“Mở đường” để xuất khẩu rau quả cán mốc 10 tỷ USD


Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm trước. Thành quả này nhờ Việt Nam đã ký Nghị định thư về kiểm dịch thực vật với nhiều nước, đặc biệt là Trung Quốc. Hướng tới mục tiêu 10 tỷ USD, nỗ lực chính ngạch hóa xuất khẩu rau quả cần được duy trì và đẩy mạnh.

Trái ngọt từ nỗ lực mở cửa thị trường 

Năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục với 5,69 tỷ USD, tăng gần 70% so với năm 2022, vượt xa mục tiêu đặt ra trước đó của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn. Đặc biệt, thanh long, sầu riêng là mặt hàng có giá trị xuất khẩu cao nhất, đều trên 2 tỷ USD. Các thị trường xuất khẩu rau quả hàng đầu của Việt Nam là Trung Quốc, Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hà Lan, Australia… Trong đó Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu rau quả lớn nhất của Việt Nam và chiếm tỷ trọng 65%.

Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, xuất khẩu rau quả năm 2023 tăng trưởng tốt nhờ các nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật ký với Trung Quốc trong năm 2022. Cùng với đó, 16 hiệp định thương mại tự do Việt Nam ký với các nước cũng hỗ trợ tích cực cho hoạt động xuất khẩu nói chung và cho rau quả nói riêng. Ông Nguyễn Đình Tùng,Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T, cũng cho biết, sau khi nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với quả sầu riêng xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc được ký kết, doanh nghiệp đã khai thác rất hiệu quả lợi thế này.

Năm 2022, Việt Nam đã “chính ngạch hóa xuất khẩu” cho 7 loại nông sản gồm: chanh leo, sầu riêng, chuối, khoai lang (sang Trung Quốc), nhãn (sang Nhật Bản) bưởi, chanh (sang New Zealand), và được đánh giá là năm thành công nhất từ trước tới nay trong việc mở cửa thị trường cho nông sản.

Năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục đàm phán thành công để mở cửa thị trường Hoa Kỳ đối với dừa tươi xuất khẩu và ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc, nhận chuyển giao việc giám sát các cơ sở xử lý kiểm dịch trước khi xuất khẩu thay cho việc phải mời chuyên gia nước ngoài.

Tính đến nay, Việt Nam đã có 14 loại nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, trong đó có 13  mặt hàng rau quả, gồm: khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.

Cũng trong năm 2023, Cục Bảo vệ thực vật đã cấp 6.997 mã số vùng trồng; cấp 1.613 mã số cơ sở đóng gói cho hơn 20 loại sản phẩm (sầu riêng, chanh leo, bưởi, thạch đen, chuối, thanh long, mít, nhãn, vải, xoài, chôm chôm, dưa hấu…) để xuất khẩu. Công tác kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu được đẩy mạnh, đã kiểm dịch được 46 triệu tấn hàng hóa xuất khẩu (tương đương 319.000 lô hàng) và 47 triệu tấn nhập khẩu (tương đương 327.000 lô hàng).

Đẩy mạnh chính ngạch hóa xuất khẩu

Với diễn biến lạc quan hiện nay, xuất khẩu rau quả được dự báo tiếp tục lập đỉnh mới, có thể vượt qua con số 6 tỷ USD, thậm chí tiến tới mốc 7 tỷ USD. Từ đó, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xuất khẩu 8 - 10 tỷ USD đặt ra trong Đề án phát triển ngành chế biến rau quả giai đoạn 2021 - 2030.

Kỷ lục xuất khẩu rau quả năm 2023 cũng một lần nữa khẳng định, tiếp tục nỗ lực đàm phán và ký kết các nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật để đẩy nhanh tiến độ "chính ngạch hóa xuất khẩu" là “mở đường” cho hành trình tiến tới mốc 10 tỷ USD.

Hiện tại, Việt Nam đang đàm phán, hoàn thiện hồ sơ mở cửa thị trường đối với 6 sản phẩm, gồm: trái cây có múi (bưởi, cam, quýt...), dừa, sầu riêng cấp đông, ớt, dược liệu. Cụ thể, ông Huỳnh Tấn Đạt - Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, cho biết đơn vị đã trao đổi thông tin với Tổng cục Hải quan Trung Quốc để góp ý hoàn thiện bản dự thảo Nghị định thư về yêu cầu nhập khẩu ớt, quả dừa tươi, sầu riêng đông lạnh. Đồng thời, tiếp tục quá trình đàm phán đối với sản phẩm trái cây có múi và dược liệu sang thị trường này. Đây đều là những mặt hàng thế mạnh của nước ta, khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc chắc chắn sẽ đem về cho ngành rau quả giá trị kim ngạch cao hơn nữa trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Song song với quá trình đàm phán mở rộng thị trường, Cục Bảo vệ thực vật, sẽ tích cực phối hợp với các địa phương phát triển, mở rộng số lượng và diện tích mã số vùng trồng cũng như số lượng cơ sở đóng gói đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu. Đồng thời, không lơ là trong giám sát để vùng trồng và cơ sở đóng gói duy trì được các điều kiện đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

“Cục Bảo vệ thực vật tiếp tục tháo gỡ hàng rào kỹ thuật, mở cửa thị trường cho các loại quả tươi; thực hiện kiểm tra, kiểm dịch thực vật xuất khẩu đối với các loại hàng hóa nông sản xuất khẩu; trong đó, chú trọng các loại quả chủ lực và thị trường trọng tâm như Trung Quốc, Mỹ, EU... góp phần giữ vững và mở rộng thị trường xuất khẩu cho nông sản của Việt Nam”, Cục trưởng Huỳnh Tấn Đạt cho biết.

Theo Báo Đại biểu Nhân dân/daibieunhandan.vn