3 tác động của dịch Covid-19 đến ngành ngân hàng

Theo Lê Hải/ndh.vn

Dịch virus corona có thể khiến nợ xấu của các ngân hàng tăng khi doanh nghiệp và gia đình chịu tác động tiêu cực. Nhu cầu tín dụng có thể giảm trong 2 quý đầu năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo đánh giá sơ bộ tác động của dịch virus corona (Covid-19) đến kinh tế thế giới và Việt Nam, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. 

Với hệ thống ngân hàng, theo báo cáo, dịch bệnh Covid-19 sẽ tác động ở 3 khía cạnh quan trọng. Thứ nhất là cầu tín dụng giảm do nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp, hộ gia đình thấp hơn, đặc biệt là trong quý I và quý II. Tác động thứ hai là tiềm ẩn nợ xấu tăng, khi các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu tác động tiêu cực từ dịch bệnh, dẫn đến hoạt động sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn. Thứ ba là nhu cầu giao dịch qua ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt tăng do một số khách hàng ngại tiếp xúc. 

Dù thế, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng (TCTD) có phương án tổ chức kinh doanh phù hợp, không ảnh hưởng đến khách hàng, xem xét giảm lãi suất, giãn nợ cho các doanh nghiệp, hộ gia đình chịu nhiều ảnh hưởng, thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt. Các TCTD cũng đang chủ động, tích cực thực hiện và một số TCTD đã công bố giảm lãi suất hoặc có các gói hỗ trợ tín dụng cũng như tư vấn, thông tin đến khách hàng về dịch bệnh và phòng ngừa. 

Cầu tín dụng giảm, tiềm ẩn tăng nợ xấu, nhu cầu giao dịch ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tăng là 3 tác động của dịch Covid-19 đến ngành ngân hàng Việt Nam, theo báo cáo của Viện Đào tạo BIDV. Ảnh minh họa: Liên Hương. 
Cầu tín dụng giảm, tiềm ẩn tăng nợ xấu, nhu cầu giao dịch ngân hàng số và thanh toán không dùng tiền mặt tăng là 3 tác động của dịch Covid-19 đến ngành ngân hàng Việt Nam, theo báo cáo của Viện Đào tạo BIDV. Ảnh minh họa: Liên Hương. 
 

Trong kịch bản cơ sở, đối với lĩnh vực tài chính - ngân hàng, trong quý I, dịch virus corona làm giảm nhu cầu tiêu dùng, giảm giao dịch ngoại thương, hoạt động sản xuất kinh doanh của một số doanh nghiệp và hộ gia đình (nhất là trong các lĩnh vực nêu trên) bị suy giảm… Qua đây, các hoạt động, giao dịch tài chính - ngân hàng giảm khoảng 1% và khiến GDP giảm 0,05 điểm phần trăm. Từ quý II đến cuối năm, các tác động từ dịch Covid-19 với lĩnh vực này sẽ tăng dần do có độ trễ, khiến GDP giảm 0,08 điểm phần trăm trong quý II và GDP giảm 0,11 điểm phần trăm cả năm. 

Trong kịch bản tích cực, dịch vụ tài chính - ngân hàng - bảo hiểm quý I và quý II giảm nhẹ 1%, cả năm giảm 0,5%. Trong kịch bản tiêu cực, nhóm này sẽ giảm nhẹ 1% và 1,5% trong 2 quý đầu tiên, và giảm 0,5% so với đầu năm. 

Cũng theo báo cáo, tại Việt Nam, những biến động đầu tiên đã được ghi nhận trên thị trường chứng khoán và thị trường ngoại hối. Lo ngại ảnh hưởng của dịch bệnh cộng với yếu tố tâm lý sau kỳ nghỉ Tết, thị trường chứng khoán những ngày cuối tháng 1 và đầu tháng 2 diễn biến trầm lắng. Tâm trạng chờ đợi bao phủ toàn thị trường. Tỷ giá USD/VND tiếp tục tăng. Tính đến hết 10/2, tỷ giá trung tâm tăng 0,24%. Tỷ giá giao dịch tăng 0,3% so với đầu năm.

Các nhà đầu tư đã có những lo ngại dịch Covid-19 tác động tới kinh tế Việt Nam, khi mà VN-Index sụt giảm mạnh trong 2 phiên giao dịch đầu tiên sau Tết (ngày 30 và 31/1), giảm 5,53% so với trước kỳ nghỉ Tết. Đây cũng là khoảng thời gian Chính phủ và các cơ chức năng đưa ra nhiều biện pháp quyết liệt ứng phó với dịch Covid-19. Trong tuần từ 3/2 đến 7/2, VN-Index tăng giảm đan xen, với biên độ hẹp hơn, dù có lúc sụt giảm mạnh qua mốc 900 điểm (trong phiên 3/2). Đến hết ngày 10/2, VN-Index đóng cửa ở mức 930,73 điểm, giảm 3% so với đầu năm 2020.