Ngân hàng Phát triển Việt Nam rót 20.000 tỷ đồng cho Đèo Cả triển khai loạt dự án hạ tầng giao thông

Huyền Châm

Ngày 28/3, Tập đoàn Đèo Cả và Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) - Chi nhánh Lâm Đồng ký kết thoả thuận hợp tác về tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước để thực hiện các dự án đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức đối tác công tư (PPP).

Toàn cảnh Lễ kí kết.
Toàn cảnh Lễ kí kết.

Theo đó, hai bên thống nhất hợp tác tài trợ vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cho các dự án đầu tư hạ tầng giao thông do Tập đoàn Đèo Cả tham gia đầu tư. Cụ thể, các dự án thực hiện thuộc danh mục được vay vốn và đáp ứng các điều kiện vay vốn theo quy định tại Nghị định số 78/2023/NĐ-CP ngày 07/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 32/2017/NĐ-CP ngày 31/3/2017 của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

Theo thỏa thuận, tổng mức vốn cung ứng dự kiến giai đoạn từ năm 2024 - 2027 khoảng 20.000 tỷ đồng, được phân bổ một theo các năm, năm 2024: 1.400 tỷ đồng, năm 2025: 3.500 tỷ đồng, năm 2026: 9.600 tỷ đồng, năm 2027: 5.500 tỷ đồng. Nhu cầu vốn cần đầu tư thực tế sẽ được Tập đoàn Đèo Cả thông báo cho Chi nhánh VDB Lâm Đồng sau khi các dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư.

 

VDB hiện có mạng lưới 30 chi nhánh, Sở giao dịch và các phòng giao dịch tại các tỉnh thành phố trực thuộc TƯ và 17 Ban, Trung tâm tại Trụ sở chính đặt tại Thủ đô Hà Nội, với tổng lượng vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước cung ứng cho nền kinh tế đạt trên 200.000 tỷ đồng. Thời gian qua, ngân hàng đã đáp ứng một phần quan trọng nhu cầu nguồn vốn cho phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội cũng như nâng cao năng lực sản xuất của các ngành kinh tế thông qua việc tài trợ, cho vay gần 200 dự án trọng điểm trên phạm vi cả nước.

VDB chi nhánh Lâm Đồng thực hiện trách nhiệm thu xếp và đáp ứng tối đa nhu cầu nguồn vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước đối với các dự án do Tập đoàn Đèo Cả làm chủ đầu tư; cung cấp cam kết tín dụng phù hợp với nhu cầu của từng dự án; phối hợp với chủ đầu tư báo cáo Ngân hàng VDB tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình tiếp nhận thẩm định cho vay, giải ngân và thu hồi vốn các dự án của doanh nghiệp.

Tập đoàn Đèo Cả sẽ cung cấp cho phía ngân hàng danh mục dự án đầu tư, nhu cầu vốn vay dự kiến, tình hình và tiến độ triển khai của các dự án đầu tư ngay khi dự án có chủ trương đầu tư được phê duyệt; thực hiện đầy đủ các quy định về vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước; thực hiện đầu tư và quản lý khai thác dự án có hiệu quả, thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ trả nợ đầy đủ, đúng hạn: gốc, lãi, phí (nếu có)… và các quy định khác theo Hợp đồng tín dụng, Hợp đồng bảo đảm tiền vay và các thỏa thuận khác được ký giữa hai Bên; thường xuyên phối hợp với cán bộ Chi nhánh VDB Lâm Đồng trong quá trình tiếp nhận hồ sơ vay vốn thẩm định, giải ngân, thu nợ và quản lý dự án.

Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 thực hiện sắp đưa vào vận hành. Ảnh:
Cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo do liên danh Tập đoàn Đèo Cả - Công ty 194 thực hiện sắp đưa vào vận hành. Ảnh:

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Anh Tuấn đánh giá, từ năm 2010 đến nay đầu tư công đã giúp cho hạ tầng giao thông phát triển, đặc biệt là trong lĩnh vực đường bộ. Thứ trưởng Lê Anh Tuấn bảy tỏ mong muốn các bộ, ngành, các nhà đầu tư, các ngân hàng và đặc biệt Ngân hàng VDB cùng hợp tác chung tay với các doanh nghiệp như Đèo Cả để xây dựng ngành Giao thông vận tải ngày càng phát triển.

Ông Hồ Minh Hoàng - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả đánh giá, hợp tác giữa hai đơn vị sẽ giải quyết một số khó khăn trong việc triển khai các dự án PPP, việc huy động vốn dễ dàng hơn, giảm bớt gánh nặng tài chính cho các nhà đầu tư và nhà thầu tham gia dự án. Điều này tạo ra niềm tin đến các bên liên quan, thúc đẩy quá trình phê duyệt và triển khai dự án, đồng thời, mở ra cơ hội mới cho phát triển hạ tầng giao thông, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai các dự án PPP khác trong tương lai.

Theo lãnh đạo Đèo Cả, năm 2024, Tập đoàn dự kiến đề xuất đầu tư hơn 300 km đường cao tốc, đường vành đai từ các dự án tiêu biểu như cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng (Lạng Sơn), Tân Phú - Bảo Lộc (Lâm Đồng), TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu 1 - Chơn Thành, Vành đai 4 đoạn qua tỉnh Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận giai đoạn 2… với tổng mức đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng.