Nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn vay, gắn với trách nhiệm trả nợ

Tuấn Phùng

Chiến lược tài chính đến năm 2030 yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn vay, gắn với trách nhiệm trả nợ nhằm quản lý chặt chẽ, hiệu quả bội chi ngân sách nhà nước, nợ công; cải thiện dư địa tài khóa, góp phần nâng cao khả năng chống chịu của nền tài chính quốc gia.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030. Trong đó, đưa ra giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn vay, gắn với trách nhiệm trả nợ.

Cụ thể, theo Chiến lược tài chính đến năm 2030, nguồn vốn vay chỉ được sử dụng cho chi đầu tư phát triển, tập trung cho các chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm, có ý nghĩa lớn, tạo sự lan tỏa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, dự án liên vùng, liên địa phương.

Đảm bảo bố trí đủ nguồn vốn để thanh toán trả nợ đầy đủ, đúng hạn, từng bước nâng cao hệ số tín nhiệm quốc gia. Tái cơ cấu nợ theo hướng bền vững, cải thiện chỉ tiêu an toàn nợ. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng của Chính phủ.

Đặc biệt, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công; bất kỳ khoản vay mới nào cũng cần được xem xét hiệu quả kinh tế, phương án tài chính, đánh giá tác động tới kế hoạch đầu tư trung hạn, các chỉ tiêu nợ công, ngân sách và khả năng trả nợ.

Vốn vay nước ngoài được tập trung sử dụng cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô; các dự án thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, các dự án có khả năng tạo nguồn thu ngoại tệ, các dự án có hiệu ứng lan tỏa (như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ...); các dự án hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu không có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.

Đồng thời, Chính phủ cũng sẽ ưu tiên vay về cho vay lại đối với các dự án có khả năng thu hồi vốn trực tiếp.