Luận cứ khoa học chính sách thuế trên thế giới và kinh nghiệm cho Việt Nam


Bài viết nghiên cứu cơ sở khoa học và chính sách quản lý, cải cách thuế trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách thuế của Việt Nam.

Ảnh minh họa: Nguồn internet
Ảnh minh họa: Nguồn internet

Trong điều kiện kinh tế thị trường, phản ứng của các chủ thể đối với các loại thuế hoặc gánh nặng thuế giảm/tăng là vô cùng quan trọng. Mỗi phản ứng phụ thuộc vào mức độ và ảnh hưởng của thuế đối với những thay đổi cung và cầu của một yếu tố sản xuất cụ thể trên thị trường, cũng như vào khoảng thời gian mà ảnh hưởng của thuế đối với thị trường sẽ trở nên rõ ràng. Bài viết nghiên cứu cơ sở khoa học và chính sách quản lý, cải cách thuế trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách thuế của Việt Nam.

Giới thiệu

Chức năng tài khóa của thuế liên quan đến việc phân bổ nguồn lực, vì nó làm giảm thu nhập của các hộ gia đình và doanh nghiệp, làm hạn chế khả năng đầu tư, tiêu dùng và tiết kiệm của nền kinh tế. Tác động phân bổ của thuế có thể khác nhau và phụ thuộc vào các yếu tố như: Cơ cấu thuế, thuế suất, khả năng của các thang thuế, đối tượng và cơ sở đánh thuế, phạm vi và quy mô của việc miễn giảm thuế, phân bổ gánh nặng thuế, cách thức và phương thức thu thuế.

 Trong điều kiện kinh tế thị trường, phản ứng của các chủ thể đối với các loại thuế hoặc gánh nặng thuế giảm/tăng là vô cùng quan trọng. Mỗi phản ứng phụ thuộc vào mức độ và ảnh hưởng của thuế đối với những thay đổi cung và cầu của một yếu tố sản xuất cụ thể trên thị trường, cũng như vào khoảng thời gian mà ảnh hưởng của thuế đối với thị trường sẽ trở nên rõ ràng. Bài viết nghiên cứu cơ sở khoa học và chính sách quản lý, cải cách thuế trên thế giới, từ đó, rút ra bài học kinh nghiệm trong việc xây dựng, hoàn thiện chính sách thuế của Việt Nam.

Lý thuyết của Keynes về thuế, chi tiêu chính phủ và tăng trưởng kinh tế

Mối quan hệ kinh tế giữa thuế, chi tiêu và tăng trưởng kinh tế xuất phát từ kinh tế học Keynes (1936). Keynes cho rằng, thuế suất được điều chỉnh tùy thuộc vào nền kinh tế đang trong giai đoạn bùng nổ hay khủng hoảng của chu kỳ kinh tế. Trong giai đoạn kinh tế suy thoái hoặc tăng trưởng nóng, chính phủ can thiệp vào nền kinh tế bằng cách sử dụng công cụ chính sách tài khóa (chi tiêu chính phủ, thuế). Việc sử dụng chính sách tài khóa theo chu kỳ suy thoái hay tăng trưởng kinh tế được chia thành trạng thái: Thuận chu kỳ và ngược chu kỳ.

Chính sách tài khóa thuận chiều (thuận chu kỳ) là chính sách tài khóa hướng tới mục tiêu cân bằng ngân sách. Khi cán cân thâm hụt, nhằm mục tiêu cân bằng ngân sách thì phải tăng thu thuế và giảm chi tiêu chính phủ.

Chính sách tài khóa ngược chiều (ngược chu kỳ) là chính sách với mục tiêu đưa sản lượng về mức sản lượng tiềm năng. Khi nền kinh tế suy thoái, với mục đích đạt mức sản lượng tiềm năng, chính phủ tiếp tục tăng chi tiêu của chính phủ và giảm thu thuế.

Chính sách thuế của các quốc gia trên thế giới

Chính sách thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu

Trong lịch sử của nền kinh tế, sự hỗ trợ cho thương mại tự do và chủ nghĩa bảo hộ đã thay đổi. Vào thế kỷ XIX, thương mại tự do dần trở nên quan trọng hơn, dẫn đến sự bùng nổ trong kim ngạch thương mại. Chi phí thuế, vận chuyển giảm mạnh là động lực chính cho sự gia tăng trao đổi thương mại. Bước sang thế kỷ XII, nửa đầu thế kỷ XX là thời kỳ chiến tranh và khủng hoảng thế giới. Trong thời gian này, các quốc gia đã cố gắng cứu nền sản xuất nội địa bằng cách sử dụng các công cụ bảo hộ. Điều này dẫn đến sự sụt giảm đáng kể trong giá trị thương mại quốc tế. Nửa sau thế kỷ XX là thời kỳ tự do hóa thương mại thế giới được các quốc gia triển khai do các thỏa thuận miễn giảm thuế có hiệu lực thi hành. Xuất khẩu toàn cầu tăng nhanh, các công ty đa quốc gia bắt đầu mở rộng và tiếp cận người tiêu dùng trên toàn thế giới. Như vậy, chính sách thuế đối với các giao dịch vãng lai theo xu hướng quốc tế hoá chung sẽ phải giảm dần sự bảo hộ cho nền kinh tế trong nước.

Hiệu quả của chính sách thuế được nhấn mạnh là hạn chế tối đa tính thuế đối với hàng hoá trong hoạt động thanh toán quốc tế. Thuế có thể làm biến động giá cả của thị trường và cản trở sự giao thương quốc tế (Auerbach, 2010).

 Chính sách thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng (GTGT), trong đó mỗi người nộp thuế chỉ bị ảnh hưởng bởi loại thuế này theo tỷ lệ GTGT trên sản phẩm cuối cùng. Do đó, hàng hóa cuối cùng sẽ bị đánh thuế theo tỷ lệ của giá cuối cùng. Thuế này xuất hiện trên toàn thế giới kể từ giữa thế kỷ XX, thường được áp dụng cho tất cả hàng hóa được mua.

Thực tế cho thấy, tại các quốc gia phát triển đều có hệ thống thuế GTGT. Trong đó, chính phủ đơn giản hoá hoạt động thu thuế, nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ của người nộp thuế và chi phí quản lý của Nhà nước. Chính sách thuế được đơn giản hoá sẽ hỗ trợ tích cực cho hoạt động thu thuế. Còn tại các nước ở châu Á duy trì một hệ thống thuế GTGT phức tạp hơn các quốc gia ở châu Âu (Suzuki, 2014).

Chính sách thuế liên quan đến môi trường

Tình trạng ô nhiễm môi trường, không khí, nguồn nước ngày càng gia tăng. Trước bối cảnh đó, các quốc gia trên thế giới đã đặt mục tiêu và tăng cường các giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng hiệu ứng nhà kính, ứng phó với tình trạng nước biển dâng, bão lũ xuất hiện ngày càng nhiều hiện nay. Trong đó, việc áp thuế phát thải khí nhà kính của các nước đã phần nào giúp khắc phục tinh trạng trên, thông qua việc tăng giá năng lượng (Dijkgraaf và Gradus, 2016).

Phát thải có thể được định giá: thông qua hệ thống mua bán phát thải và thuế phát thải. Sự lựa chọn phụ thuộc vào từng quốc gia và lĩnh vực. Trong lĩnh vực sản xuất phát thải chất thải của các công ty, việc áp dụng mức thuế đã mang lại hiệu quả, vì nó bắt buộc các công ty tìm cách giảm lượng phát thải trong quá trình hoạt động sản xuất, kinh doanh. Điều này mang lại những lợi ích về môi trường cho các quốc gia từ việc giảm lượng phát thải, vốn làm tăng bệnh tật và tử vong do ô nhiễm không khí, cùng những tác hại khác (IMF, 2019).

Tình trạng chuyển giá, trốn thuế, tham nhũng thuế

Một kênh chuyển dịch lợi nhuận quan trọng là định giá sai chuyển nhượng. Nghĩa là, các công ty có thể thực hiện điều tiết giảm nghĩa vụ thuế với Nhà nước bằng cách dịch chuyển lợi nhuận từ các chi nhánh ở các quốc gia có mức thuế cao sang các chi nhánh ở các quốc gia có mức thuế thấp. Điều này làm xói mòn lợi nhuận của công ty liên kết chịu thuế cao, nhưng cũng làm gia tăng lợi nhuận ở công ty liên kết chịu thuế thấp (Liu, 2019).

Besley và Persson (2013) cho rằng, vấn nạn tham nhũng có thể là một trở ngại cho sự xuất hiện của các chuẩn mực tuân thủ thuế ở các nước đang phát triển, và đó là lý do tại sao các nước đang phát triển có thể có thu nhập từ thuế thấp hơn. Tham nhũng có thể diễn ra dưới nhiều hình thức khác nhau. Sự lạm dụng quyền lực được giao phó hàng ngày của các quan chức trong các tương tác của họ với những công dân nộp thuế đã gây nên tình trạng thất thu thuế của nhà nước (Lamberton và cộng sự, 2018).

Tham nhũng trong các cơ quan công quyền gây tổn hại nghiêm trọng đến tinh thần tự nguyện nộp thuế. Tham nhũng có thể không khuyến khích mọi người tuân thủ do nhận thấy sự không công bằng trong trao đổi giữa người nộp thuế và Nhà nước (Fortin và cộng sự, 2007).

Kinh nghiệm đối với chính sách thuế của Việt Nam

Qua phân tích, đánh giá chính sách thuế của các quốc gia trên thế giới, tác giả rút ra một số kinh nghiệm đối với chính sách thuế của Việt Nam như sau:

Thứ nhất, chính sách thuế phải phù hợp với xu thế phát triển chung của khu vực và toàn cầu. Gia tăng nguồn thu thuế nhưng không làm biến động giá cả của thị trường. Hoàn thiện chính sách thuế và tuân theo các nguyên tắc chung của thị trường. Đơn giản hoá hệ thống thuế GTGT hơn nữa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thu thuế.

Thứ hai, đối với thuế nhập khẩu, yếu tố quyết định là xuất xứ: Hàng hoá nhập từ nước hưởng quy chế Tối huệ quốc sẽ được áp dụng thuế suất ưu đãi; Hàng hoá nhập từ những nước có hiệp định thương mại với Việt Nam được hưởng thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; Hàng hoá nhập từ những nước khác sẽ chịu thuế suất chuẩn. Theo yêu cầu của Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), các thành viên ASEAN phải xóa bỏ toàn bộ thuế nhập khẩu vào năm 2015. Vì vậy, việc chuyển sang đánh thuế trên tiêu dùng và doanh thu là cần thiết.

Trên thực tế, khi Việt Nam áp dụng thuế nhập khẩu để bảo trợ sản xuất trong nước sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của các quốc gia khác. Lợi nhuận biên của các công ty nước ngoài sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, nếu các quốc gia khác cũng sử dụng thuế nhập khẩu làm công cụ đáp trả ngược lại thì hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ gánh chịu hậu quả. Chính sách thuế nhập khẩu của Việt Nam hiện nay còn một số bất cập chưa theo kịp với thực tiễn hội nhập quốc tế hiện nay. Các văn bản pháp quy về thuế xuất nhập khẩu còn chồng chéo, thiếu tính ổn định, rõ ràng làm cho việc tuân thủ pháp luật thuế của doanh nghiệp còn chưa tốt.

Thứ ba, việc tính thuế phát thải, chất thải gây tổn hại đến môi trường là cần thiết nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu. Thiết lập mức thuế hợp lý nhằm khuyến khích người tiêu dùng và doanh nghiệp giảm lượng phát thải với chi phí thấp nhất.

Thứ tư, chi phí của việc thu thuế cũng là một vấn đề còn hạn chế trong chính sách thuế của Việt Nam. Thực tế cho thấy, một trong những yếu tố quyết định đến sự phát triển của nền kinh tế chính là hệ thống thuế được tổ chức hiệu quả và hỗ trợ tích cực cho hoạt động chi tiêu ngân sách của Chính phủ. Trong đó, chính phủ đơn giản hoá hoạt động thu thuế nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ của người nộp thuế và chi phí quản lý của nhà nước. Nâng cao nguồn thu thuế thông qua thực hiện các chính sách ngăn chặn các hành vi gian lận, trốn thuế.

Kết luận

Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế khi tham gia hội nhập quốc tế, Việt Nam cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, điều chỉnh các quy định theo hướng phân biệt rõ hơn về tiêu chí mức thuế áp dụng đối với các đối tượng, đặc biệt là các đối tượng không chịu thuế. Làm tốt điều này sẽ phòng tránh được những hành vi vi phạm, gian lận trong nộp thuế và cải thiện chỉ số thu thuế của Nhà nước. Trong tương lai, tự do hoá thương mại tăng lên và mức thuế mậu dịch như thuế nhập khẩu giảm dần theo cam kết, sẽ gia tăng áp lực hơn nữa đối với nguồn thu thuế. Khi tỷ lệ thuế nhập khẩu bị giảm theo xu hướng hội nhập. Chính sách thuế cần tiếp tục được đánh giá, tổng kết, nghiên cứu và mở rộng để gia tăng nguồn thu. Cơ cấu thuế cần có sự điều chỉnh, giảm thuế đánh trực tiếp làm biến động giá cả và tăng thu thuế từ các nguồn thuế gián thu. Việt Nam cũng cần tăng cường hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với các nước trong khu vực và trên thế giới về lĩnh vực thuế. 

Tài liệu tham khảo:

1.Auerbach, A. (2010), Directions in tax and transfer theory. In Melbourne Institute - Australia's future tax and transfer policy conference (full report), 63-71, Melbourne, Australia: Melbourne Institute of Applied Economic and Social Research;

2.Dijkgraaf, E., Gradus, R. (2016), An EU recycling target: what does the Dutch evidence tell us? Environ. Resour. Econ. 1–26 ;

3.Fortin, B., Lacroix, G., Villeval, M. C. (2007), Tax evasion and social interactions. J. Publ. Econ. 91, 2089–2112;

4.Garside, J. (2016), Apple tax ruling is unfair, says former European commissioner, The Guardian September 1;

5.International Monetary Fund (2019), "Fiscal Policies for Paris Climate Strategies-from Principle to Practice”, Washington, DC: International Monetary Fund;

6.Keynes, M. (1936), The General Theory of Employment, Interest and Money, Macmillan  Cambridge University Press.

(*) Lê Thị Thuý Hằng - Trường Đại học Tài chính – Marketing.

(**) Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 10/2021.