Năm 2024, phấn đấu dự toán thu nội địa tăng khoảng 5-7%

Trần Huyền

Đó là một trong những nội dung được nêu tại Thông tư số 51/2023/TT-BTC ngày 17/7/2023 của Bộ Tài chính hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2024, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2024 - 2026.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Thông tư số 51/2023/TT-BTC quy định, dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 phải được xây dựng theo đúng các quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế và các luật về thuế, phí, lệ phí và các văn bản pháp luật khác có liên quan, đảm bảo thu đúng, thu đủ các nguồn thu của ngân sách nhà nước.

Xây dựng dự toán thu năm 2024 bám sát tình hình kinh tế - xã hội, tài chính trong và ngoài nước, tính toán cụ thể các yếu tố tăng, giảm và dịch chuyển nguồn thu do thay đổi chính sách pháp luật về thu, về quản lý thu, nhất là các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí và gia hạn thời gian nộp thuế, tiền thuê đất hết hiệu lực của năm 2023, việc thực hiện lộ trình cắt giảm, ưu đãi thuế để thực hiện cam kết của Chính phủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với các nhà đầu tư nước ngoài.

Xây dựng dự toán thu phải gắn với việc quyết liệt thực hiện các biện pháp cải cách hành chính, hiện đại hóa công tác quản lý thu; tăng cường công tác quản lý, chống thất thu, nhất là chống thất thu thuế trong kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh trong điều kiện phát triển kinh tế số, giao dịch điện tử xuyên biên giới; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, chống chuyển giá, trốn thuế, gian lận thuế, quyết liệt xử lý nợ đọng thuế và kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế.

Thông tư số 51/2023/TT-BTC nêu rõ, phấn đấu dự toán thu nội địa năm 2024 không kể thu tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết, tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, cổ tức, lợi nhuận sau thuế và chênh lệch thu, chi của Ngân hàng Nhà nước bình quân cả nước tăng khoảng 5-7% so với đánh giá ước thực hiện năm 2023 (đã loại trừ các yếu tố tăng, giảm thu do thay đổi chính sách); mức tăng trưởng thu tại từng địa phương phù hợp với tăng trưởng kinh tế và nguồn thu phát sinh tại từng địa bàn, trên cơ sở tính đến cả yếu tố tăng cường quản lý thu, chống thất thu và thu hồi nợ thuế.

Trong xây dựng dự toán thu nội địa, các địa phương xây dựng dự toán thu nội địa năm 2024 ngoài việc đảm bảo các mục tiêu, yêu cầu quy định nêu trên, phải tổng hợp đầy đủ các nguồn thu ngân sách nhà nước phát sinh trên địa bàn và loại trừ các khoản không thuộc nguồn thu cân đối ngân sách nhà nước theo chế độ quy định, trên cơ sở đánh giá đầy đủ thực tế thực hiện năm 2023, những đặc thù của năm 2024 và số kiểm tra dự toán thu năm 2024 được cơ quan có thẩm quyền thông báo.

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 phải được xây dựng trên cơ sở hệ thống dữ liệu thông tin về đất đai, đối tượng nộp thuế; đảm bảo tính đúng, đủ từng khoản thu, sắc thuế, lĩnh vực thu đối với từng địa bàn, chi tiết số thu từ các dự án mới đi vào hoạt động có số thu lớn theo các quy định hiện hành về thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách nhà nước; chi tiết theo từng khoản thu phí, lệ phí theo quy định; các quy định điều chỉnh chính sách theo lộ trình tiếp tục ảnh hưởng tới số thu ngân sách nhà nước năm 2024 và các quy định dự kiến sẽ được sửa đổi, bổ sung, áp dụng trong năm 2024.

Toàn bộ số thu từ sử dụng đất quốc phòng, an ninh theo cơ chế thí điểm trong quản lý, sử dụng đất quốc phòng, an ninh; thu từ sắp xếp lại nhà đất, xử lý tài sản công, thu từ cho thuê quyền khai thác, chuyển nhượng có thời hạn quyền khai thác tài sản kết cấu hạ tầng; thu ngân sách nhà nước từ giao quản lý, sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng do Nhà nước đầu tư, quản lý theo phương thức không tính thành vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và số thu từ khai thác quỹ đất, mặt nước (sau khi trừ đi các chi phí có liên quan) phải được lập dự toán đầy đủ và thực hiện nộp ngân sách nhà nước theo đúng quy định của pháp luật. Thu từ chuyển đổi sở hữu doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập, chuyển nhượng vốn nhà nước và chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ tại doanh nghiệp được thực hiện theo đúng quy định tại Nghị định số 148/2021/NĐ-CP của Chính phủ.

Theo Thông tư số 51/2023/TT-BTC, phải xây dựng dự toán các khoản thu phí, lệ phí (thuộc danh mục quy định của Luật Phí và lệ phí) chi tiết theo từng khoản thu theo quy định; dự toán các khoản thu ngân sách nhà nước khác theo quy định của pháp luật có liên quan (nếu có).

Đối với khoản thu không tổng hợp vào dự toán thu ngân sách nhà nước của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương (thu phí, thu dịch vụ sự nghiệp công, học phí, giá dịch vụ y tế, các khoản thu hợp pháp khác được để lại cho cơ quan, đơn vị sử dụng theo quy định), các cơ quan, đơn vị phải lập dự toán riêng, thuyết minh cơ sở tính toán và xây dựng phương án sử dụng gửi cơ quan quản lý cấp trên, báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp theo quy định.