng được nâng cao, từ Nghị định 48/1998/NĐ-CP đến nay là Luật Chứng khoán năm 2006 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Chứng khoán năm 2010.

Phạm vi điều chỉnh của các văn bản pháp lý ngày càng mở rộng, bao quát hết các vấn đề của TTCK như sản phẩm của thị trường, tổ chức kinh doanh chứng khoán hay cơ chế quản lý giám sát thị trường. Với quá trình hoàn thiện thể chế đó, TTCK Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả tích cực.

Tuy nhiên, so với một số nước trong khu vực, quy mô TTCK Việt Nam còn khá nhỏ, thể chế TTCK đã từng bước hoàn thiện nhưng vẫn còn một số điểm chưa đồng bộ, thống nhất với các luật liên quan, chưa đáp ứng được yêu cầu của hội nhập kinh tế quốc tế.

Để tiếp tục phát triển TTCK, nâng hạng thị trường so với các nước trong khu vực, đáp ứng các thay đổi của thị trường, nhất là trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, chủ trương hoàn thiện thể chế thị trường được Chính phủ quan tâm, triển khai.

Chủ trương này thể hiện trong quyết định 252/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 01/3/2012. Theo đó, một trong các giải pháp phát triển TTCK là hoàn thiện khung khổ pháp lý và nâng cao năng lực quản lý giảm sát, cụ thể trong giai đoạn 2015-2020 “Xây dựng và trình Quốc hội Luật chứng khoán mới (thay thế Luật chứng khoán hiện hành) với phạm vi điều chỉnh rộng hơn, tiếp cận với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế, điều chỉnh đồng bộ hoạt động chứng khoán trong mối liên kết với các khu vực dịch vụ của thị trường tài chính.

Trong tham luận trình bày tại Hội thảo về định hướng sửa đổi Luật chứng khoán phù hợp với thông lệ quốc tế, ông Vũ Quang Việt – Vụ trưởng Vụ Pháp chế UBCK cho rằng, cần xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi) theo một số định hướng như: Bổ sung thẩm quyền bảo đảm bảo cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước có đủ quyền lực để thực thi tổ chức các chức năng quản lý, giám sát, thanh tra và chướng chế thực thi; Đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán được chào bán và nâng cao điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng; Hoàn thiện cơ chế đảm bảo chất lượng kiểm toán chấp thuận; Mở cửa thị trường, thu hút đầu tư nước ngoài thông qua tỷ lệ sở hữu Nhà nước của các công ty đại chúng; Hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động thị trường giao dịch chứng khoán; Hoàn thiện các quy định về công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán…

Chia sẻ quan điểm về việc xây dựng Luật Chứng khoán (sửa đổi), bà Vũ Thị Chân Phương, Phó Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước nhận định, “Cần tập trung xây dựng Luật Chứng khoán thế hệ mới nhằm thay đổi căn bản, phát triển bền vững và hiện đại hóa TTCK. Trên cơ sở đó, tiếp tục xây dựng các văn bản hướng dẫn Luật Chứng khoán theo thông lệ quốc tế, triển khai các quy định mới về cơ chế giao dịch, công bố thông tin, quản trị công ty, niêm yết và đăng ký giao dịch. Đồng thời phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, điều hành TTCK, hoạt động giám sát và cưỡng chế thực thi nhằm đảm bảo an toàn cho TTCK và hệ thống tài chính quốc gia”.

Dự kiến, Luật Chứng khoán (sửa đổi) sẽ được xây dựng vào năm 2018.