Áp lực lớn, tỷ giá vẫn khó biến động mạnh
Dự báo năm 2019 sẽ là một năm điều hành chính sách tiền tệ rất áp lực khi tỷ giá còn liên quan tới hàng loạt biến số vĩ mô khác như nợ công, xuất nhập khẩu, mục tiêu kiểm soát lạm phát...
Tuy nhiên, giới chuyên gia tin tưởng với sự điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, chủ động của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tỷ giá trong năm nay sẽ không vượt quá ngưỡng 2%.
TS. Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), cho biết tiếp tục đà tăng từ quý I/2019, tỷ giá trung tâm cũng tăng trong quý II/2019, nhưng mức tăng không đáng kể.
Nhiều yếu tố tác động
Thực tế cho thấy từ năm 2018 đến nay, NHNN dù không tuyên bố chính thức nhưng điều chỉnh tỷ giá theo mức độ hợp lý, tuy nhiên mức thay đổi tỷ giá ngày một thấp hơn dưới áp lực từ phía quốc tế.
Cụ thể, tỷ giá quý IV/2018 tăng 1,8%, quý I/2019 tăng 1%, nhưng quý II/2019 chỉ tăng 0,3%.
Tỷ giá giao dịch VND/ USD của ngân hàng thương mại trong quý II/2019 cao điểm trong khoảng 29/5/2019 – 4/6/2019, dao động trong khoảng 23.465 – 23.480 VND/USD (theo tỷ giá bán ra tại Vietcombank).
Nguyên nhân chính là do biến động của các đồng tiền mạnh USD, Nhân dân tệ (CNY) và Yên Nhật (JPY) trên thị trường thế giới, quan ngại về xung đột thương mại Mỹ – Trung và việc đồng CNY liên tục giảm giá từ cuối tháng 5.
Tuy nhiên, tỷ giá VND/USD cuối quý II tại các ngân hàng thương mại có dấu hiệu giảm xuống 23.350 VND/USD do kỳ vọng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giảm lãi suất.
Nhóm nghiên của VEPR cũng cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 khoảng 6,6 – 6,8% do Quốc hội đề ra là khả thi. Tuy nhiên, với tình hình thế giới biến động, trước chiến tranh thương mại Mỹ – Trung, căng thẳng Nhật – Hàn ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu và các liên kết kinh tế mới, USD cũng tăng so với nhiều đồng tiền khác nên VND cũng không phải ngoại lệ. Do đó, việc tỷ giá trung tâm tăng liên tục và lập đỉnh có thể hiểu là do NHNN không thể kìm hãm.
“NHNN cần điều hành tỷ giá một cách linh hoạt, khách quan và tôn trọng quy luật thị trường nhằm hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài”, VEPR khuyến nghị.
Trước đó, tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng khẳng định: “Những biến động trong 6 tháng đầu năm rất khó đoán ở trên thị trường quốc tế cũng như trong khu vực, nhưng chúng ta đã chủ động và linh hoạt để có những giải pháp nhằm giữ ổn định thị trường ngoại tệ ”.
Chính vì vậy, tỷ giá trung tâm điều hành trong 6 tháng đầu năm mới điều chỉnh 1% và tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại cũng như liên ngân hàng được điều chỉnh mức 0,3 – 0,4%. Điều đó cho thấy NHNN đã kiểm soát tốt tình hình.
Khẳng định tất cả các nhu cầu về ngoại tệ của nền kinh tế đều được cân đối đầy đủ, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết thị trường có những biến động bên ngoài nhưng hoàn toàn có đầy đủ những công cụ để có thể kiểm soát tốt tỷ giá.
Đánh giá về biến động tỷ giá những tháng cuối năm, TS. Cấn Văn Lực cho rằng tỷ giá đã ổn định hơn so với trước đây.
Với cơ chế và kinh nghiệm điều hành tỷ giá linh hoạt, chủ động, cùng việc sử dụng đồng bộ nhiều công cụ khác nhau của NHNN và nguồn lực ngoại hối đã được tăng cường, quan hệ cung – cầu ngoại tệ cơ bản ổn định.
Tỷ giá chỉ tăng 0,3% trong quý II/2019 |
Không vượt ngưỡng 2%?
Ông Lực dự báo từ nay đến cuối năm, tỷ giá biến động 1,5 – 2%.
Trong một dự báo trung – dài hạn của năm 2019, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng tỷ giá sẽ không có biến động quá đột biến trừ trường hợp xảy ra những biến cố đặc biệt như chiến tranh thương mại bùng nổ hay dòng vốn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam bị gián đoạn.
Theo ông Hải, VND có thể giảm khoảng 2 – 3% so với USD trong năm nay, biến động tương đồng so với những năm trước theo mục tiêu điều hành của cơ quan quản lý.
Cùng quan điểm, TS. Võ Trí Thành cho rằng tỷ giá biến động mạnh gần đây chỉ mang yếu tố cục bộ. Nhìn xa hơn cả năm 2019, mức biến động có thể chỉ trong khoảng 2%.
Trong báo cáo mới công bố, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho biết vẫn duy trì quan điểm tỷ giá trong năm 2019 sẽ được giữ ổn định với mức mất giá dưới 2% khi dự trữ ngoại hối của Việt Nam ở mức cao và NHNN có khả năng điều chỉnh được tỷ giá khi có những biến động bất ngờ.
“Tỷ giá trung tâm sẽ tiếp tục được NHNN điều chỉnh tăng nhẹ nhằm tạo “khoảng đệm” trong trường hợp có biến động bất ngờ. Trong khi đó, tỷ giá của các ngân hàng được dự báo sẽ vẫn đi ngang, dao động trong biên độ hẹp do nguồn cung ngoại tệ từ vốn FDI và FII vẫn ở mức tốt”, BVSC nhận định.
Tuy nhiên, vẫn còn những ý kiến tỏ ra quan ngại khi gắn với khả năng tỷ giá VND/ USD sẽ vượt ngưỡng 24.000 đồng.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, dự báo mang tính bảo thủ thì VND mất giá khoảng 3%. Tại thời điểm 31/12/2018, tỷ giá trên thị trường tự do là 23.172 đồng đổi 1 USD, hiện tại là 23.396 đồng, tương ứng mức tăng 0,8%, chưa đến 1%. Nghĩa là từ nay đến cuối năm sẽ tăng khoảng 2%.
“24.000 đồng là ngưỡng kháng cự rất mạnh của VND để không bị mất giá quá mức này”, ông Hiếu nói. Tuy nhiên, theo chuyên gia này, “với những với biến động hiện tại thì khó có thể nói chính xác được”.