5 trường hợp phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài

PV.

Nhằm bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, tránh trường hợp tẩu tán tài sản ra ngoài lãnh thổ Việt Nam , ngày 22/11/2018, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 27/2018/TT-NHNN quy định các trường hợp phong tỏa, chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa. Nguồn: Internet
Khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa. Nguồn: Internet

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước xem xét, quyết định phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 5 trường hợp sau:

Một là, giá trị thực của vốn được cấp của chi nhánh ngân hàng nước ngoài giảm thấp hơn mức vốn pháp định liên tục quá thời gian 06 tháng.

Hai là, vi phạm tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng quy định tại Điều 130 Luật các tổ chức tín dụng và Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản yêu cầu khắc phục nhưng không có biện pháp khắc phục hoặc không khắc phục được trong thời hạn theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.

Ba là, số lỗ lũy kế của chi nhánh ngân hàng nước ngoài lớn hơn 50% giá trị của vốn được cấp và các quỹ dự trữ ghi trong báo cáo tài chính đã được kiểm toán gần nhất.

Bốn là, Ngân hàng Nhà nước đã có yêu cầu nhưng ngân hàng mẹ không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh hoạt động tại Việt Nam.

Năm là, khi có thông tin về việc ngân hàng mẹ có dấu hiệu mất khả năng chi trả, mất khả năng thanh toán hoặc bị cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt hoặc có yêu cầu phải giải thể, thanh lý, phá sản, hoặc bị rút giấy phép thành lập và hoạt động.

Ngân hàng Nhà nước thực hiện phong tỏa vốn và tài sản theo một hoặc một số cách thức như: Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được chuyển vốn, tài sản ra nước ngoài; Phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi tại Ngân hàng Nhà nước; Yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào Ngân hàng Nhà nước và phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào; Yêu cầu tổ chức tín dụng nơi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đang gửi vốn, tài sản phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi tại tổ chức tín dụng đó; Hoặc yêu cầu chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vốn, tài sản vào một tổ chức tín dụng và yêu cầu tổ chức tín dụng đó phong tỏa vốn, tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài gửi vào.

Theo Thông tư, Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét, quyết định chấm dứt phong tỏa vốn và tài sản của chi nhánh ngân hàng nước ngoài trong 3 trường hợp: Khi chi nhánh ngân hàng nước ngoài đã khắc phục được các vi phạm, tồn tại; Khi ngân hàng mẹ đã thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước; Khi Ngân hàng Nhà nước nhận được thông tin từ cơ quan có thẩm quyền của nước nguyên xứ về việc ngân hàng mẹ đã khắc phục được các tồn tại.

Chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về thực trạng tổ chức và hoạt động khi Ngân hàng Nhà nước có yêu cầu trong trường hợp chi nhánh ngân hàng nước ngoài có dấu hiệu thuộc một hoặc một số trường hợp phong tỏa vốn và tài sản quy định tại Thông tư này.

Thông tư số 27/2018/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 10/01/2019 và thay thế cho  Mục VI Phần II Thông tư số 03/2007/TT-NHNN ngày 05/6/2007 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 22/2006/NĐ-CP ngày 28/02/2006 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng liên doanh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, văn phòng đại diện của tổ chức tín dụng nước ngoài tại Việt Nam.