Công nghệ tài chính: Cơ hội và thách thức phát triển ngân hàng số

Bài viết đăng trên Tạp chí Tài chính Kỳ 2 - Tháng 7/2020

Cùng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, xu hướng ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính (Fintech) diễn ra hết sức mạnh mẽ đã và đang mang lại rất nhiều cơ hội cũng như những thách thức cho hoạt động kinh doanh nói chung, hoạt động phát triển dịch vụ thanh toán dựa trên công nghệ ngân hàng số nói riêng của các ngân hàng thương mại. Bài viết tập trung làm rõ thực trạng chuyển động Fintech tại Việt Nam hiện nay và đưa ra khuyến nghị đối với việc phát triển ngân hàng số.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Xu thế phát triển công nghệ tài chính

Fintech được hiểu là công nghệ tài chính, với những ứng dụng mới nhất về công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng – tài chính. Nằm trong xu hướng Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, Fintech đã và đang mang tới những sự đổi mới, sáng tạo làm thay đổi bộ mặt của hệ thống ngân hàng - tài chính truyền thống khi chuyển sang công nghệ ngân hàng số. Fintech giúp các ngân hàng có thể giải quyết tính thiếu hiệu quả của các sản phẩm, dịch vụ tài chính truyền thống  vốn bị giới hạn về thời gian, không gian cũng như quy trình, thủ tục giao dịch phức tạp....

Bên cạnh đó, Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phổ cập tài chính của các quốc gia thông qua tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính tới một bộ phận người dân chưa có tài khoản ngân hàng hoặc khó khăn trong việc tiếp cận các dịch vụ tài chính – ngân hàng truyền thống; hỗ trợ các quốc gia nhanh chóng đạt được mục tiêu phổ cập tài chính qua đó thúc đẩy sự phát triển cũng như công bằng xã hội.

Nắm bắt, hợp tác và ứng dụng hiệu quả Fintech là một cơ hội cũng như là một giải pháp hữu hiệu để các ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu, nâng cao sức mạnh cạnh tranh của các tổ chức tín dụng (TCTD) trong giai đoạn đến năm 2020, đặc biệt là thực hiện thành công Đề án của Chính phủ và Kế hoạch của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM). Trong đó, phấn đấu đến cuối năm 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; đến cuối năm 2025, ở mức dưới 8%...

Những cơ hội ứng dụng công nghệ trong giao dịch và quản lý ngân hàng

Xu hướng ứng dụng Fintech sẽ làm thay đổi các hoạt động của ngân hàng, đặc biệt là những thay đổi trong giao dịch và quản lý.

Một là, thanh toán điện tử qua ngân hàng sẽ nhanh chóng thay thế các phương tiện thanh toán truyền thống (như tiền mặt, séc, thẻ tín dụng và ATM) trong một số năm tới đây.

Thời gian qua, đã có nhiều tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực tài chính – công nghệ, đặc biệt là trong những ứng dụng cho hoạt động thanh toán hằng ngày. Hiện nay, khách hàng có thể thực hiện các thao tác cho mọi giao dịch với ngân hàng thông qua điện thoại thông minh - smartphone, hay ipad, laptop, thậm chí là có thể tích hợp thanh toán ngay trên chiếc đồng hồ đeo tay, nhẫn và cả phương tiện di chuyển. Điều này tạo điều kiện cho mọi đối tượng khách hàng, dù là cá nhân hay chủ doanh nghiệp không phải mất thời gian và chi phí đến các điểm giao dịch của ngân hàng mà mọi thứ đều trong tầm tay, online tức thì và tại chỗ. Do đó, không chỉ có các giao dịch thanh toán bằng tiền mặt mà các loại thẻ, kể cả những tấm séc cũng sẽ bị quên lãng trong tương lai.

Thực tế này không chỉ diễn ra tại các nền kinh tế phát triển trên thế giới, mà cả những nước đang phát triển như: Trung Quốc, Malaysia, Thái Lan… Tại Việt Nam, xu hướng này đang thay đổi khá rõ nét. Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, hiện nay, ở Việt Nam tỷ trọng tiền mặt trong tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế chỉ còn chiếm khoảng 12,5-13,5% so với tỷ trọng khoảng 30% cách đây trên 10 năm.

Theo báo cáo về các thiết bị di động của hãng Ericsson, ước tính có tới 70% dân số toàn cầu sử dụng điện thoại thông minh vào năm 2020. Đồng thời, mạng dữ liệu di động sẽ bao phủ 90% dân số toàn thế giới. Việt Nam là một trong số ít quốc gia có tốc độ người dân sử dụng thiết bị di động tăng nhanh nhất trên thế giới. Hiện nay, với hơn 64 triệu người đang sử dụng mạng internet, chiếm gần 70% dân số; trên 72% người dân sử dụng điện thoại thông minh, Việt Nam là thị trường tiềm năng cho phát triển ngân hàng số, phát triển TTKDTM.

Hai là, hợp đồng và văn bản bằng giấy sẽ bị thay thế tác động lớn đến quản lý rủi ro và quản lý hồ sơ trong ngân hàng.

Sự ra đời của chữ ký số đã hình thành một giải pháp mới cho các doanh nghiệp nói chung, trong đó có cộng đồng ngân hàng – tài chính, đó là ký kết hợp đồng thông qua công nghệ điện toán đám mây. Hợp đồng được lưu trên những “đám mây” bao gồm thông tin định danh của các bên có liên quan, khả năng thanh toán theo hợp đồng mà không cần phải in, scan hay fax. Đồng thời, hình thức này còn có ưu điểm là chủ động phân phối các khoản thanh toán theo đúng nội dung của hợp đồng khi đến hạn. Hình thức hợp đồng lưu trữ đám mây đang được kỳ vọng sẽ nâng cao hiệu quả làm việc, cắt giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

Trong tương lai, khi hình thức hợp đồng này sẽ phổ biến, quy trình quản lý hợp đồng sẽ có sự thay đổi ngoạn mục và giúp thúc đẩy hiệu suất làm việc tốt hơn phương thức ký kết hợp đồng truyền thống trên giấy in, tác động rất lớn đến các doanh nghiệp, các NHTM. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho các NHTM là việc quản lý các hợp đồng tín dụng, quản lý rủi ro, quản lý khách hàng. Các quy trình quản lý nội bộ bị thay đổi, trình độ tác nghiệp và trình độ chuyên môn của cán bộ tín dụng phải được nâng lên, ngay cả cán bộ làm công việc thanh toán trong ngân hàng cũng phải được đào tạo lại thường xuyên.

Kết quả ứng dụng ngân hàng số tại Việt Nam

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, việc Chính phủ số hóa, các doanh nghiệp số hóa và ngân hàng số hóa đang tạo điều kiện cho người dân Việt Nam làm quen dần với việc thanh toán TTKDTM và chấp nhận sử dụng các dịch vụ thanh toán điện tử tiện ích, dịch vụ thanh toán trên các thiết bị di động. Số lượng giao dịch tài chính qua kênh internet tại Việt Nam năm 2019 đạt hơn 200 triệu lượt, với doanh số trị giá hơn 10 triệu tỷ đồng; Trong 6 tháng đầu năm 2020 đạt trên 104 triệu lượt giao dịch, với doanh số đạt 5,2 triệu tỷ đồng.

Đến nay, tại Việt Nam có 78 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua internet và 45 tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán di động, với số lượng giao dịch lên đến vài trăm triệu lượt và doanh số hơn 10 triệu tỷ đồng mỗi năm. Số liệu này cho thấy, TTKDTM đang phát triển mạnh mẽ và phổ biến ở nước ta. Bên cạnh đó, có 26 tổ chức không phải là ngân hàng đã được NHNN cấp phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, trong đó có 23 tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử, tập trung những tính năng nạp tiền điện thoại, thanh toán qua mã QR, thanh toán hóa đơn dịch vụ cước điện thoại di động, hóa đơn điện nước, internet, các khoản vay tài chính, vay trả góp, vay tiêu dùng, mua vé máy bay, vé xe, bảo hiểm…

Hiện nay đã có 50 NHTM ký kết triển khai dịch vụ thu thuế điện tử với thuế, hải quan trên phạm vi 63 tỉnh, thành phố và 768 quận, huyện trên cả nước; 26 NHTM ký kết với các công ty điện lực thực hiện dịch vụ thu hộ tiền điện trên phạm vi toàn quốc; 26 NHTM triển khai dịch vụ thu tiền nước sạch tại hơn 20 tỉnh, thành phố; 12 NHTM triển khai phối hợp thu tiền học phí, đa số được triển khai tại các trường Đại học; 8 NHTM triển khai dịch vụ thu hộ viện phí tại các bệnh viện lớn; 6 NHTM phối hợp chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội.

Các NHTM Việt Nam đã chủ động nắm bắt phản ứng của các ngân hàng trên toàn cầu đối với Fintech cũng như cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 hiện nay và đang chủ động tích cực triển khai theo chiến lược kinh doanh, phát triển dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện ích và an toàn theo nguồn lực tài chính cũng như khả năng ứng dụng của mình. Nhiều NHTM đang chủ động và mạnh dạn đầu ứng dụng các công nghệ mới về quản lý và giao dịch ngân hàng điện tử, công nghệ ngân hàng số…

Một số thách thức phát triển ngân hàng số

Trong phát triển ngân hàng số, một số thách thức đặt ra gồm:

Một là, Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng Fintech thúc đẩy sự cạnh tranh mạnh mẽ, thu hút đông đảo các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, các doanh nghiệp bán hàng hóa và cung cấp dịch vụ hợp tác với các NHTM thực hiện thanh toán điện tử, đáp ứng nhu cầu các sản phẩm dịch vụ tiện ích ngày càng cao của khách hàng, tối đa hóa lợi nhuận của ngân hàng.

Tuy nhiên, xu hướng này cũng đang đặt ra các thách thức lớn cho cộng đồng ngân hàng bởi các công ty Fintech trong cạnh tranh thu hút khách hàng, mở rộng thị phần, đặc biệt là trong các giao dịch cho vay trực tuyến, cho vay ngang hàng, quản lý tài chính, quản lý danh mục đầu tư… lĩnh vực trước đây được coi là hoạt động kinh doanh truyền thống, sân chơi riêng của các NHTM. Do đó, nếu các NHTM không tiếp tục chủ động ứng dụng công nghệ mới, mạnh dạn đầu tư trang thiết bị hiện đại thì sẽ bị mất thị phần, mất khách hàng.

Hai là, những tiến bộ công nghệ và dự báo về sự ra đời của những sản phẩm thay thế trong giao dịch với ngân hàng và ứng dụng trong dịch vụ thanh toán của ngân hàng nói trên sẽ diễn ra trong nhiều năm tới, nhưng hiện nay tại Việt Nam, nhiều NHTM vẫn đang cố gắng phát triển thị trường thẻ. Vì vậy, các NHTM Việt Nam cần nhanh chóng nhận ra những thay đổi của đông đảo khách hàng, có những chuyển động cần thiết theo xu hướng của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

Ba là, còn tồn tại khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam, đặc biệt là về hoạt động của ví điện tử, Mobile Money. Việc tạo lập môi trường pháp lý và chính sách đầy đủ, nhằm hoàn thiện và phát triển các giải pháp công nghệ tài chính, phù hợp với nhu cầu thị trường và khuôn khổ pháp lý theo thông lệ đang đặt ra có tính cấp bách, nhằm thúc đẩy các hoạt động TTKDTM an toàn, hạn chế rủi ro xảy ra cho khách hàng khi tham gia sử dụng các dịch vụ công nghệ ngân hàng số.

Khuyến nghị giải pháp

Để tận dụng các lợi ích của Fintech trong phát triển ngân hàng số, một số giải pháp cần lưu ý thực hiện gồm

Một là, các NHTM Việt Nam cần tham khảo, học hỏi kinh nghiệm của các ngân hàng lớn trên thế giới, các ngân hàng đang đi tiên phong về công nghệ ngân hàng số tại một số nước trong khu vực, tranh thủ sự trợ giúp của các tổ chức thẻ quốc tế, của các ngân hàng là cổ đông chiến lược để đáp ứng ngày càng tốt nhất yêu cầu đảm bảo an toàn trong giao dịch thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động, quét mã QR của khách hàng, giảm thiểu rủi ro.

Hai là, các NHTM cần tích cực, chủ động làm việc với các doanh nghiệp, các tổ chức cung ứng dịch vụ công, các đơn vị và tổ chức khác có hoạt động thu thường xuyên với doanh số lớn, như: trường học, bệnh viện, trạm thu phí giao thông, trạm đăng kiểm xe cơ giới, công ty du lịch, công ty xăng dầu, viễn thông, điện lực, nước sạch… để phát triển mạng lưới POS, thúc đẩy TTKDTM.

Ba là, các NHTM cần chủ động hơn nữa trong nắm bắt những sản phẩm và dịch vụ ngân hàng tiện ích mới xuất hiện trên thế giới, đầu tư ứng dụng vào ngân hàng mình; tăng cường đầu tư nguồn lực tài chính, đầu tư cho công tác đào tạo lại nguồn nhân lực cho ứng dụng công nghệ số… trong ngân hàng.

Bốn là, về phía các bộ ngành chức năng như: Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Bộ Giao thông và Vận tải, Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Thông tin và Truyền thông… cần ban hành quy định khuyến khích hoạt động thanh toán thẻ, thanh toán điện tử, thanh toán trên các thiết bị di động.

Năm là, NHNN Việt Nam và các cơ quan chức năng ở Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm các nước để xây dựng một khuôn khổ pháp lý đầy đủ và đồng bộ cho hoạt động Fintech, Mobile Money, công nghệ ngân hàng số tại Việt Nam.

 

Tài liệu tham khảo:

1. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Công văn số 6422/NHNN-TT về việc thông báo đơn vị tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán tham gia giao dịch thanh toán qua Ngân hàng Nhà nước;

2. Nguyễn Quang Hưng (2017), Thách thức khi cung cấp dịch vụ ngân hàng số tại Việt Nam, Kỷ yếu hội thảo khoa học hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam;

3. Tạp chí Tài chính (2018), An ninh mạng thách thức ngân hàng số, http://tapchitaichinh.vn/kinh-te-vi-mo/an-ninh-mang-thach-thuc-ngan-hang-so-148600.html;

4. Các website: www.sbv.gov.vn; www.vnba.org.vn; www.nfsc.gov.vn.