M&A thị trường bảo hiểm: Hứa hẹn sớm phát triển mạnh mẽ

Vũ Thanh Thủy và Nguyễn Thị Hồng Nhung (Theo Tạp chí Tài chính - Bảo hiểm)

(Tài chính) Tại Việt Nam, mua bán - sáp nhập doanh nghiệp (M&A) vốn chỉ diễn ra chính ở lĩnh vực ngân hàng và bất động sản trong nhiều năm qua nhưng giữa bối cảnh môi trường kinh doanh đang có nhiều thay đổi, M&A lĩnh vực bảo hiểm hứa hẹn sẽ sớm phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

M&A thị trường bảo hiểm: Hứa hẹn sớm phát triển mạnh mẽ
M&A lĩnh vực bảo hiểm hứa hẹn sẽ sớm phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Nguồn: internet

Số liệu thống kê của Cục Quản lý - Giám sát Bảo hiểm (QLGSBH) cho thấy từ khi thị trường bảo hiểm mở cửa cho đến nay, M&A lĩnh vực này vẫn còn ở dạng sơ khai, chưa khi nào M&A giữa các đối tác ngoại và doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cũng như giữa chính các doanh nghiệp bảo hiểm nội hoặc ngoại với nhau thực sự phát triển mạnh mẽ.

Quãng thời gian từ 1999 đến 2005, chỉ có vài thương vụ thành công như Tập đoàn Allianza (Đức) bán cổ phần trong Công ty Allianz Việt Nam (Công ty 100% vốn của Đức và Pháp) cho đối tác Australia – Công ty Bảo hiểm QBE; BIDV mua lại Liên doanh bảo hiểm Việt - Úc để thành lập Công ty bảo hiểm BIDV (BIC); Dai-ichi Life (Nhật Bản) mua lại Bảo Minh CMG để thành lập Dai-ichi Life Việt Nam… Năm 2007, HSBC mua 10% cổ phần của Tập đoàn Bảo Việt và sau đó tăng tỷ lệ sở hữu lên 18%. 

Các chuyên gia của Stoxplus - đơn vị chuyên cung cấp các giải pháp thông tin tài chính và dữ liệu thị trường chuyên sâu - đã nhận định rằng M&A ngành bảo hiểm không được mong đợi nhiều từ năm 2011 trở về trước vì nhu cầu tìm kiếm đối tác đầu tư chủ yếu chỉ đến từ một phía – các doanh nghiệp bảo hiểm nội – do họ thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực giỏi và hệ thống công nghệ thông tin chưa đáp ứng được yêu cầu thị trường.

Trong khi đó, các tổ chức bảo hiểm nước ngoài và các tổ chức bảo hiểm lớn cho rằng họ hoàn toàn có thể gây dựng được hệ thống mạng lưới, có nguồn nhân lực tốt hơn. Chưa kể đến những hạn chế mà các liên doanh giữa các đối tác ngoại và đối tác trong nước thường gặp phải như: sự khác biệt và mâu thuẫn trong cách thức quản trị; quyền điều hành; tăng vốn hoặc tăng tỷ trọng sở hữu…

Chính vì thế nên các tổ chức bảo hiểm nước ngoài này không mặn mà gì với việc mua bán, sáp nhập hoặc thâu tóm một tổ chức kinh doanh bảo hiểm Việt Nam. Thay vào đó là sự ra đời của hàng loạt các văn phòng đại diện hoặc các công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài.

Tuy nhiên trong những năm gần đây, giao dịch M&A trong lĩnh vực bảo hiểm diễn ra ngày càng mạnh mẽ với sự gia tăng cả về số lượng và giá trị các thương vụ.

Xét về quy mô các Tập đoàn, có thể kể đến như thương vụ giữa năm 2012 hãng bảo hiểm Đức – Talanx sẵn sàng rót thêm 27 triệu USD để tăng tỷ lệ nắm giữ của doanh nghiệp này trong liên doanh với PVI từ 25% lên 31,82%. Trong đợt phát hành riêng lẻ này, hai bên đã thống nhất mức giá mua bán bằng với giá trị sổ sách của PVI tại thời điểm 31/12/2011 là 26.335 đồng/cổ phiếu, cao gấp 1,55 lần giá thị trường PVI tại thời điểm ký hợp đồng.

Cuối năm 2012, khi tình hình kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, hãng bảo hiểm hàng đầu Nhật Bản Sumitomo Life đã mạnh tay chi 340 triệu USD mua lại 18% cổ phần mà HSBC đã đầu tư vào Bảo Việt trong vòng 5 năm và chính thức trở thành đối tác chiến lược của Tập đoàn này. Giá trị vụ chuyển nhượng này gần gấp đôi thị giá của BVH tại thời điểm ký kết.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, thương vụ mua bán giữa Tập đoàn Insurance Australia Group Ltd (IAG) và Công ty Cổ phần bảo hiểm AAA cũng là một trong số các thương vụ đình đám kéo dài suốt từ giữa năm 2012 đến giữa năm 2013.

IAG tuy không công bố rõ số tiền bỏ ra để nâng cổ phần trong AAA từ 30% lên 60,9% - chính thức trở thành cổ đông chi phối và chuyển AAA thành một thành viên của IAG tại Việt Nam, nhưng chắc hẳn số tiền bỏ ra không nhỏ bởi trước đó vài tháng, IAG đã phải chi khoảng 20 triệu USD để mua 30% cổ phần phát hành thêm của AAA.

Cùng với xu hướng nở rộ các giao dịch mua bán, lĩnh vực bảo hiểm thời gian gần đây cũng đón nhận thêm một làn sóng ra đời các doanh nghiệp bảo hiểm liên doanh giữa một tổ chức nước ngoài và một doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam.

Điển hình như sự ra đời của Công ty Cổ phần PVI Sun Life là liên doanh giữa PVI và Sun Life Financial đến từ Canada với tỷ lệ vốn góp là 59% thuộc về PVI và Sun Life là 41%.

Cuối tháng 9/2013, sau hàng năm trời tìm kiếm đối tác ngoại, Tổng Công ty Bảo hiểm BIDV(BIC) đã tuyên bố chọn liên doanh với Tập đoàn MetLife Inc (Metlife) thành lập Công ty TNHH Bảo hiểm Nhân thọ BIDV Metlife dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2014.

Công ty Bảo hiểm Viễn Đông và một vài doanh nghiệp khác cũng vẫn đang âm thầm tìm kiếm các đối tác đầu tư để mua bán cổ phần thành lập liên doanh.

Xu hướng tất yếu

Các chuyên gia đầu ngành tài chính bảo hiểm nhận định rằng M&A lĩnh vực bảo hiểm thời gian tới là xu hướng tất yếu vì các yếu tố cơ bản như: những quy định gần đây của chính phủ về tái cấu trúc ngành tài chính bảo hiểm; nhu cầu tự thân của các doanh nghiệp bảo hiểm muốn tồn tại trong môi trường cạnh tranh buộc phải tái cấu trúc để tăng vốn; đổi mới mô hình quản trị, đa dạng hóa các kênh bán hàng, mở rộng thị trường và thị phần; đối tác nước ngoài muốn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực bảo hiểm đầy tiềm năng của Việt Nam.

Quy định hiện hành

Thực tế hiện nay Đề án “Tái cấu trúc thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm” nhằm nâng cao năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp, quản lý rủi ro và chất lượng dịch vụ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thông qua Quyết định 1826/QD-TTg ngày 6/12/2012. Nếu theo đúng lộ trình thực hiện, từ 2012 đến 2015 thị trường sẽ chứng kiến việc hàng loạt các doanh nghiệp bảo hiểm thuộc nhóm kinh doanh bảo hiểm gốc không có lãi ít nhất trong vòng 2 năm; nhóm nguy cơ không hoặc mất khả năng thanh toán - ráo riết tìm kiếm các đối tác chiến lược để tái cơ cấu.

Song song đó sẽ là những thương vụ đi kèm với lộ trình thoái vốn đầu tư của tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán và doanh nghiệp bảo hiểm theo Đề án tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2011-2015 ban hành kèm theo Quyết định 929/QĐ-TTg ngày 17/7/2012.

Cạnh tranh khốc liệt

Theo ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, thì chưa cần đến Nhà nước phải gia tăng áp lực khiến các doanh nghiệp bảo hiểm tìm đường M&A mà trong môi trường kinh doanh cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, tự thân các doanh nghiệp bảo hiểm trong nước và đối tác nước ngoài đều có nhu cầu thông qua M&A để giải quyết các vấn đề của mình.

Có thể nói trong vài năm gần đây, bất chấp sự trồi sụt của kinh tế vĩ mô, trong khi các ngành kinh doanh khác đều gặp khó khăn thì lĩnh vực bảo hiểm vẫn duy trì mức tăng trưởng tốt.

Theo Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, tính chung 9 tháng 2013, tổng doanh thu phí bảo hiểm gốc của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ đạt 18.229 tỷ đồng tăng 8,13% so với cùng kỳ 2012. Thị trường bảo hiểm nhân thọ tiếp tục tăng trưởng cao. Tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ 9 tháng đạt 15. 574 tỷ đồng, tăng 20,3% so với năm 2012.

Tiềm năng thị trường lớn thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước. Theo báo cáo của Cục Quản lý giám sát bảo hiểm, hiện có tổng số 58 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm tại thị trường Việt Nam, bao gồm 29 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, 15 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, 12 doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, và 02 doanh nghiệp tái bảo hiểm. Các doanh nghiệp bảo hiểm mới liên tục được ra đời khiến các tổ chức kinh doanh bảo hiểm đã hoạt động lâu trên thị trường buộc phải tái cơ cấu hoạt động theo hướng tìm các đối tác đầu tư để phát triển trong môi trường cạnh tranh.

Về phía các công ty bảo hiểm nội, nếu không kể đến việc các công ty bảo hiểm là công ty con của một tập đoàn lớn mà lĩnh vực kinh doanh chính không phải là bảo hiểm khiến quyết định lựa chọn đối tác chiến lược luôn phụ thuộc hoặc bị khống chế theo chiến lược phát triển chung của ngành hoặc của chính công ty mẹ của doanh nghiệp đó thì đa số các doanh nghiệp nội địa đều có nhu cầu và hiện cũng đang âm thầm tìm kiếm đối tác nước ngoài.

Vốn

Các đối tác nước ngoài đứng đầu trong danh sách tìm kiếm của các doanh nghiệp bảo hiểm nội là các đối tác có tiềm lực tài chính mạnh vì khó khăn lớn nhất của họ là vấn đề vốn do suy thoái kinh tế trong những năm gần đây.

Cụ thể: đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Nhà nước ra quy định doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ phải có vốn điều lệ tối thiểu 300 tỷ đồng gây áp lực tăng vốn đối với các công ty bảo hiểm quy mô nhỏ khiến những đơn vị này buộc phải tìm nhà đầu tư hoặc cổ đông mới góp vốn để đảm bảo mức vốn đó.

Điển hình trên thị trường là trường hợp của Công ty Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) kêu gọi thêm cổ đông góp vốn là Bamboo Capital để duy trì hoạt động, Công ty Bảo hiểm Bảo Tín chuyển thành Công ty Bảo hiểm Phú Hưng khi xuất hiện cổ đông mới là Công ty Chứng khoán Phú Hưng…

Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, nhu cầu về vốn càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết vì các đơn vị này luôn luôn phải chịu lỗ kỹ thuật, cần phải có dòng vốn lớn để duy trì hoạt động và mở rộng kinh doanh.

Kênh phân phối mới

Tiến sĩ kinh tế Hoàng Việt Hà, Giám đốc Hoạt động Tập đoàn Bảo Việt cũng cho biết thêm bên cạnh yếu tố về vốn, sự phát triển của kênh phân phối mới cũng là một trong những nhân tố mà doanh nghiệp bảo hiểm Việt Nam cân nhắc trong quá trình tìm kiếm đối tác thực hiện M&A.

Bancassurance – có thể hiểu đơn giản là việc bán sản phẩm bảo hiểm thông qua ngân hàng – là kênh phân phối hiệu quả, cạnh tranh mạnh mẽ với kênh phân phối truyền thống (đại lý bảo hiểm).

Theo thống kê của Hiệp hội Ngân hàng, ở Việt Nam kênh bancassurance mới đem lại khoảng 1,5% trong tổng doanh thu phí bảo hiểm, trong khi số liệu này tại các nước Châu Âu lên tới 50-70%. Thông qua kênh bancassurance, các doanh nghiệp bảo hiểm có thể tận dụng được nguồn cơ sở khách hàng rộng rãi, mạng lưới chi nhánh rộng khắp của các ngân hàng, cơ hội bán chéo sản phẩm… Chính vì thế xu thế các ngân hàng thực hiện M&A đối với các công ty bảo hiểm hoặc thành lập các công ty bảo hiểm ngày càng tăng.

Một số trường hợp ngân hàng liên doanh với công ty bảo hiểm hoặc tự thành lập công ty bảo hiểm:

Ngân hàng

Liên doanh/Tự thành lập

Công ty Bảo hiểm

BIDV

Tự thành lập

Công ty Bảo hiểm BIDV (BIC)

Vietinbank

Liên doanh với Aviva

Công ty Bảo hiểm Vietinbank-Aviva

Vietcombank

Liên doanh với BNP Paribas Cadif

Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Vietcombank Cadif (VCLI)

Agribank

Tự thành lập

Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC)

Nền tảng

Ông Hà cũng nhấn mạnh rằng các yếu tố đóng vai trò then chốt quyết định hiệu quả hoạt động của một doanh nghiệp nói chung cũng như doanh nghiệp bảo hiểm nói riêng như mô hình quản trị doanh nghiệp, nguồn nhân lực, công nghệ thông tin, quảng bá thương hiệu, mô hình kinh doanh… ở các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn còn khá yếu, chưa chuyên nghiệp do chưa có đủ kinh nghiệm hoạt động như các doanh nghiệp nước ngoài. Điều đó cũng là một nhân tố thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm nội tìm kiếm đối tác chiến lược/cổ đông nước ngoài với kỳ vọng rằng bên cạnh nguồn lực tài chính dồi dào, bằng năng lực và kinh nghiệm của mình, các doanh nghiệp nước ngoài có thể hỗ trợ doanh nghiệp trong nước củng cố/ hoàn thiện mô hình quản trị, đào tạo phát triển nguồn nhân lực, đẩy mạnh hạ tầng công nghệ thông tin… từ đó tăng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, tối ưu hóa lợi nhuận và nâng cao vị thế của doanh nghiệp.

Tồn tại và mở rộng đầu tư

Về phía các doanh nghiệp nước ngoài, một chuyên gia đầu ngành bảo hiểm nhận định cho đến thời điểm này thì việc thành lập công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài không còn là điều khó khăn nữa và hiện rất nhiều công ty đã có đủ điều kiện để thành lập công ty 100% vốn nước ngoài (có ít nhất 3 năm thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và thường tổ chức các chương trình huấn luyện, chia sẻ kinh nghiệm hay có những hoạt động phát triển thị trường bảo hiểm trong nước…) nhưng họ lại vẫn chỉ dừng lại ở việc xin gia hạn làm văn phòng đại diện hoặc trông chờ cơ hội liên doanh với một đối tác trong nước chứ không ồ ạt thành lập các công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài như trước đây nữa.

Theo ông Lộc, thực tế chứng minh ngoại trừ các doanh nghiệp ngoại đầu tư lâu đời tại Việt Nam thì thị phần của phần lớn các công ty bảo hiểm 100% vốn nước ngoài ở Việt Nam bây giờ vẫn rất nhỏ.

Khách hàng chủ yếu của các công ty này vẫn là những khách đến từ mẫu quốc đầu tư kinh doanh, sản xuất tại Việt Nam nên các doanh nghiệp bảo hiểm có nguồn gốc từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan có kết quả kinh doanh tương đối khả dĩ còn các doanh nghiệp đến từ các quốc gia khác có kết quả kinh doanh không cao. Điểm lại trong khoảng 3 năm trở lại đây không có doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ 100% vốn nước ngoài nào được thành lập.

Bên cạnh đó, chính do sự khác biệt về văn hóa nên doanh nghiệp bảo hiểm nước ngoài không nắm được tâm lý của khách hàng Việt Nam, buộc phải mở rộng điều kiện bảo hiểm để giữ khách lâu dần thành chịu lỗ.

Thêm nữa, hiện trên thị trường Việt Nam đã có những doanh nghiệp có kinh nghiệm hoạt động lâu dài và gây dựng được thương hiệu uy tín lớn nên công ty 100% vốn nước ngoài thành lập mới sẽ gặp rất nhiều khó khăn nếu muốn cạnh tranh lại họ.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, tính đến hết năm 2012, thị trường bảo hiểm Việt Nam đang có sự hiện diện của 32 văn phòng của các tổ chức bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam, trong đó có gần 10 văn phòng của các tổ chức bảo hiểm nhân thọ mà chủ yếu đến từ Châu Á. Có những văn phòng đã có thời gian hiện diện tại thị trường Việt Nam khá lâu, gần 7 năm và đã xin gia hạn giấy phép đến 2 lần.
Chính vì những lý do trên mà nhu cầu M&A từ phía ngoại cũng đang trở nên hết sức mạnh mẽ. Đối tác trong nước mà các nhà đầu tư nước ngoài muốn mua lại cổ phần là những doanh nghiệp đã xây dựng được thương hiệu tốt, mạng lưới sẵn có, sẵn sàng thay đổi hoặc tiếp nhận những mô hình quản trị/ kinh doanh/ quản lý hoạt động mới.

Để M&A đạt hiệu quả mong đợi

Thành công của M&A không thể chỉ kể đến giá trị của thương vụ hay các hợp đồng sở hữu cổ phần vốn góp mà yếu tố quan trọng nhất là các bên liên quan có đạt được sự kỳ vọng của mình sau M&A trong khi vẫn đảm bảo sự hài hòa về lợi ích giữa các bên hay không.

Tập đoàn Bảo Việt – Tập đoàn có nhiều kinh nghiệm trong việc hợp tác với HSBC, Sumitomo Life và Tokyo Marine cho biết trong quá trình lựa chọn đối tác, Bảo Việt luôn đặt phương châm Đồng lòng – Đổi mới – Phát triển trong quan hệ hợp tác để tạo ra giá trị cộng hưởng cho cả hai bên.

Mục tiêu của Bảo Việt là hướng đến sự tăng trưởng bền vững, lâu dài và ổn định, vì thế bên cạnh việc nâng cao năng lực tài chính, Thỏa thuận Hỗ trợ Kỹ thuật và Chuyển giao Năng lực là sự cam kết giữa đối tác và Bảo Việt trong việc tư vấn, hỗ trợ tiếp cận mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, các thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Trong giai đoạn hợp tác với HSBC, Bảo Việt đã thực hiện thành công giai đoạn I của chiến lược phát triển 5 năm, xây dựng “Một Bảo Việt - Một nền tảng mới” bao gồm: tạo dựng nền tảng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại, tiếp cận mô hình quản trị doanh nghiệp theo chuẩn mực quốc tế, xây dựng hệ thống quản lý rủi ro xuyên suốt toàn Tập đoàn, minh bạch hóa thông tin, tiên phong trong lập báo cáo tài chính theo chuẩn mực kế toán Việt Nam và quốc tế; chuẩn hóa quản trị nguồn nhân lực theo thông lệ quốc tế, thống nhất và đổi mới thương hiệu, phát triển sản phẩm và kênh phân phối.

Đến tháng 3/2013, khi chính thức bắt tay với cổ đông chiến lược Sumitomo Life - Công ty bảo hiểm nhân thọ hàng đầu Nhật Bản với hơn 100 năm kinh nghiệm, Bảo Việt kỳ vọng sự cộng hưởng các giá trị với Sumitomo Life sẽ hỗ trợ Bảo Việt - doanh nghiệp Việt Nam duy nhất cạnh tranh với 15 doanh nghiệp nước ngoài và liên doanh - tăng trưởng thị phần, trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam.

Mới đây, Tập đoàn Bảo Việt và đối tác chiến lược Sumitomo Life cũng đã tổ chức Lễ ký kết Kế hoạch triển khai Thỏa thuận hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao năng lực (TSCTA) Giai đoạn I.

Kế hoạch triển khai này được xây dựng dựa trên Hợp đồng TSCTA đã ký trước đó vào ngày 20/12/2012 giữa Sumitomo Life và Tập đoàn Bảo Việt và quá trình trao đổi, khảo sát, tìm hiểu hoạt động kinh doanh cùng nhu cầu phát triển của cả hai bên.

Theo đó, giai đoạn I của TSCTA sẽ kéo dài trong vòng 1 năm, từ  ngày 16/10/2013 - 15/10/2014. Giai đoạn này, Sumitomo Life sẽ tập trung hỗ trợ cho Bảo Việt ở lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm phi nhân thọ và quản lý rủi ro. Cụ thể:

Trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, Sumitomo Life tập trung hỗ trợ 04 lĩnh vực với các chuyên gia trực tiếp làm việc tại Tổng Công ty Bảo Việt Nhân thọ. Bốn lĩnh vực này bao gồm: actuary - dịch vụ actuary, phát triển sản phẩm; công nghệ thông tin - hỗ trợ triển khai chuyển đổi hệ thống; bancassurance - duy trì quan hệ với đối tác ngân hàng, mở rộng đối tác mới, ứng dụng kinh nghiệm và thế mạnh phát triển bancassurance của Sumitomo Life để thúc đẩy hoạt động bancassurance của Bảo Việt Nhân thọ và quản lý đại lý - hỗ trợ và chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao năng suất, chất lượng đại lý.

Trong lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, Sumitomo Life sẽ hỗ trợ tập trung vào chia sẻ kinh nghiệm về bảo hiểm y tế - mảng bảo hiểm có nhiều tiềm năng phát triển tại thị trường Việt Nam và tập trung hỗ trợ phát triển các sản phẩm bảo hiểm y tế phù hợp với nhu cầu của khách hàng.

Trong lĩnh vực quản lý rủi ro, Sumitomo Life sẽ chủ yếu hỗ trợ mảng rủi ro thị trường, báo cáo và thông tin quản trị trong lĩnh vực quản lý rủi ro.

Đây cũng chính là những thế mạnh của Sumitomo Life, những thế mạnh này đã giúp Sumitomo Life củng cố tiềm lực tài chính vững mạnh, uy tín và năng lực kinh doanh bảo hiểm trên thị trường bảo hiểm Nhật Bản, đồng thời tạo được niềm tin vững chắc với nhiều khách hàng.

Đại diện Sumitomo Life, Ông Shinzo Kono, Thành viên Ban điều hành, đồng Giám đốc Kinh doanh, Khối Kinh doanh quốc tế cho biết: “Sau lễ ký kết TSCTA vào tháng 12/2012, Sumitomo Life đã rất mong chờ đến ngày chính thức được triển khai dự án này. Bằng việc cử các chuyên gia hàng đầu và tận tâm của Sumitomo Life tới hỗ trợ Bảo Việt, chúng tôi hy vọng sẽ phát huy được tối đa và linh hoạt những thế mạnh của mình tại Việt Nam, phù hợp với nhu cầu của Bảo Việt, phù hợp với thị trường Việt Nam cũng như nhu cầu của con người Việt Nam, qua đó góp phần vào sự phát triển lớn mạnh, bền vững của Bảo Việt.” Đến thời điểm hiện tại đã có 7 chuyên gia Sumitomo Life đến làm việc trực tiếp tại Bảo Việt, các chuyên gia khác sẽ sớm được cử sang sau Lễ ký kết.

Trong bối cảnh môi trường kinh doanh cạnh tranh gay gắt, sự cộng hưởng các giá trị với Sumitomo Life - một cổ đông chiến lược lớn, dày dặn kinh nghiệm, có sự tương đồng về văn hóa và thấu hiểu thị trường bảo hiểm – được nhận định sẽ mở ra cho Bảo Việt rất nhiều cơ hội và kỳ vọng Bảo Việt sẽ tận dụng tốt tất cả những cơ hội đó nhằm tăng trưởng thị phần, trở thành doanh nghiệp đứng đầu trong lĩnh vực bảo hiểm tại Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ.