Agribank chung sức cùng Tây Nguyên tái canh cây cà phê


Cà phê là một trong những mặt hàng nông sản chủ lực của Tây Nguyên. Vòng đời của cây cà phê thường kéo dài từ 20-30 năm, sau khoảng thời gian đó, cây cà phê cần được tái canh (trồng mới) để đảm bảo chất lượng và sản lượng.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chính vì vậy, Agribank luôn sẵn sàng ưu tiên nguồn vốn cho chương trình tái canh cây cà phê; nỗ lực để mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất. Hiện nay, lãi suất cho vay của chương trình hiện đang thấp hơn lãi suất huy động vốn.

Agribank sẵn sàng ưu tiên nguồn vốn để tái canh cây cà phê

Việt Nam là quốc gia sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 trên thế giới, trong đó đứng số 1 thế giới về sản xuất, xuất khẩu cà phê vối. Cà phê Tây Nguyên chiếm hầu hết diện tích và sản lượng cà phê Việt Nam. Trong nhiều năm qua, Agribank là ngân hàng đồng hành sâu sắc và thủy chung cùng sự phát triển của cây cà phê Tây Nguyên nói riêng và nông sản Việt Nam nói chung.

Đến với Tây Nguyên vào những ngày đầu mùa khô, chúng tôi tận mắt chứng kiến những vườn cà phê xanh hút tầm mắt trong nắng gió mênh mang của núi rừng. Sức sống dạt dào từ những vườn cà phê đã cho chúng tôi thấy tái canh cây cà phê là một chủ trương đúng đắn…

Khảo sát thực tế tại một số tỉnh Tây Nguyên thấy rằng, việc tái canh cây cà phê nơi đây là hết sức cấp bách, bởi hầu hết những vườn cà phê đã đến độ cần được trồng mới, thời gian qua Agribank đã nỗ lực cung cấp nguồn vốn hỗ trợ doanh nghiệp (DN) tái canh cây cà phê với lãi suất ưu đãi. Số vốn vay được giải ngân theo 3 đợt đối với từng giai đoạn của quy trình tái canh và được ân hạn trong vòng 4 năm mới phải trả nợ gốc lãi. Việc làm này của Agribank đã giúp nhiều DN và người dân thực hiện thành công việc tái canh cây cà phê, mở ra một chương mới trong chu kỳ sản xuất cây trồng, mang lại thu nhập ổn định cho DN và người dân, góp phần phát triển kinh tế xã hội.

Ông Nguyễn Công Trị, Giám đốc Công ty Cà phê 52 (trụ sở tại thôn 9, xã Ea Đar, huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk, được thành lập từ năm 1982) cho biết: Việc tái canh cây cà phê sẽ khiến tổng doanh thu của Công ty bị ảnh hưởng, bởi phải sau 2-3 năm mới có thể thu được kết quả. Trong khoảng thời gian đó, nếu không có sự hỗ trợ từ nguồn vốn Agribank, Công ty sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

“Nguồn vốn của Agribank đã góp phần quan trọng để Công ty triển khai nhiều dự án quan trọng, đó là nuôi trồng và tái canh cây cà phê. Trong năm 2016, Công ty đã hoàn thành tái canh hơn 210 ha cà phê và năm 2017 tái canh được hơn 105ha cà phê. Số cây cà phê trồng mới trong năm 2018 với diện tích 30ha cũng đang lên xanh tốt. Hiện tại dư nợ của công ty tại Agribank là hơn 18 tỷ đồng…”, ông Nguyễn Công Trị nhận định.

Ở Đăk Lăk, không chỉ riêng Công ty Cà phê 52 đã thành công với dự án tái canh cây cà phê từ nguồn vốn Agribank, mà còn nhiều DN khác cũng đã khởi sắc nhờ nguồn vốn vay của Agribank như: công ty Cà phê 719, công ty Cà phê 720… Bên cạnh đó, nhiều hộ nông dân cũng mạnh dạn thực hiện tái canh cây cà phê với mong muốn có một vườn cà phê cho năng suất cao.

Ngắm nhìn những vườn cà phê xanh tốt chất chứa biết bao mồ hôi công sức và cả niềm hy vọng ngập tràn của người nông dân mới thấy được ý nghĩa quan trọng đồng vốn của Agribank, nó đã góp sức giúp bà con Tây Nguyên thu được những vụ mùa bội thu và tạo dựng cuộc sống ấm no.

Trợ lực từ dòng vốn ngân hàng

Với sứ mệnh gắn bó với tam nông, thời gian qua, Agribank đã và đang nỗ lực hết mình để đem nguồn vốn đến cho người dân, ổn định sản xuất, nâng cao đời sống. Agribank là đơn vị tiên phong và tích cực vào cuộc giúp DN và người dân thực hiện thành công việc tái canh cây cà phê. Ông Vương Hồng Lĩnh, Giám đốc Agribank chi nhánh Đăk Lăk khẳng định: Agribank luôn sẵn sàng ưu tiên nguồn vốn cho các chương trình tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn nói chung và tái canh cây cà phê nói riêng. Hiện nay, Ngân hàng đang rất nỗ lực để mang đến cho khách hàng những ưu đãi tốt nhất. Lãi suất cho vay của chương trình hiện đang thấp hơn lãi suất huy động vốn. Ngân hàng cũng ân hạn cho người dân vay vốn tới 4 năm đầu, sau đó mới thu nợ gốc, lãi”.

Thống kê của Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk cho thấy, trong niên vụ 2017 - 2018, diện tích cà phê toàn Tỉnh là 204.808 ha, tăng 1.071 ha so với niên vụ trước. Việc canh tác cà phê đã giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 350.000 lao động trực tiếp và khoảng 120.000 lao động gián tiếp. Tính đến hết niên vụ 2017 - 2018, Đăk Lăk thực hiện tái canh cà phê được 26.818 ha, đạt 64,48% kế hoạch, riêng năm 2018 thực hiện tái canh được 4.862 ha, đạt 71% kế hoạch.  

Mặc dù đã thu được nhiều thành quả, song để công cuộc tái canh cây cà phê diễn ra mạnh mẽ và đạt hiệu quả tốt hơn, ngoài sự vào cuộc tích cực của Agribank còn cần sự vào cuộc tích cực của người dân và của các cấp các ngành. Hiện nay, nhiều hộ nông dân còn e ngại với chương trình tái canh cây cà phê dù có nhiều ưu đãi, bởi khi nhổ bỏ cây cà phê trong vòng 2-3 năm người dân không có thu hoạch. Bên cạnh đó thì giống cây, kỹ thuật tái canh để hạn chế tối đa dịch bệnh… Cũng là vấn đề cần đặc biệt phải lưu tâm về phía ngân hàng, Agribank đã và đang nỗ lực triển khai nhiều giải pháp đồng bộ giúp người nông dân thực hiện thành công công cuộc tái canh cây cà phê, nhằm nâng cao chất lượng và năng suất cà phê, giúp ổn định kinh tế nâng cao đời sống.