Bàn về các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính vi mô ở Việt Nam


Ở Việt Nam, dịch vụ tài chính vi mô mới hình thành nhưng đã phát triển nhanh chóng cả về số lượng và quy mô. Đây là công cụ hữu hiệu góp phần xóa đỏi giảm nghèo, phù hợp với đặc trưng của nền kinh tế Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn nhiều hạn chế trong nhận thức và phương thức triển khai mô hình này. Bài viết tổng quát về vai trò của tài chính vi mô, làm rõ một số vấn đề về dịch vụ tài chính vi mô và các chủ thể cung cấp dịch vụ này tại Việt Nam hiện nay.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Tài chính vi mô và vai trò của tài chính vi mô với xóa đói giảm nghèo

Tài chính vi mô (TCVM) xuất hiện trên thế giới vào năm 1976 tại Bangladesh. Hiện nay, TCVM được sử dụng ở nhiều nước trên thế giới nhằm xóa đói giảm nghèo. Với cách tiếp cận và đặc thù của từng nước, TCVM có những khái niệm không giống nhau. Tổ chức CGAP (Nhóm tư vấn hỗ trợ người nghèo – năm 2013) cho rằng: TCVM là việc cung cấp dịch vụ tài chính cơ bản đáp ứng nhu cầu của người nghèo, bao gồm: dịch vụ gửi tiết kiệm, tín dụng, lương hưu, chuyển tiền, bảo hiểm…; Joanna Ledgerwood (năm 2013) cho rằng, TCVM là một phương pháp phát triển kinh tế, mang lại lợi ích cho dân cư có thu nhập thấp trong xã hội nhằm cung cấp các dịch vụ tài chính, dịch vụ khác để phục vụ nhu cầu chi tiêu và đầu tư. Trong khi đó, TCVM được Ngân hàng Thế giới xác định là phương pháp phát triển kinh tế nhằm mang lại lợi ích cho dân cư thu nhập thấp (kể cả phụ nữ và nam giới).

Tại Việt Nam, TCVM được xem là tài chính quy mô nhỏ, cung cấp một số dịch vụ tài chính, ngân hàng nhỏ, đơn giản cho các hộ gia đình, cá nhân có thu nhập thấp, đặc biệt là hộ gia đình nghèo và người nghèo (Nghị định số 28/2005/NĐ-CP ngày 09/03/2005).

Thực tế cho thấy, TCVM có vai trò quan trọng không thể bác bỏ đối với công cuộc xóa đói giảm nghèo. Tại Mỹ và Canada, TCVM được đánh giá như là công cụ hỗ trợ người nghèo thông qua những khoản tín dụng nhỏ. Theo Alterna (2010), tín dụng vi mô ở Mỹ đã hỗ trợ tích cực cho các chủ doanh nghiệp nhỏ, giúp họ gia tăng thu nhập. Thực tiễn hoạt động của TCVM ở Bangladesh cũng ghi nhận mô hình này đã góp phần tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của quốc gia này. Mohummed Shofi Ullah Mazumder, Lu Wencong (2013) cho biết, tín dụng vi mô giúp cải thiện tình trạng kinh tế - xã hội của phụ nữ nông thôn ở Bangladesh, cải thiện tình trạng kinh tế của người vay, làm tăng trang trại và tài sản gia đình.

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ nghèo ở Việt Nam đã giảm từ 20,7% vào đầu những năm 1990 xuống gần 10% trong những năm gần đây, thành tựu này có sự đóng góp tích cực của TCVM. Theo Phạm Ngọc Tường (2017), các tổ chức cung ứng TCVM ở Việt Nam ngày càng khẳng định rõ vai trò quan trọng của mình trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công cuộc xóa đói, giảm nghèo nói riêng.

Các chủ thể cung cấp dịch vụ tài chính vi mô ở Việt Nam

Về lý thuyết

Hiện nay, tổ chức tài chính vi mô chính thức ở Việt Nam hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH, trong khi trên thế giới Tổ chức tài chính vi mô được thành lập dưới hình thức tập đoàn trách nhiệm hữu phần như SKS (Ấn Độ), công ty tư nhân như: Tổ chức Accion International, ngân hàng hợp tác xã như Ngân hàng Sewa (Ấn Độ), ngân hàng thương mại kinh doanh dịch vụ tài chính vi mô như Bank Rakyat Indonesia (Indonesia).

Vai trò của TCVM trong công cuộc xóa đói giảm nghèo là không thể phủ nhận. Vậy câu hỏi đặt ra là, chủ thể nào cung cấp dịch vụ TCVM. Hiện nay, ở Việt Nam chưa có sự đồng nhất về khái niệm TCVM giữa các chuyên gia. Có ý kiến cho rằng, các tổ chức TCVM ở Việt Nam phân làm 2 loại là chính thức và bán chính thức. Khu vực chính thức gồm: Hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân, Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khu vực bán chính thức gồm: Các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước và Chương trình của các tổ chức xã hội. Khu vực phi chính thức là các nhóm cho vay tương hỗ dưới hình thức phường, họ, hụi, thậm chí vay nặng lãi… Phạm Ngọc Trường (2017) cho rằng, đến nay, ở Việt Nam có hàng trăm tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM thuộc ba khu vực: Khu vực chính thức, khu vực bán chính thức và khu vực phi chính thức.

Cách xác định các tổ chức TCVM và phân loại như trên, còn tòn tại nhiều hạn chế, vì có sự đánh đồng giữa chức năng, mục tiêu hoạt động của các TCTD hoạt động theo luật pháp của Việt Nam, hơn nữa giữa thực tiễn và lý thuyết có sự cách biệt.

Theo Luật các Tổ chức tín dụng (TCTD) 2010, TCTD gồm: Ngân hàng, TCTD phi ngân hàng, tổ chức TCVM và Quỹ Tín dụng nhân dân; ngân hàng (bao gồm ngân hàng thương mại (NHTM), ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác xã).

Về thực tiễn

Trong bài viết này, tác giả đề cập đến các TCTD thuộc khu vực chính thức, làm rõ tổ chức TCVM gồm:

Các ngân hàng thương mại: Tính đến 30/6/2018, Việt Nam có 46 ngân hàng, trong đó có 04 NHTM nhà nước, 31 NHTM cổ phần, 09 NHTM 100% vốn nước ngoài và 02 NHTM liên doanh. NHTM là loại hình TCTD được phép thực hiện tất cả các hoạt động của ngân hàng vì mục tiêu lợi nhuận. Xét trên phương diện khách hàng và sản phẩm, các NHTM có thể được xem là tổ chức cung cấp dịch vụ TCVM, nếu khách hàng của các ngân hàng này là cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và các doanh nghiệp siêu nhỏ có giao dịch tín dụng tiền gửi vi mô nhằm mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Trong thực tiễn, các NHTM có cung cấp dịch vụ ngân hàng cho các cá nhân và hộ gia đình, doanh nghiệp siêu nhỏ với cơ chế thương mại bình thường. Trong số các NHTM, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn được đánh giá là ngân hàng tích cực nhất trong cung ứng dịch vụ cho khách hàng là hộ gia đình và các doanh nhiệp siêu nhỏ. Như vậy, mặc dù ngân hàng có cung cấp dịch vụ tín dụng, tiền gửi cho khách hàng thuộc diện vi mô nhưng chúng ta không thể liệt kê loại hình các TCTD là NHTM vào loại hình TCTD là tổ chức TCVM.

Ngân hàng Hợp tác xã và hệ thống Quỹ Tín dụng nhân dân cơ sở: Quỹ Tín dụng nhân dân là TCTD do các pháp nhân, cá nhân và hộ gia đình tự nguyện thành lập để thực hiện một số hoạt động ngân hàng theo quy định của luật pháp nhằm tương trợ nhau phát triển sản xuất, kinh doanh và đời sống. Ngân hàng Hợp tác xã là ngân hàng do các Quỹ Tín dụng nhân dân và một số pháp nhân góp vốn thành lập để liên kết hệ thống, hỗ trợ tài chính, điều hòa vốn trong hệ thống các quỹ tín dụng nhân dân. Với chức năng của mình, Quỹ Tín dụng nhân dân có thể cung cấp dịch vụ TCVM cho các thành viên là cá nhân và hộ gia đình, nếu các đối tượng này thuộc diện có thu nhập thấp. Khảo sát một số Quỹ Tín dụng nhân dân ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa cho thấy, không có Quỹ Tín dụng nhân dân nào cung cấp dịch vụ TCVM cho các thành viên theo cơ chế hoạt động của tổ chức TCVM.

Ngân hàng Chính sách xã hội: Ngân hàng Chính sách xã hội là ngân hàng thuộc sở hữu của Chính phủ, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Xét về phương diện nguồn vốn, nội dung huy động vốn và cho vay, thì Ngân hàng Chính sách xã hội là chủ thể cung cấp dịch vụ TCVM, vì đối tượng phục vụ là người có thu nhập thấp.

Các tổ chức: “Tổ chức TCVM là loại hình các TCTD chủ yếu thực hiện một số hoạt động ngân hàng nằm đáp ững nhu cầu của các cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ”. (Luật các TCTD 2010).

Các tổ chức tài chính vi mô chính thức (tính đến 30/06/2018)

Tổ chức TCVM Tình thương (TYM): Tiền thân của TYM là Dự án Quỹ Tình thương thuộc Ban Gia đình – Đời sống do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam thành lập năm 1992, nhằm hỗ trợ vốn cho nhóm phụ nữ nghèo và nghèo nhất theo phương pháp tiếp cận kiểu ngân hàng Grameen (Bangladesh). Năm 2008, TYM đã chuyển đổi thành tổ chức TCVM. Từ năm 2010, TYM hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên, do Hội Liên hiệp Phụ nữ là chủ sở hữu, gồm:

- Tổ chức TCVM M7M7-MFI, được thành lập trên cơ sở góp vốn của 03 quỹ xã hội (Quỹ Hỗ trợ phụ nữ miền núi phát triển Mai Sơn, Quỹ Khuyến khích phụ nữ phát triển thị xã Uông Bí và Quỹ Hỗ trợ phụ nữ Đông Triều) hoạt động tại địa bàn 02 tỉnh là Sơn La và Quảng Ninh, sau hợp nhất thành Tổ chức TCVM chính thức.

- Tổ chức TCVM Thanh Hóa tiền thân là dự án “Chương trình TCVM Thanh Hóa” do Tổ chức Cứu trợ trẻ em Mỹ tài trợ từ năm 1998. Năm 2008, chương trình này được cấp phép nâng lên thành “Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa”. Năm 2014 Quỹ chuyển đổi thành  TCVM, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH hai thành viên trở lên, liên kết giữa Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo Thanh Hóa và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Thanh Hà.

- Tổ chức TCVM Quỹ Trợ vốn cho người lao động nghèo tự tạo việc làm (CEP). CEP do Liên đoàn Lao động TP. Hồ Chí Minh thành lập năm 1991 theo mô hình Ngân hàng Grameen nhằm triển khai chương trình tín dụng, tiết kiệm vi mô trên địa bàn quận (huyện) đô thị và nông thôn của TP. Hồ Chí Minh. Năm 2016, Quỹ này được chuyển đổi thành tổ chức TCVM, hoạt động theo mô hình Công ty TNHH một thành viên, chủ sở hữu là Liên đoàn lao động TP. Hồ Chí Minh. Số liệu của 4 tổ chức TCVM với khách hàng vay hàng năm đã nói lên điều đó.

Tóm lại, TCVM là hoạt động cung cấp sản phẩm, dịch vụ tài chính cho người nghèo, hộ gia đình có thu nhập thấp và doanh nghiệp siêu nhỏ. Một TCTD là tổ chức TCVM có chức năng và nhiệm vụ cung cấp dịch vụ TCVM, tuy nhiên một TCTD có cung cấp dịch vụ TCVM chưa chắc là một Tổ chức TCVM. Ngoài ra, cung cấp sản phẩm dịch vụ tài chính do một  TCTD nào đó thực hiện đối với  cá nhân, hộ gia đình có thu nhập thấp, doanh nghiệp siêu nhỏ chưa hẳn là hoạt động TCVM, nếu việc cung cấp đó tuân thủ theo quy chế của Nhà nước điều tiết hoạt động của các ngân hàng. Không có sự phân tách rõ ràng giữa các TCTD là tổ chức có khả năng cung ứng dịch vụ TCVM và các tổ chức là TCVM, TCTD có chức năng cung ứng sản phẩm TCVM sẽ đưa đến nhận thức sai lầm về thực trạng TCVM trong nền kinh tế. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chưa có những chính sách hiệu quả từ phía Nhà nước đối với phát triển, hoạt động của các tổ chức TCVM phục vụ cho công cuộc xóa đói giảm nghèo.

Thực tiễn cho thấy, nhiều TCTD không phải là tổ chức TCVM có khả năng lớn trong cung cấp dịch vụ TCVM, góp phần phát triển mạnh mẽ thị trường TCVM cho mục tiêu xóa đói giảm nghèo, nhưng Việt Nam vẫn chưa có cơ chế, chính sách để các TCTD này tham gia vào thị trường một cách đúng nghĩa. Đó là nguyên nhân của sự đơn điệu và bó hẹp thị trường TCVM của các TCTD. Hiện nay, tổ chức TCVM chính thức ở Việt Nam hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH, trong khi trên thế giới Tổ chức TCVM được thành lập dưới hình thức tập đoàn trách nhiệm hữu phần như SKS (Ấn Độ), công ty tư nhân như: Tổ chức Accion International, ngân hàng hợp tác xã như Ngân hàng Sewa (Ấn Độ), ngân hàng thương mại kinh doanh dịch vụ TCVM như Bank Rakyat Indonesia (Indonesia).