Các ngân hàng có vốn nhà nước phải giảm 40% lợi nhuận để hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Đình Vũ/nhadautu.vn

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, năm 2020 lợi nhuận của các ngân hàng có vốn Nhà nước sẽ giảm tối thiểu 40% để hỗ trợ giảm lãi suất cho nền kinh tế.

Vietcombank năm 2019 lãi 22.000 tỷ đồng. Nguồn: internet
Vietcombank năm 2019 lãi 22.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Tại cuộc họp giữa Thủ tướng với lãnh đạo các bộ và cộng đồng doanh nghiệp ngày 13/4, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú cho biết, "lợi nhuận của tất cả ngân hàng có vốn Nhà nước năm nay dứt khoát phải giảm tối thiểu là 40% để đóng góp vào việc giảm lãi suất, hỗ trợ doanh nghiệp". 

Ví dụ Vietcombank năm 2019 lãi 22.000 tỷ đồng thì năm nay phải giảm tối thiểu 30 - 40% lãi. Tức là đóng góp ít nhất khoảng 8.000 tỷ đồng cho vấn đề hạ lãi suất, Phó Thống đốc nói.

Tại cuộc họp, Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) tiết giảm chi phí để chia sẻ khó khăn với các doanh nghiệp, thông qua mở rộng gói chính sách tiền tệ từ 185.000 tỷ đồng lên 300.000 tỷ đồng.

Thực tế, nhiều ngân hàng đã bắt đầu chuẩn bị trước cho bức tranh lợi nhuận không quá sáng sủa của năm 2020 do ảnh hưởng của dịch bệnh và dần điểu chỉnh mục tiêu kinh doanh.

Báo cáo mới đây của Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV cho biết, khó khăn chung của nền kinh tế đã ảnh hưởng trực tiếp đến nhu cầu tín dụng của khách hàng. Trong số các ngành kinh tế thì ngân hàng là bị ảnh hưởng khá lớn.

Hết quý 1/2020, tín dụng tăng 1,3% thấp hơn nhiều so với mức tăng 3,2% cùng kỳ năm 2019, làm sụt giảm doanh thu, cũng như tăng rủi ro về nợ xấu do khách hàng gặp khó khăn và thực hiện cho vay ưu đãi hơn nhằm ứng cứu khách hàng. Ngoài ra, việc giãn, hoãn nợ và giãm lãi, phí cũng sẽ làm giảm doanh thu, lợi nhuận của các ngân hàng; khiến giá cổ phiếu ngân hàng giảm mạnh (-22,4%) so với đầu năm.

Trong khoảng thời gian 1 tháng trở lại đây, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình cho vay lãi suất ưu đãi, giảm từ 2% - 2,5% lãi suất với quy mô lớn.

Theo số liệu của NHNN, đến nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã bước đầu cơ cấu lại thời gian trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng (trong đó Ngân hàng Chính sách Xã hội là 40.000 khách hàng) với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó, NHCSXH 1.400 tỷ đồng). Đồng thời các TCTD đã thực hiện miễn giảm lãi suất cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các TCTD cũng đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5 – 3%/năm. Trong đó, các TCTD đã cho vay mới 354.286 khách hàng với doanh số cho vay đạt 165.08 tỷ đồng. Dự nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành nghề như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, Bán buôn bán lẻ, Nông nghiệp, Lâm nghiệp, Thủy sản.