Ngân hàng đang rơi vào chu kỳ tăng trưởng âm

Bảo Ngọc

Sau một chu kỳ tăng khá mạnh, thu nhập lãi thuần của ngân hàng đã lập đỉnh và đang đi xuống trong khi chi phí vốn vẫn tăng cao.

Ông Trần Ngọc Báu - Tổng Giám đốc CTCP Dữ liệu và Công nghệ Tài chính WiGroup cho biết, nhóm ngành Ngân hàng đóng góp một tỷ lệ rất lớn vào vốn hóa của toàn bộ thị trường.

Khi bóc tách lợi nhuận ngân hàng, ông Báu cho biết sau một chu kỳ tăng khá mạnh, thu nhập lãi thuần - hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng - đã lập đỉnh và đi xuống. Tình trạng này là do “tỷ suất sinh lời đầu ra của ngân hàng không theo kịp được chi phí vốn” trong bối cảnh ngân hàng “thừa tiền”.

Nguồn: Wichart
Nguồn: Wichart

Số liệu từ Wichart cho thấy, trong quý III/2023, lợi suất đầu ra của ngành Ngân hàng đã tăng lên 8,3% trong khi chi phí vốn tăng mạnh hơn lên 5,15%, khiến cho NIM của ngành giảm về 3,1%, tiếp tục xu hướng giảm từ quý III/2022.

“Mặc dù tổng số tiền cho vay vẫn tăng trưởng (ở mức chậm) nhưng tổng thu nhập giảm vì NIM giảm quá nhanh”, ông Báu nói.

Ngân hàng cũng có những hoạt động khác để bổ trợ, giúp bù đắp sự sụt giảm trong thu nhập lãi thuần. Do đó, tổng thu nhập hoạt động (TOI) của ngành Ngân hàng nói chung đang đi ngang.

Ông Báu cho rằng, ngân hàng là một trong những ngành hiếm có trên thị trường khi vẫn duy trì được tổng thu nhập hoạt động đi ngang. Hai yếu tố giúp duy trì tổng thu nhập hoạt động của ngành Ngân hàng là hoạt động kinh doanh ngoại hối khi tỷ giá biến động cao và thu nhập từ mua bán trái chứng khoán, chẳng hạn như trái phiếu, cổ phiếu.

Theo ông Nguyễn Minh Tuấn - Tổng Giám đốc AFA Capital, việc ngân hàng lãi lớn từ hoạt động kinh doanh ngoại hối không phải là điều đáng vui mừng, bởi khoản lãi này sẽ bù trừ cho những khoản lỗ mà doanh nghiệp khác phải chịu khi tỷ giá biến động.

Về những khoản lãi từ mua bán chứng khoán, ông Báu cho biết, khi lãi suất thấp, những tài sản mà ngân hàng nắm giữ như trái phiếu lại tăng giá tốt, hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh này.

Theo ông Báu, khi nguồn thu không tăng, để không ảnh hưởng tới lợi nhuận, các ngân hàng đang cố gắng hạn chế chi phí. Mặc dù nợ xấu đang tăng, nhưng chi phí dự phòng của hệ thống ngân hàng lại đang có xu hướng giảm.

“Các ngân hàng đang gồng mình để duy trì lợi nhuận và không ảnh hưởng tới giá cổ phiếu”, ông Báu nhận xét.

Tuy nhiên, dù có gồng đến mấy sẽ đến lúc phải bung ra, phải đưa vào chi phí. Do đó, dự báo vào quý IV/2023, chi phí hoạt động của ngân hàng sẽ tăng mạnh do yếu tố mùa vụ. Nếu tổng doanh thu đầu ra vẫn đi ngang, chưa kể đến việc chi phí dự phòng có thể tăng thì lợi nhuận quý IV sẽ phải thấp hơn quý III rất nhiều.

“Tuy nhiên, nếu so với cùng kỳ, lợi nhuận ngành Ngân hàng quý IV có thể sẽ đi ngang hoặc giảm nhẹ”, ông Báu dự báo.