Chính quyền địa phương đặt quỹ tín dụng ở đâu?

Theo Nhất Thanh/thoibaonganhang.vn

Nói đến quản lý nhà nước đối với hệ thống Quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), ngay từ Chỉ thị 57-CT/TW về củng cố, hoàn thiện và phát triển hệ thống QTDND được ban hành cách đây 19 năm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã chỉ rõ hai đối tượng quan trọng đó là NHNN và chính quyền địa phương.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Trong đó nhấn mạnh: “Các cấp uỷ đảng địa phương, đặc biệt cấp uỷ đảng ở cơ sở xã, phường và thị trấn chỉ đạo uỷ ban nhân dân xã, phường và thị trấn giám sát, giúp đỡ QTDND triển khai thực hiện phương án củng cố, chấn chỉnh hoạt động, đồng thời thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm về sự phát triển an toàn, hiệu quả của QTDND trên địa bàn”.

Đây cũng chính là một yếu tố làm nên thành công quan trọng trong việc củng cố, chấn chỉnh hệ thống QTDND sau Chỉ thị 57 thời gian qua. Sự cộng hưởng qua lại trong công tác quản lý và giám sát giữa NHNN và chính quyền, đặc biệt là cấp xã, phường tại nhiều địa phương đã góp phần ổn định và phát triển hệ thống QTDND, tạo điều kiện cho phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen.

Ví như tại Phú Thọ, là một địa bàn có nhiều QTDND hoạt động, NHNN chi nhánh Phú Thọ luôn đề cao vai trò đặc biệt quan trọng của chính quyền xã đối với sự phát triển an toàn của QTDND. NHNN chi nhánh chỉ thông qua đề án cơ cấu lại của các quỹ khi đã thông qua chính quyền địa phương. Cảm nhận về vai trò quản lý và hỗ trợ càng rõ trong lòng các lãnh đạo QTDND. Chủ tịch HĐQT QTDND Hùng Lô, ông Cao Văn Hài đúc rút kinh nghiệm: “Chỉ cần chính quyền xã ủng hộ chúng tôi, thì coi như là đỡ cho dân tiếp cận vốn tín dụng và giúp quỹ bớt nợ xấu”.

Hay như với xã Vân Du, chính quyền địa phương coi sự hỗ trợ phát triển QTDND Vân Du là một nhiệm vụ chính trị. Chính vì vậy, HĐQT quỹ có trách nhiệm báo cáo với UBND hàng tháng, hàng quý về hoạt động cũng như những vướng mắc, từ đó xin ý kiến chỉ đạo của xã để giải quyết. Ban Thường vụ Đảng ủy xã cử đích danh chủ tịch xã theo dõi nắm tình hình hoạt động của quỹ và chịu trách nhiệm trước Đảng bộ. Trợ lực từ chính quyền là điểm tựa để quỹ vẫn đứng vững trong bối cảnh các TCTD “đổ bộ” về nông thôn. Còn với chính quyền địa phương cũng vì có quỹ nên hỗ trợ được người chăn nuôi trên địa bàn trước những khó khăn khi giá thịt lợn rớt mạnh hồi đầu năm 2017…

Chính quyền xã cũng đã chủ động phối hợp cùng QTDND xử lý nợ xấu, coi đây là chìa khóa quyết định sự thành công trong hoạt động của QTDND. Chính vì vậy, nếu như đầu năm 2016, nợ xấu của quỹ lên tới 2,7% với hơn 2,16 tỷ đồng, thì đến cuối năm 2016, đã được xử lý, giảm còn 1,4% và đến 2017 chỉ còn 0,66% tổng dư nợ.

Tuy nhiên, bên cạnh những địa phương chính quyền đầy tính chủ động trong quản lý hỗ trợ QTDND phát triển thì ở rất nhiều địa phương, chính quyền lại hầu như không quan tâm, thờ ơ. Một đơn vị hoạt động kinh doanh trên địa bàn xã, có ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích người dân, đến an ninh, kinh tế địa phương, nhưng xã thờ ơ trong quản lý, đến khi xảy ra rủi ro, từ người dân đến chính quyền xã lại đổ dồn trách nhiệm lên vai NHNN.

Những khoảng trống quản lý này một lần nữa đã được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo siết lại trong Chỉ thị 06 mới đây “Chính quyền các cấp quận, huyện, phường, xã tăng cường quản lý nhà nước về cán bộ nhân sự làm việc tại các QTDND, ngăn ngừa các vi phạm, rủi ro đạo đức; phối hợp với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường quản lý hoạt động của QTDND đảm bảo ổn định, lành mạnh phù hợp...”.

Và để Chỉ thị đi nhanh vào cuộc sống, sắp tới NHNN sẽ tổ chức một hội nghị, giao cho NHNN chi nhánh tổ chức với tất cả chính quyền địa phương các nơi có QTDND và chủ tịch, giám đốc QTDND dự hội nghị đó để nâng cao vai trò quản lý của các chính quyền địa phương.

Tuy nhiên, một phần không nhỏ để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 57-CT/TW của Ban Chấp hành Trung ương trước đây, cũng như Chỉ thị 06 mà Thủ tướng vừa ban hành vẫn là chính quyền địa phương, đặc biệt là chính quyền xã đặt QTDND ở vị thế nào trong quản lý và điều hành, chỉ là một đơn vị kinh doanh đơn thuần hay là một thành tố quan trọng thúc đẩy kinh tế tập thể, phát triển kinh tế địa phương từ đó có những động thái quản lý nhà nước phù hợp. Còn nếu việc chỉ đạo, điều hành, phát triển hệ thống QTDND chỉ đặt lên vai ngành Ngân hàng mà bên cạnh là sự thờ ơ của chính quyền địa phương thì hết sức khó khăn.