Cơ hội rộng mở cho thanh toán thẻ tại Việt Nam

Theo Tuyết Thanh/thoibaonganhang.vn

Thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ đem lại lợi ích cho Chính phủ, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, mỗi người dân tham gia các hệ sinh thái này, mà còn thúc đẩy sự phát triển cho toàn xã hội.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Theo Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam, năm 2018, thị trường Việt Nam hiện có khoảng 86 triệu thẻ đang lưu hành, tăng 12% so với năm 2017, trong đó số thẻ phát hành mới tăng 17 triệu thẻ, đạt mức tăng trưởng 11%. Mặc dù tỷ lệ sử dụng thẻ (thẻ ghi nợ nội địa) để rút tiền mặt vẫn còn cao (khoảng 80%), tuy nhiên doanh số sử dụng thẻ để thanh toán đã có mức tăng trưởng đạt 32%, trong đó doanh số sử dụng chi tiêu qua thẻ quốc tế tăng 54%. Tổng doanh số thanh toán thẻ năm 2018 đạt 3.507 tỷ đồng, tăng 28% so với năm 2017, trong đó doanh số thanh toán chi tiêu tăng trưởng nhanh hơn, ở mức 30%.

Cùng với sự phát triển của các hình thức thanh toán mới như Ecom, QR, mPOS, doanh số thanh toán chi tiêu tại các kênh này cũng tăng trưởng ở mức độ cao tương ứng. Tổng doanh số thanh toán chi tiêu tại các kênh bao gồm cả kênh POS truyền thống và kênh mới đã tăng trưởng 50% so với năm 2017. Có thể nói đây là những yếu tố tích cực, thuận lợi để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với định hướng xây dựng Chính phủ số và nền kinh tế số.

Bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào cho biết, trong những năm qua, việc tăng cường hình thức giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đã có những thành công đáng ghi nhận. Mức độ tăng trưởng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ trên 11% vào cuối năm 2018 cho thấy tín hiệu rất tích cực để phát triển thanh toán thẻ tại thị trường Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam có thị trường với 95 triệu dân, song tỷ lệ người tham gia thanh toán không dùng tiền mặt vẫn còn thấp; và chỉ 20% các chủ thẻ Việt Nam dùng thẻ để thực hiện thanh toán dịch vụ hàng hóa thông qua các tổ chức chấp nhận thẻ. Đây cũng là cơ hội cực kỳ rộng mở để đưa ra các giải pháp phù hợp trên thị trường, tăng nhanh chóng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt.

Vừa qua, nhằm thúc đẩy thanh toán dịch vụ công qua ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 241/QĐ-TTg ngày 23/2/2018 phê duyệt Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công như thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tại Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019, Chính phủ cũng yêu cầu các đơn vị cung cấp dịch vụ công phải phối hợp với các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán để thu phí dịch vụ công như tiền điện, nước, học phí, viện phí…

Rõ ràng, thanh toán không dùng tiền mặt không chỉ đem lại lợi ích cho Chính phủ, các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, mỗi người dân tham gia các hệ sinh thái này, mà còn thúc đẩy sự phát triển cho toàn xã hội. Đơn cử như trong quản lý hành chính, khi ứng dụng công nghệ thanh toán không dùng tiền mặt, công nghệ số, sẽ giúp người dân có thể thanh toán thuận lợi, an toàn, đơn giản hơn; đồng thời tiết kiệm chi phí vận hành, nhân công trong quản lý. Đồng thời, đây chính là cơ hội để chuyển dịch hành vi tiêu dùng một cách mạnh mẽ nhất và giúp người dân quen dần với hình thức thanh toán mới, không dùng tiền mặt.

“Tham gia thực hiện các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt ứng dụng trong lĩnh vực thanh toán của Chính phủ cần có sự góp mặt của các đối tác quan trọng như ngân hàng, các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ thanh toán trên thị trường. Nhưng quan trọng nhất vẫn cần phải có vai trò chỉ đạo của Chính phủ một cách xuyên suốt, thống nhất đồng bộ để thực hiện một cách hiệu quả với sự hỗ trợ từ tất cả các bên nhằm đạt được sự lan tỏa và tốc độ cần thiết, phục vụ mục tiêu đặt ra” - bà Dung cho biết thêm.