Bước tiến mới trong thanh toán không dùng tiền mặt
Trong nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 02/NQ/CP ngày 1/1/2019 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nhiệm vụ đẩy mạnh thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt được đánh giá là có nhiều chuyển biến mạnh mẽ ngay từ đầu năm.
Tính đến cuối tháng 5, tổng giá trị giao dịch qua hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng đã tăng khoảng 23,23% về số lượng giao dịch và tăng 17,63% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ năm 2018. Thanh toán điện tử qua in-tơ-nét, điện thoại di động cũng tăng trưởng mạnh.
Tính đến ngày 31/3, số lượng giao dịch tài chính qua kênh in-tơ-nét tăng 65,81%; giao dịch tài chính qua kênh điện thoại di động tăng 97,75% về số lượng giao dịch và tăng 232,3% về giá trị giao dịch so với cùng kỳ.
Kết quả khảo sát của Công ty kiểm toán PwC đối với 27 quốc gia đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động tăng từ 37% lên 61%.
Đến nay, đã có 50 ngân hàng thỏa thuận phối hợp thu thuế điện tử với cơ quan thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và tất cả các quận, huyện trên cả nước; 27 ngân hàng và 10 tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán phối hợp thu tiền điện, doanh thu tiền điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thanh toán qua ngân hàng lên tới gần 90%.
Bên cạnh đó, 100% các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế đã bắt đầu triển khai Đề án phối hợp các ngân hàng để thu hộ tiền khám, chữa bệnh... Kế hoạch hành động của các địa phương cũng rất chú trọng nhiệm vụ thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt.
Tại Hà Nội, các trường học công lập đồng loạt áp dụng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt trong thu học phí, được phụ huynh đánh giá cao. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành chưa coi trọng hoặc bỏ qua việc thực hiện giải pháp này, như: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong chi trả các khoản trợ cấp; Bộ Công an trong xử lý vi phạm hành chính về lĩnh vực an toàn giao thông...
Kinh nghiệm thế giới cho thấy, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt mang đến nhiều lợi ích lớn cho mỗi quốc gia. Đó là thu hút nhiều hơn các khoản tiền nhàn rỗi trong xã hội; tăng nguồn vốn cho đầu tư, mở rộng sản xuất (do lượng tiền mặt trong lưu thông càng ít càng làm tăng hệ số tạo tiền); tăng khả năng kiểm soát khối lượng tiền trong nền kinh tế của ngân hàng trung ương,...
Mặc dù đã có chuyển biến tích cực, nhưng hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam mới đạt hiệu quả bước đầu. Để việc thanh toán không dùng tiền mặt trở nên phổ biến trong xã hội và các hoạt động kinh tế đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ của người tiêu dùng, người cung cấp dịch vụ và Chính phủ.
Theo đó, cần có chính sách tác động, khuyến khích làm thay đổi thói quen sử dụng tiền mặt của người dân; đầu tư đúng mức về kết cấu hạ tầng công nghệ thông tin của ngân hàng thương mại để phát triển và mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng điện tử tới người tiêu dùng.
Đối với các hoạt động kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang phối hợp Bộ Tài chính liệt kê các danh mục bắt buộc thanh toán qua ngân hàng, nghiên cứu đề xuất Chính phủ sửa đổi các quy định của pháp luật để khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt đối với các giao dịch về bất động sản.