KHO BẠC NHÀ NƯỚC:

Nâng cao hiệu quả huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước

Minh Trang

Bám sát chủ trương của Đảng, Nhà nước và định hướng Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước giai đoạn 2021-2030, Kho bạc Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp, về huy động vốn và điều hành quản lý ngân quỹ nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước.

Kho bạc Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước.
Kho bạc Nhà nước triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước.

Thời gian qua, nhiệm vụ huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước (NQNN) được Kho bạc Nhà nước (KBNN) thực hiện trên nền tảng khá vững chắc. Nền tảng này được thiết lập từ quá trình cải cách, hiện đại hóa theo Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020. Cụ thể: Công tác huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu chính phủ (TPCP) tại thị trường trong nước đã được chuẩn hóa theo thông lệ quốc tế, công khai, minh bạch, theo nguyên tắc thị trường và trở thành kênh huy động vốn chủ yếu của ngân sách trung ương (NSTW).

Công tác phát hành TPCP cũng được gắn chặt với mục tiêu tái cơ cấu nợ, góp phần bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững. Theo đó, kỳ hạn bình quân danh mục TPCP đã từng bước được kéo dài (từ 1,84 năm vào năm 2011 lên 8,42 năm vào cuối năm 2020), trong khi lãi suất phát hành bình quân giảm (từ 12%/ năm vào năm 2011 còn 2,86%/năm vào năm 2020), tiết kiệm chi phí vay nợ cho NSNN và góp phần tăng cường tính an toàn, bền vững của danh mục nợ, giúp Chính phủ có thêm dư địa để ứng phó với các rủi ro và cú sốc vĩ mô như đại dịch COVID-19.

Về quản lý NQNN, tài khoản thanh toán tập trung của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã được thiết lập. Việc toàn bộ NQNN tập trung thống nhất về NHNN, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi trong thanh khoản mà còn phối hợp chặt chẽ, linh hoạt với NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ.

Các công cụ quản lý NQNN hiện đại như dự báo luồng tiền, phương án điều hành NQNN… cũng được xây dựng và triển khai.Trên cơ sở đó, NQNN đã được quản lý, điều hành, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhu cầu thanh toán của NSNN ở mọi thời điểm, không xảy ra tình trạng NSNN phải nợ hoặc hoãn chi

Nguồn NQNN tạm thời nhàn rỗi cũng được ưu tiên sử dụng để cho NSTW vay bù đắp bội chi và tạm ứng xử lý thiếu hụt tạm thời; phần NQNN tạm thời nhàn rỗi còn lại được đầu tư ngắn hạn trên thị trường tiền tệ thông qua các hình thức gửi tiền có kỳ hạn tại ngân hàng thương mại (NHTM), mua lại có kỳ hạn TPCP theo nguyên tắc cạnh tranh, công khai, minh bạch và tạo thêm nguồn thu cho NSNN.

Nhìn chung, công tác quản lý NQNN thời gian qua đã gắn kết chặt chẽ với công tác quản lý ngân sách và quản lý nợ thông qua việc hài hòa khối lượng huy động vốn và khả năng NQNN tạm thời nhàn rỗi trong từng giai đoạn. NQNN tạm thời nhàn rỗi được sử dụng cho NSTW vay khi nguồn NQNN tăng cao hoặc khi thị trường có biến động mạnh, qua đó, giúp giảm sự phụ thuộc vào thị trường và giảm chi phí vay nợ của NSNN.

Phát huy các kết quả đạt được nêu trên, tại Chiến lược phát triển đến năm 2030 được Thủ tướng phê duyệt tháng 4 vừa qua, KBNN đặt mục tiêu tổng quát là: Xây dựng KBNN tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đổi mới đồng bộ cơ chế, chính sách, quy trình nghiệp vụ quản lý quỹ NSNN, NQNN; nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn cho NSNN… góp phần xây dựng nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.

Mục tiêu cụ thể đặt ra gồm: Phấn đấu kỳ hạn phát hành bình quân trái phiếu Chính phủ đạt từ 9 - 11 năm, lãi suất và chi phí phát hành hợp lý, góp phần cơ cấu lại, tăng tính an toàn, bền vững nợ công; Kết quả dự báo luồng tiền của NQNN chênh lệch không quá 10% so với thực tế; đến năm 2030, kết quả dự báo chênh lệch không quá 5% so với thực tế và số dư NQNN nhàn rỗi cuối ngày bình quân không vượt quá số chi NQNN bình quân 01-02 ngày.

Để thực hiện mục tiêu này, Chiến lược đề ra các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về huy động vốn cho NSNN gồm: Thực hiện phát hành và quản lý danh mục TPCP chủ động, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu vốn của NSNN với cơ cấu, kỳ hạn theo các mục tiêu của chiến lược, chương trình, kế hoạch quản lý nợ công trung, dài hạn và kế hoạch vay, trả nợ công hàng năm; bảo đảm nguyên tắc phối hợp chặt chẽ trong điều hành chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tài chính, tiền tệ và bảo đảm các cân đối lớn; phù hợp với khả năng trả nợ, giải ngân, khả năng hấp thụ của nền kinh tế, bảo đảm hiệu quả, tránh lãng phí; Điều hành lãi suất phát hành TPCP phù hợp với nguyên tắc thị trường, định hướng điều hành chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác.

Bên cạnh đó, đa dạng các sản phẩm TPCP đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư; hình thành các mã TPCP chuẩn với quy mô đủ lớn để thúc đẩy thanh khoản của thị trường TPCP, tăng khả năng huy động vốn cho NSNN và hình thành đường cong lãi suất chuẩn, hỗ trợ phát triển thị trường vốn; Củng cố cơ sở nhà đầu tư theo hướng tiếp tục cải thiện tỷ trọng đầu tư TPCP của các nhà đầu tư dài hạn.

Về quản lý NQNN, các giải pháp được đề ra gồm: Cung cấp dịch vụ quản lý tài khoản và thu, chi của các quỹ tài chính nhà nước qua tài khoản thanh toán tập trung của KBNN, đảm bảo minh bạch, hiệu quả; Hoàn thiện mô hình thanh toán tập trung của KBNN phù hợp với lộ trình xây dựng, phát triển hạ tầng thanh toán số quốc gia, đáp ứng yêu cầu thanh toán thông suốt của Chính phủ, đảm bảo nguyên tắc tại mỗi hệ thống ngân hàng, KBNN chỉ có duy nhất một tài khoản và cuối ngày toàn bộ số dư NQNN được tập trung về tài khoản của KBNN tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Hoàn thiện phương pháp dự báo luồng tiền và nguồn thông tin đầu vào, từng bước cải thiện chất lượng dự báo và thực hiện dự báo luồng tiền theo ngày.

Bên cạnh đó, mở rộng phạm vi đầu tư, đi vay NQNN; thực hiện giao dịch đầu tư, đi vay NQNN theo nguyên tắc thị trường; Giảm dần số dư NQNN nhàn rỗi, tối ưu hóa lợi ích sử dụng NQNN; Gắn kết chặt chẽ giữa quản lý NQNN với quản lý ngân sách và quản lý nợ nhằm giảm chi phí và rủi ro nợ vay, tăng cường tính hiệu quả, an toàn, bền vững của hệ thống quản lý tài chính công và nâng cao dư địa tài khóa; Thiết lập khung quản lý rủi ro hiện đại, đảm bảo các rủi ro trong quản lý NQNN được nhận diện, đánh giá đầy đủ, kịp thời và có chính sách giảm thiểu rủi ro phù hợp.

Hệ thống KBNN đang tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên, hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả hoạt động huy động vốn và quản lý ngân quỹ nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý các nguồn lực tài chính nhà nước.

* Bài đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 1 - Tháng 7/2022