Cần bức tranh chân thực về sở hữu chéo ngân hàng

Theo Lê Hường/baodauthau.vn

Bên cạnh nỗ lực xử lý sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, sự công khai, minh bạch và nhất quán về thông tin là cần thiết để ngày càng lành mạnh hóa môi trường kinh doanh trong lĩnh vực này, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài và nâng tầm hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam.

Bên cạnh nỗ lực xử lý sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, sự công khai, minh bạch và nhất quán về thông tin là cần thiết. Nguồn: internet
Bên cạnh nỗ lực xử lý sở hữu chéo giữa các tổ chức tín dụng, sự công khai, minh bạch và nhất quán về thông tin là cần thiết. Nguồn: internet

Nhất quán để tạo niềm tin

Kết quả kiểm toán báo cáo tài chính của các tổ chức tài chính, ngân hàng năm 2017 vừa được Kiểm toán Nhà nước gửi đến Quốc hội nêu rõ: “Một số tổ chức tín dụng vi phạm quy định về giới hạn góp vốn, mua cổ phần. Cụ thể, Ngân hàng thương mại (NHTM) CP Sài Gòn Thương Tín và NHTM CP Kiên Long sở hữu cổ phần trực tiếp qua lại lẫn nhau; 5 tổ chức tín dụng bao gồm: NHTM CP Hàng hải, NHTM CP Ngoại thương Việt Nam, NHTM TNHH MTV Xây dựng Việt Nam, NHTM TNHH MTV Đại Dương, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam nắm giữ cổ phần của hơn 2 tổ chức tín dụng khác.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước cho biết, số cặp sở hữu chéo năm 2015 là 7 cặp và giảm xuống còn 2 cặp vào cuối năm 2017.

Bình luận về các con số chưa thống nhất này, ông Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nói: “Cần đưa ra bức tranh thực về sở hữu chéo. Có thể mỗi cơ quan có cách tính toán khác nhau nhưng dữ liệu công bố cần có sự thống nhất để các cơ quan chức năng khác, các nhà đầu tư cùng giám sát. Mặt khác, sự thống nhất cũng sẽ tạo niềm tin cho tất cả các bên”.

Về xử lý tình trạng sở hữu chéo, Ngân hàng Nhà nước cho biết, nhằm tiếp tục hạn chế, khắc phục tình trạng vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo, cơ quan này đã thực hiện một số giải pháp xử lý bao gồm các giải pháp chính sách và hoàn thiện khuôn khổ pháp lý.

Đáng chú ý nhất là tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng số 17/2017/QH14, trong đó bổ sung các quy định nhằm xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo, hạn chế, ngăn ngừa việc lạm dụng quyền quản trị, điều hành để phục vụ cho các lợi ích liên quan.

Bên cạnh đó, cơ quan ngân hàng chú trọng thanh tra, giám sát và tái cơ cấu các tổ chức tín dụng. Đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các doanh nghiệp nhà nước đẩy nhanh tiến độ thoái vốn góp, vốn cổ phần tại các tổ chức tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ và các giải pháp, lộ trình đã đề ra.

Minh bạch để lành mạnh hóa

Đánh giá về diễn biến xử lý sở hữu chéo trong những năm gần đây, TS. Bùi Quang Tín, Chủ tịch Trường Doanh nhân Bizlight nói: “Có thể nhìn thấy rõ nỗ lực và quyết tâm của Ngân hàng Nhà nước trong công tác này, không chỉ từ các con số mà còn từ các cơ chế chính sách đang được thực thi. Đây là một vấn đề phức tạp, với nhiều tầng lớp che đậy nên không dễ xử lý triệt để, nhưng không có nghĩa là không thể làm và nhất định phải làm trong giai đoạn hội nhập hiện nay.”

Nhiều năm theo dõi tình trạng sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng: “Tại Việt Nam, sở hữu chéo trong các lĩnh vực nói chung và trong lĩnh vực ngân hàng nói riêng là rất phức tạp. Trong đó, có tình trạng một người thông qua một đối tác “bù nhìn” để đại diện phần vốn ở ngân hàng mà không bị phát hiện trong thời gian dài. Trong khi đó, ở các nước phát triển, tình trạng sở hữu chéo có thể nhận thấy được từ báo cáo của các ngân hàng và có các chế tài rất nặng để xử phạt”.

Để giải quyết tình trạng này, theo ông Hiếu, cần truy tận gốc mối quan hệ sở hữu nhằng nhịt giữa các cổ đông, điều này phải bắt đầu từ yêu cầu công khai, minh bạch của các cổ đông, giám sát tính chân thực của việc công khai, minh bạch đó và có chế tài xử lý thật nặng nếu vi phạm.

“Đây là điều phải làm để lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, từ đó mới thu hút được các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao năng lực hoạt động của các tổ chức tín dụng, đặc biệt trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ hiện nay”, ông Hiếu nói.

Tại Báo cáo vừa được gửi đến Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước cho biết, các tổ chức tín dụng đã cơ bản xử lý, khắc phục được một số vi phạm sở hữu cổ phần, sở hữu chéo. Cụ thể, số cặp tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau về cơ bản đến thời điểm cuối tháng 12/2018 đã khắc phục được hết.