Lãi suất hạ nhiệt giúp "đẩy" tiền nhàn rỗi ra khỏi nhà băng


Tính đến ngày 27/6, hàng loạt nhà băng đã giảm lãi suất huy động và chỉ còn duy nhất 1 nhà băng có lãi suất tiết kiệm ở ngưỡng trên 8%/năm. Theo chuyên gia, động thái lãi suất hạ nhiệt trên diện rộng như hiện nay sẽ giúp kích thích dòng tiền nhàn rỗi “chảy” vào một số lĩnh vực khác trong nền kinh tế.

Tính đến ngày 27/6, chỉ còn duy nhất 1 nhà băng có lãi suất tiết kiệm ở ngưỡng trên 8%/năm.
Tính đến ngày 27/6, chỉ còn duy nhất 1 nhà băng có lãi suất tiết kiệm ở ngưỡng trên 8%/năm.

Tính đến ngày 27/6, hàng loạt ngân hàng trong nước đã đồng loạt giảm lãi suất tiết kiệm từ 0,3 đến 0,5 điểm phần trăm.

Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất

Cụ thể, ở nhóm ngân hàng tư nhân, OceanBank đồng loạt giảm 0,3% - 0,4% lãi suất huy động tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện lãi suất cao nhất mà ngân hàng này niêm yết là 7,8%/năm dành cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, theo hình thức gửi tiền online. Đây là đợt điều chỉnh lãi suất thứ 3 liên tiếp của Oceanbank trong chưa đầy nửa tháng qua. Trước đó, ngân hàng này cũng đã thay đổi biểu lãi suất huy động vào ngày 17/6 và 19/6.

Hay như HDBank cũng đã giảm 0,5% lãi suất tiền gửi đối với các kỳ hạn dưới 6 tháng, từ 4,75%/năm xuống còn 4,25%/năm. Ngoài ra, lãi suất các kỳ hạn kéo dài 6 tháng, 12 tháng và 13 tháng cũng giảm 0,2%, từ 7,5%/năm xuống 7,3%/năm. Trong vòng 1 tháng qua, lãi suất huy động của nhà băng này đã giảm 4 lần liên tiếp vào các ngày 31/5, 12/6, 19/6 và 26/6.

Một số cái tên khác như OCB, VIB, Sacombank, lãi suất kỳ hạn từ 1 tháng - 5 tháng đã giảm từ 5%/năm xuống 4,75%/năm. Cụ thể, OCB giảm từ 0,3% - 0,5% lãi suất tất cả kỳ hạn; VIB giảm từ 0,2% - 0,9% so với kỳ trước; Sacombank giảm lãi suất tất cả kỳ hạn tiền gửi từ 0,2% - 0,4%.

Trong khi đó, ở nhóm “Big 4” bao gồm 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước, lãi suất tiền gửi các kỳ hạn đều ở ngưỡng thấp nhất thị trường. Cụ thể lãi suất kỳ hạn 1 tháng là 3,4%; kỳ hạn 3 tháng là 4,1%; kỳ hạn 6 tháng là 5%; kỳ hạn 12 tháng, 13 tháng và 36 tháng đều là 6,3%/năm.

Trên toàn thị trường chỉ còn duy nhất 1 ngân hàng có mức lãi suất tiết kiệm trên 8% là GPBank, thuộc nhóm ngân hàng tư nhân. Theo thông tin niêm yết trên website của ngân hàng này, lãi suất tiết kiệm điện tử đối với VND áp dụng cho khách hàng cá nhân có hiệu lực kể từ ngày 21/6/2023 có mức cao nhất là 8,1%/năm đối với kỳ hạn từ 13 - 36 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất hiện tại. Vị trí thứ hai thuộc về Saigonbank với lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 13 tháng ở mức 8%/năm.

Kích thích dòng tiền “chảy” vào nền kinh tế

Đánh giá về động thái lãi suất “hạ nhiệt” trên diện rộng trong thời gian này, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chuyên gia kinh tế cho biết việc Ngân hàng Nhà nước giảm liên tiếp 4 lần lãi suất điều hành chỉ trong vòng nửa đầu năm 2023 đã tạo điều kiện cho các ngân hàng thương mại có thể đồng loạt giảm lãi suất huy động.

Như vậy, lãi suất tiền gửi tiết kiệm không còn neo cao như giai đoạn trước, ngân hàng không còn là địa điểm hấp dẫn hàng đầu thu hút nguồn vốn trong dân. Tuy nhiên, nhìn ở khía cạnh tích cực, đây chính là lực đẩy giúp dòng tiền “chảy” vào những lĩnh vực khác của nền kinh tế thay vì “nằm im” trong nhà băng.

Chia sẻ với báo chí mới đây, bà Thiều Thị Nhật Lệ, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Quản lý Quỹ UOB Asset Management (Việt Nam) cho rằng lãi suất tiết kiệm giảm giúp kích thích dòng tiền quay trở lại thị trường chứng khoán.

“Điều này thể hiện rõ khi Chính phủ thực hiện cắt giảm lãi suất kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4, thanh khoản trung bình mỗi ngày của thị trường chứng khoán trong tháng 4 và tháng 5 đã tăng mạnh 30 - 40% so với tháng 2 và tháng 3”, bà Lệ nói.

Tuy nhiên, theo chuyên gia, nhìn chung lãi suất tiết kiệm vẫn còn neo ở mức khá cao. Đồng thời, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho thị trường bất động sản vẫn còn cần có thời gian để phát huy tác dụng và khôi phục hoàn toàn niềm tin từ phía nhà đầu tư. Khi đó, nguồn vốn trong dân mới có thể “chảy” mạnh vào thị trường.

Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Báu, CEO WiGroup cũng đánh giá việc giảm lãi suất trong bối cảnh hiện nay phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng chứ không tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân.

“Nếu muốn “thẩm thấu” nhanh đến nền kinh tế thì phải chờ sự đồng pha thanh khoản của hệ thống ngân hàng trong trung, dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế”, ông Báu cho hay.

Theo Hà Trang/vnbusiness.vn