Mở rộng đầu ra cho nông sản

Theo Ngọc Anh/Báo Hậu Giang

Xác định thương mại điện tử là hướng đi mới để đưa các sản phẩm nông sản tỉnh nhà vươn xa hơn nữa, Hậu Giang đang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hậu Giang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Ngọc Anh
Hậu Giang đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản. Ảnh: Ngọc Anh

Với mục tiêu đẩy mạnh quá trình hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, thời gian qua Hậu Giang đã triển khai rộng rãi hoạt động hỗ trợ đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Đa dạng sản phẩm nông sản của tỉnh đã có mặt trên 2 sàn voso và postmart và nhiều trang thương mại điện tử khác. Từ các mặt hàng trái cây tươi gồm chanh không hạt, bưởi da xanh, cam… cho đến các sản phẩm đã qua sơ chế, chế biến như mứt khóm Vân Lộc, trà mãng cầu Kỳ Như, mật ong Hương Tràm, bưởi non sấy Trần Đệ, trà mãng cầu Phụng Phát, trà khổ qua rừng Nguyễn Minh…

Tham quan các gian hàng nông sản Hậu Giang trên trang thương mại điện tử voso.vn, chị Nguyễn Thị Thanh Thảo, ở phường V, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Tôi hay mua hàng trên các trang thương mại điện tử vì tiện lợi và mình tìm được đúng sản phẩm cần mua. Tôi cũng biết đến sàn voso, postmart từ mấy tháng nay thông qua các kênh truyền thông, mua hàng trên đây dễ kiểm soát được xuất xứ, chất lượng, giá cả. Có lần tôi đặt mua sữa chua sấy và mứt khóm của Hậu Giang thấy sản phẩm được đóng gói cẩn thận, chất lượng. Trên đây, nhiều chủ thể trưng bày sản phẩm OCOP với hình ảnh bắt mắt, rất hấp dẫn. Nhưng bên cạnh đó, một số gian hàng cần trau chuốt hơn về hình ảnh sản phẩm để tăng tính hấp dẫn với khách hàng”.

Có thể thấy, các sàn thương mại điện tử hỗ trợ tích cực cho nông dân, hộ sản xuất, kinh doanh về quảng bá thương hiệu sản phẩm và mở rộng phạm vi tiếp cận với người tiêu dùng. Các ngành tỉnh, địa phương cũng đang xúc tiến mạnh mẽ hoạt động hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, từ khâu tập huấn, hướng dẫn, xây dựng mô hình thí điểm, ứng dụng công nghệ trong sản xuất, kinh doanh…, từng bước liên kết chặt chẽ các mắt xích để đưa nông sản tỉnh nhà vươn xa.

Theo bà Nguyễn Thị Giang - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, thực hiện kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử năm 2022, ngành nông nghiệp khảo sát, thẩm định tổng hợp thông tin các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, hộ sản xuất nông nghiệp và nông sản để tham gia sàn thương mại điện tử. Tổng hợp danh sách các hộ sản xuất nông nghiệp, phân nhóm các hộ theo khả năng, nguyện vọng, dự báo mức độ hiệu quả khi tham gia sàn thương mại điện tử. Lập danh sách các sản phẩm OCOP chủ lực của tỉnh, sản lượng của từng loại sản phẩm OCOP, khả năng tiêu thụ từng loại sản phẩm OCOP và dự báo nhu cầu từng loại sản phẩm OCOP trong thời gian tới.

Về đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, ngành nông nghiệp tiến hành hỗ trợ gắn sản phẩm với thương hiệu được chứng nhận đạt chuẩn GlobalGAP, VietGAP cụ thể của từng hộ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo chất lượng nông sản cung cấp tới người tiêu dùng. Hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp được cấp giấy chứng nhận chất lượng cho các loại thủy sản giao dịch trên sàn thương mại điện tử.

Cụ thể, nuôi trồng thủy sản lươn, sản phẩm đạt chuẩn GlobalGAP diện tích ít nhất 10.000m2. Nuôi trồng thủy sản cá thát lát, sản phẩm đạt chuẩn VietGAP diện tích ít nhất 20.000m2. Ngoài ra, chọn lựa 3-10 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu chủ lực của tỉnh, xây dựng trở thành sản phẩm mũi nhọn để tổ chức truyền thông lan tỏa.

Các hộ sản xuất nông nghiệp sẽ được tiếp cận thông tin hữu ích phục vụ sản xuất, kinh doanh thông tin thị trường nông sản, dự báo nhu cầu nông sản, thời tiết, mùa vụ. Nguyên liệu đầu vào, công nghệ, kiến thức, kỹ năng phục vụ sản xuất, kinh doanh để nâng cao năng suất, chất lượng sản xuất sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, giúp bà con có thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường tiêu thụ.

Thương mại điện tử cũng là một trong những hướng đi mới để các hợp tác xã đã tiếp cận chuyển đổi số, ứng dụng các nền tảng công nghệ vào sản xuất, tổ chức hoạt động của hợp tác xã; kết nối sản xuất, tiêu thụ, thích ứng với nhu cầu thị trường. Thời gian qua, nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và cung cấp thông tin qua Facebook, Zalo,... đẩy mạnh bán hàng qua sàn thương mại điện tử, sử dụng hóa đơn điện tử, kinh doanh trên nền tảng số, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, 2 sàn nông sản Việt Nam là PostMart của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam và Voso của Tập đoàn Viettel có trên 5 triệu người đã mua bán và hàng ngàn loại nông sản. Chỉ cần phát triển, hoàn thiện thêm là 2 sàn này sẽ sẵn sàng phục vụ được các hợp tác xã. 2 doanh nghiệp đang vận hành 2 sàn này cũng chính là các doanh nghiệp chuyển phát, chậm nhất là 48 giờ hàng hóa sẽ được vận chuyển đến bất kỳ nơi đâu trong phạm vi toàn quốc. Ngoài ra, 2 sàn này cũng có thể mở rộng ra để cung cấp đầu vào cho các hợp tác xã như con giống, phân bón và các vật tư khác...