Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp: Đồng hành tháo gỡ khó khăn

Theo Nga-Hương/hanoimoi.com.vn

Hơn 1.500 cuộc gặp gỡ, đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp đã được tổ chức kể từ năm 2014 đến nay, trong đó, riêng ở Hà Nội cũng có hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Ngân hàng - doanh nghiệp cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn.
Ngân hàng - doanh nghiệp cùng đồng hành tháo gỡ khó khăn.

Lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, ngành Ngân hàng đang thực sự trở thành những người đồng hành đáng tin cậy của doanh nghiệp.

Tiếp cận nguồn vốn lãi suất hợp lý

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), kể từ khi triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp vào năm 2014, các tổ chức tín dụng đã giải ngân hàng triệu tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh. Ngoài ra, tổ chức tín dụng còn cơ cấu lại nợ cho không ít doanh nghiệp, hoặc đưa ra các gói tín dụng ưu đãi tạo điều kiện cho doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn.

Riêng Hà Nội, hàng trăm chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã được tổ chức trong những năm qua, điển hình như chương trình cung cấp tín dụng giúp doanh nghiệp dự trữ hàng hóa bình ổn giá, phục vụ tiêu dùng dịp lễ, Tết, với nguồn vốn hàng nghìn tỷ đồng. Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cho biết, kết quả dư nợ cho vay theo chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp kể từ đầu chương trình đến nay đạt hơn 500 nghìn tỷ đồng. Năm 2019, trong tổng dư nợ 2.112.090 tỷ đồng của các tổ chức tín dụng trên địa bàn Hà Nội, dư nợ cho vay sản xuất, kinh doanh đạt 1.891.918 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 89,42% và tăng trưởng 14,44% so với năm 2018.

Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan thông tin, dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Sở Công Thương đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội hỗ trợ, kết nối các doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận nguồn vốn vay lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường dịp trước, trong, sau Tết...

Tính riêng chương trình tín dụng ưu đãi hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 mà các ngân hàng cam kết trong thời gian gần đây đã lên tới 285 nghìn tỷ đồng. Hiện, các ngân hàng đã hạ lãi suất cho khoảng 4.000 khách hàng, đang xem xét hạ lãi suất cho hàng chục nghìn khách hàng khác. Ngoài khoản nợ đang được xem xét lên tới 185.000 tỷ đồng, các ngân hàng cũng tính toán cho vay mới thêm khoảng 24.000 tỷ đồng.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Phạm Quang Dũng nhận xét, qua đối thoại, gặp gỡ, ngân hàng biết rõ nhu cầu của doanh nghiệp để có chương trình phù hợp. Mới đây, Vietcombank đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không tính lãi suất quá hạn cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Còn ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam (VietinBank) nhận định, việc thực hiện chương trình kết nối đã góp phần quan trọng giúp các doanh nghiệp khắc phục khó khăn, đồng thời giúp ngân hàng tăng trưởng tín dụng chất lượng

và hiệu quả. Từ nay đến hết tháng 9-2020, VietinBank triển khai chương trình lãi suất ưu đãi 6%/năm, với khách hàng là doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp tư nhân. Ngoài ra, VietinBank cũng dành 10.000 tỷ đồng cho các khách hàng vay vốn trung, dài hạn với lãi suất chỉ từ 8,1%/năm, thời gian ưu đãi lên tới 24 tháng.

Ngân hàng - doanh nghiệp song hành

Ông Nguyễn Văn Hiến, Giám đốc Công ty cổ phần Thiết bị điện N.V.H chia sẻ: “Thông qua các chương trình gặp gỡ giữa ngân hàng và doanh nghiệp, chúng tôi đã vay vốn từ VietinBank, với lãi suất dưới 8%/năm, thời gian ngân hàng giải ngân chỉ sau 48 giờ. Nhờ nguồn vốn vay này, công ty có thể yên tâm thực hiện các đơn hàng sắp tới”. Còn ông Vũ Tiến Đạt, chủ một doanh nghiệp siêu nhỏ tại số 70 Thợ Nhuộm, Hà Nội cho hay, dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới việc kinh doanh, nhưng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), doanh nghiệp có thể duy trì hoạt động.

Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh cho hay, từ năm 2019 đến nay, hiệp hội đã tham gia nhiều cuộc gặp gỡ doanh nghiệp - ngân hàng để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Trong bối cảnh dịch Covid-19, việc đẩy mạnh tổ chức chương trình kết nối này càng có ý nghĩa.

Chia sẻ về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Trần Ngọc Nam cho biết, trong những tháng đầu năm nay, Hà Nội có thêm hơn 3.000 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp lên 282.936 đơn vị. Trước những tác động từ dịch Covid-19, Sở tiếp tục đề xuất tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp với ngân hàng, cơ quan thuế... để tìm cách gỡ khó cho doanh nghiệp.

Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn cũng thông tin, trong năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện, thị xã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, hỗ trợ tín dụng lãi suất thấp. Không chỉ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các chương trình tín dụng còn gắn kết với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Theo Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt góp phần kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp. Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước ban hành các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp thông qua công cụ điều hành. Hiện, mặt bằng lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên xuống dưới 6%/năm, tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn nhiều so với trước.

Trên thực tế, mối quan hệ ngân hàng - doanh nghiệp là cộng sinh, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng là gỡ khó cho ngân hàng. Không chỉ doanh nghiệp tìm đến ngân hàng mà các ngân hàng đã chủ động tìm kiếm và kết nối với doanh nghiệp. Bởi, doanh nghiệp kinh doanh thành công, đồng nghĩa đồng vốn ngân hàng được sử dụng hiệu quả.