Mô hình nào cho Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam?

Theo daibieunhandan.vn

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội cả nước song phát triển chưa xứng tiềm năng. Muốn tạo bước ngoặt phát triển cho vùng, cần nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng vùng theo hướng là một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ.

Hội đồng vùng mới là cầu nối, chưa phải điều phối

Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam bao gồm TP. Hồ Chí Minh và 7 tỉnh (Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Phước, Tây Ninh, Long An và Tiền Giang), trong đó TP. Hồ Chí Minh là hạt nhân.

TP. Hồ Chí Minh - hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
TP. Hồ Chí Minh - hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị Khóa IX đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020, đến nay đã có những thành công nhất định trong phát triển kinh tế - xã hội.

Dù diện tích của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam chỉ chiếm 9,2%, dân số chiếm khoảng 20% cả nước nhưng đã tạo ra khoảng 46,3% GDP (2019), đóng góp từ 42% - 46% ngân sách quốc gia mỗi năm. Tốc độ tăng trưởng bình quân của vùng và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2016 - 2020 luôn cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (cả nước đạt 6,12%/năm trong khi toàn vùng là 7,02%/năm và TP. Hồ Chí Minh là 6,81%/năm).

Tuy vậy, có thể thấy liên kết vùng còn hạn chế. Điểm nghẽn chính là chính sách và các quy định về liên kết vùng chưa đủ mạnh. Dù Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo, Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm giai đoạn 2015 - 2020 theo Quyết định số 2059/QĐ-TTg ngày 24.11.2015 song bộ máy điều phối vùng còn nhiều điểm bất hợp lý, cơ chế thực thi thiếu hiệu nghiệm.

Cụ thể, Ban chỉ đạo chỉ là đề xuất cơ chế chính sách và giúp Thủ tướng mà không có quyền quản lý điều hành trực tiếp hoạt động của các vùng kinh tế trọng điểm. Trong khi đó, người chỉ đạo và điều hành trực tiếp vẫn là Thủ tướng, điều này không khác gì so với việc chỉ đạo các tỉnh, các ngành khác ngoài vùng kinh tế trọng điểm.

Hội đồng vùng không phải là một cấp hành chính trung gian nên không có quyền hành đủ mạnh để bảo đảm chỉ đạo buộc các tỉnh, thành phố phải tuân thủ. Hội đồng chỉ đóng vai trò cầu nối phối hợp giữa các tỉnh hơn là đóng vai trò điều phối. Bản thân Chủ tịch Hội đồng vùng phải sử dụng con dấu và ngân sách của địa phương mình trong quá trình điều phối.

Các tổ điều phối chuyên đề được thành lập nhân danh của chủ tịch Hội đồng vùng và bao gồm các thành viên từ các địa phương trong vùng. Việc thành lập các tổ điều phối chuyên đề vướng về nguyên tắc tổ chức khi quyết định thành lập lại sử dụng con dấu của UBND TP. Hồ Chí Minh nhưng nhân sự được lấy từ lãnh đạo ngành địa phương khác. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến quá trình giao việc và cơ chế chịu trách nhiệm khi triển khai công việc.

Các tổ giúp việc được thành lập dựa trên quyết định của tổ trưởng tổ điều phối chuyên đề và bao gồm nhân sự của các địa phương khác nhau nên thực tế khả năng điều động và giao việc cho các thành viên trong tổ giúp việc để triển khai là khó khả thi. Hầu hết nhân sự trong các tổ điều phối và tổ giúp việc đều là thành viên kiêm nhiệm nên không đủ thời gian và nguồn lực để thực hiện các công việc chung của vùng khi cơ chế phối hợp và chịu trách nhiệm chưa rõ ràng.

Ngoài ra, vùng thiếu ngân sách thực hiện các dự án mang tính chất nội vùng và các hoạt động của toàn vùng. Vùng cũng thiếu công cụ điều tiết đủ quyền năng. Bộ máy của Hội đồng vùng hiện nay không phải là một cấp hành chính. Các quyết định, nghị quyết của Hội đồng vùng cũng chỉ mang tính chất khuyến khích thực hiện mà không có cơ chế ràng buộc.

Nên là cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ

Để vùng kinh tế trọng điểm phía Nam phát triển tương xứng tiềm năng, việc hoàn thiện mô hình tổ chức bộ máy và cơ chế điều phối phát triển vùng là rất quan trọng.

Theo đó, cơ cấu tổ chức và điều chỉnh nhân sự trong thời gian tới nên được tổ chức lại theo hướng nâng cao vị trí, vai trò của Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Hội đồng vùng được thành lập như một cơ quan chuyên trách thuộc Chính phủ. Hội đồng vùng có tư cách pháp nhân độc lập, có con dấu riêng, được cấp và sử dụng ngân sách. Bộ máy Hội đồng vùng phải hoạt động chuyên trách.

Về cơ cấu thành viên Hội đồng vùng do một Ủy viên Bộ chính trị (là Bí thư một địa phương trong vùng) làm Chủ tịch Hội đồng vùng. Với vị trí là Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng vùng sẽ thuận lợi hơn trong quá trình triển khai chủ trương của Đảng đến các địa phương, chuyển tải các ý kiến của địa phương về Trung ương, cũng như giám sát các địa phương tuân thủ nghị quyết của Hội đồng vùng. Các thành viên khác bao gồm các thành viên là Chủ tịch UBND các tỉnh/thành phố, lãnh đạo một số bộ, ngành và một số thành viên chuyên trách. Trong đó, bổ nhiệm một thành viên chuyên trách làm Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng vùng.

Tổ chức văn phòng Hội đồng vùng đóng vai trò là đầu mối tiếp nhận, quản lý hồ sơ, tài chính, con dấu thực hiện các chức năng giống như văn phòng các cơ quan chuyên trách khác. Về nhân sự, văn phòng gồm những thành viên chuyên trách.

Bên cạnh đó, xem xét giải thể các tổ điều phối chuyên đề, tổ giúp việc cho tổ điều phối chuyên đề và nâng cao vai trò của tổ điều phối cấp tỉnh. Tổ điều phối cấp tỉnh sẽ là đơn vị điều phối liên quan đến các nội dung chuyên ngành mà tổ điều phối chuyên đề hiện nay đang phụ trách. Dĩ nhiên, cơ chế điều phối sẽ được làm rõ để có thể khả thi khi tổ chức thực hiện.

Đối với tổ điều phối cấp bộ thời gian qua chưa phát huy hiệu quả, bởi các vấn đề Hội đồng vùng đề xuất vượt thẩm quyền giải quyết của tổ này và vẫn phải thực hiện theo các pháp luật hiện hành. Do đó, có thể giải thể tổ điều phối cấp bộ. Các vấn đề phát sinh từ vùng sẽ do Hội đồng vùng làm việc trực tiếp với các bộ chuyên ngành để giải quyết theo pháp luật hiện hành.