Cho vay khó, nhà băng đẩy mạnh đầu tư

Theo Cát Tường/saigondautu.com.vn

Tính đến ngày 28/7, huy động vốn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng (NH) chỉ tăng 3,45% so với cuối năm 2019, thanh khoản hệ thống dư thừa đã đẩy lãi suất liên NH xuống đáy. Trong bối cảnh đó, các NH không chỉ giảm lãi suất huy động để tiết kiệm chi phí, còn chuyển hướng đầu tư vào các công cụ tài chính để sinh lợi nhằm giảm áp lực về lợi nhuận.

Cho vay khó, nhà băng đẩy mạnh đầu tư.
Cho vay khó, nhà băng đẩy mạnh đầu tư.

Vốn dư thừa

Theo thống kê của Công ty cổ phần (CTCP) Chứng khoán Bảo Việt, lãi suất huy động trong tháng 7 các nhóm NH đều giảm đối với cả kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đối với kỳ hạn 6 tháng, lãi suất trung bình của nhóm NHTM có vốn nhà nước giảm mạnh nhất (0,5%) từ 4,9% xuống 4,4%, nhóm NH lớn có vốn trên 5.000 tỷ đồng giảm 0,14%. Lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh nhất của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn nhà nước, với mức giảm 0,5% từ 6,12% xuống 5,62%, trong khi nhóm NH lớn giảm 0,12%. 

Giảm lãi suất huy động để giảm lãi suất cho vay luôn là mong muốn doanh nghiệp (DN). Chờ đợi rất nhiều năm, đến nay xu hướng giảm lãi suất huy động mới có chuyển biến đáng kể. Song giảm lãi suất huy động thời điểm này chưa mang lại nhiều tin vui. Bởi lẽ lãi suất huy động giảm không phải hoàn toàn do chủ trương hỗ trợ DN của chính sách tiền tệ mà do thị trường. Các NH huy động vốn được nhưng không cho vay ra được nên bắt buộc phải giảm lãi suất.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) gửi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về tình hình thực hiện chính sách tiền tệ, cho biết đến ngày 28-7, huy động vốn tăng 5,31%, tín dụng toàn hệ thống tăng 3,45% so với cuối năm 2019, trong khi cùng kỳ năm ngoái tín dụng tăng 7,13%. Vì vậy, giảm lãi suất huy động trong giai đoạn này là cần thiết, nhằm kéo giảm chi phí khi thanh khoản dư dả trong thời gian dài. 

Điều này thể hiện rõ trên thị trường 1. Lãi suất liên NH liên tục tạo đáy mới trong tháng 7, khi giảm mạnh về mức quanh 0,12-0,5% với các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần. Theo đó, tuần cuối tháng 7, lãi suất liên NH ở các kỳ hạn này chỉ ở mức 0,2%/năm, 0,37% và 0,45%/năm. Tại ngày 5-8, các mức lãi suất này lần lượt 0,25%/năm, 0,33%/năm và 0,4%/năm. Tính tới thời điểm 31-7, NHNN gần như không can thiệp vào thị trường mở 8 tuần liên tiếp, khi thanh khoản hệ thống liên NH dồi dào và lãi suất liên NH liên tục tạo đáy mới. Theo dự báo của BVSC, làn sóng thứ 2 của dịch Covid-19 xuất hiện khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Điều này có thể khiến tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức thấp và lãi suất huy động có thể chịu áp lực giảm trong thời gian tới.

Chuyển hướng đầu tư

Khi huy động cao, cho vay thấp, thanh khoản dư thừa, các nhà băng đã phải tìm giải pháp để tạo đầu ra về vốn cũng như sinh lợi tốt hơn. Cụ thể, trong báo cáo tài chính (BCTC) quý II thể hiện rõ sự chuyển hướng để dòng tiền sinh lời thông qua hoạt động đầu tư. Đơn cử, tại MB chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế trong nước phát hành tăng tới 82%, lên hơn 22.100 tỷ đồng. BCTC của Vietcombank cũng cho thấy có 18.000 tỷ đồng chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành trong khoản mục chứng khoán đầu tư sẵn sàng để bán, và 45.569 tỷ đồng chứng khoán nợ do các TCTD khác phát hành, trong khoản mục chứng khoán đầu tư giữ đến ngày đáo hạn. Hoặc VPBank nắm giữ hơn 27.830 tỷ đồng chứng khoán nợ do các tổ chức kinh tế phát hành, tăng gần gấp đôi so với con số 14.222 tỷ đồng hồi cuối năm. 

Thông qua việc nắm giữ nhiều tài sản là các công cụ tài chính có chất lượng cao, cơ cấu bảng cân đối kế toán của NH có đủ khả năng phòng ngừa rủi ro trong quá trình hoạt động.

Về vấn đề này, lãnh đạo một NHTMCP, chia sẻ thời gian qua NH đã thực hiện chương trình ưu đãi giảm lãi suất để đồng hành cùng DN. Tuy nhiên, đầu ra tín dụng vẫn gặp rất nhiều khó khăn và dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ thấp. Trong bối cảnh đó, các nhà băng chịu nhiều áp lực như phải giảm lương cán bộ nhân viên, thuyết phục cổ đông giảm lợi nhuận... Vì vậy, việc sử dụng các công cụ tài chính, bao gồm huy động vốn từ khách hàng và đầu tư vào các tài sản tài chính có chất lượng cao, trở thành hoạt động then chốt giúp nhà băng đạt được mức chênh lệch lãi suất cần thiết. Đồng thời, chứng khoán đầu tư còn dễ dàng mua và bán hoặc dùng cầm cố để vay vốn bổ sung, nên có thể đáp ứng nhu cầu thanh khoản kịp thời.

Trong cơ cấu chứng khoán đầu tư của các nhà băng gồm rất nhiều sản phẩm như trái phiếu, tín phiếu, giấy tờ có giá. Trong đó, trái phiếu, đặc biệt trái phiếu DN (TPDN) là loại hình đầu tư phổ biến nhất trong những năm gần đây bởi lãi suất hấp dẫn. Theo một số NH, trái phiếu do các TCTD khác phát hành có kỳ hạn 9 tháng đến 5 năm có lãi suất 5,7-9,5%/năm. Trái phiếu do các tổ chức kinh tế khác phát hành kỳ hạn từ 1-14 năm có lãi suất 8-14%/năm. Ngoài ra, trong thời gian gần đây, nhiều DN phát hành trái phiếu có xu hướng mua lại trước hạn. Trong trường hợp đó, các nhà băng mua TPDN sẽ được hưởng thêm khoản lãi DN phải trả khi mua lại trái phiếu trước hạn. Đáng chú ý, một số NH cũng chọn giải pháp đầu tư vào TPDN, sau đó liên hệ phân phối lại cho các nhà đầu tư cá nhân là khách hàng gửi tiền tại NH. 

Theo một chuyên gia tài chính, chính vì nguyên nhân trên, lượng nắm giữ TPDN của nhà đầu tư cá nhân tăng đột biến trong thời gian qua. Chuyên gia này cho rằng, kinh doanh là vấn đề của NH, nhưng cơ quan quản lý cũng cần chú ý hiện tượng này. Hiện nay ngành bất động sản vẫn đối mặt nhiều thách thức trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của DN chất chồng khó khăn do ảnh hưởng dịch bệnh, vẫn là rủi ro cho cả NH và cá nhân mua TPDN từ kênh mua sỉ bán lẻ của NH.