Các ngân hàng Việt tiếp tục được nâng xếp hạng tín dụng

Theo Tùng Lâm/ttvn.vn

12 ngân hàng được nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA). Riêng Sacombank được nâng triển vọng từ "tiêu cực" lên "ổn định".

12 ngân hàng được nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA). Nguồn: Internet
12 ngân hàng được nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA). Nguồn: Internet

Hãng xếp hạng tín nhiệm Moody’s vừa nâng xếp hạng nhà phát hành nội tệ và ngoại tệ dài hạn và xếp hạng tiền gửi nội tệ dài hạn đối với 5 ngân hàng Việt Nam. Đồng thời, Moody’s cũng nâng xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn đối với 5 ngân hàng. Ngoài ra, Moody’s còn nâng Xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (CRR) và Đánh giá rủi ro đối tác (CRA) của 8 ngân hàng.

Moody’s cũng nâng xếp hạng đánh giá tín dụng cơ sở (BCA) của 12 ngân hàng.

Các ngân hàng trong diện xếp hạng lần này có ABBank, ACB, HDBank, BIDV, LienVietPostBank, MB, OCB, SHB, Sacombank, TPBank, VIB, VietinBank, MaritimeBank, VPBank và Techcombank.

Riêng trường hợp Sacombank, mức triển vọng được Moody’s chuyển từ tiêu cực sang ổn định. Triển vọng với 15 ngân hàng còn lại giữ nguyên như đánh giá hồi tháng 8.

Động thái của Moody’s phản ánh kỳ vọng rằng sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và rõ ràng ở Việt Nam sẽ hỗ trợ cho chất lượng tài sản và lợi nhuận của các nhà băng.

Với 12 ngân hàng gồm BIDV, Vietcombank, VietinBank, ABBank, ACB, MB, OCB, TPBank, VIB, Techcombank, VPBank, HDBank được nâng xếp hạng BCA, Moody’s đánh giá rằng các ngân hàng được hỗ trợ bởi yếu tố vĩ mô tích cực hơn và sự tiến bộ của các ngân hàng này trong việc xử lý các tài sản có vấn đề trong quá khứ.

Đối với BIDV, Vietcombank và VietinBank, việc nâng xếp hạng BCA phản ánh những cải tiến về chất lượng tài sản. Nguồn vốn và thanh khoản của các ngân hàng này ổn định và ít chịu sự phụ thuộc từ biến động thị trường. Nhưng Moody’s cũng nhận định, vốn tiếp tục là điểm yếu với cả 3.

Đối với ABBank, ACB, MB, OCB, TPBank, VIB và Techcombank, việc nâng hạng BCA phản ánh sự cải thiện về tín dụng độc lập, đặc biệt là tiến bộ trong việc xử lý các tài sản có vấn đề cũ. Riêng OCB, TPBank và Techcombank được đánh giá tốt ở việc gia tăng vốn hoá. Moody's kỳ vọng lợi nhuận của 7 ngân hàng này sẽ được cải thiện trong vòng 12-18 tháng tới nhờ gánh nặng chi phí tín dụng giảm.

Với VPBank, việc nâng xếp hạng BCA là bởi ngân hàng có khả năng sinh lời cao, vốn hoá tăng mạnh, bù đắp cho những rủi ro cao từ danh mục cho vay tài chính tiêu dùng.

HDBank được nâng xếp hạng nhờ những cải tiến về khả năng sinh lời. Động thái của Moody’s còn phản ánh đánh giá về việc sáp nhập PGBank vào HDBank. Moody’s đánh giá sau sáp nhập các chỉ số tài chính cơ bản sẽ không có nhiều thay đổi song lợi nhuận của ngân hàng có thể chịu tác động do chi phí hoạt động và tín dụng cao hơn.

3 ngân hàng còn lại là MSB, SHB và LienVietPostBank, Moody's duy trì xếp hạng BCA như cũ với kỳ vọng tình hình tín dụng của các ngân hàng này vẫn sẽ ổn định trong vòng 12-18 tháng tới.

Moody’s đồng thời cho biết có thể nâng xếp hạng tiền gửi và nhà phát hành dài hạn của các ngân hàng nếu xếp hạng của Việt Nam được cải thiện và/hoặc các số liệu về tín dụng độc lập cải thiện dẫn đến xếp hạng cao hơn.

Nhưng xếp hạng của các ngân hàng cũng có thể bị hạ nếu xếp hạng của Việt Nam bị giảm. Đặc biệt xếp hạng của Vietcombank, BIDV, VietinBank có thể bị hạ nếu Moody's thấy rằng sự hỗ trợ của Chính phủ đối với các ngân hàng này bị suy giảm.