COVID-19: Dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống

Theo Chí Kiên/thoibaonganhang.vn

Theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống.
Dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống.

Dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng

Báo cáo về ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đối với hoạt động tín dụng ngân hàng gửi đến Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho biết, tín dụng tăng thấp hơn so với cùng kỳ các năm trước. Đến ngày 31/3/2020, dư nợ tín dụng đạt 8.301.988 tỷ đồng, tăng 1,3% so với cuối năm 2019 (cùng kỳ năm 2019 tăng 3,19%), nhịp độ tăng từng tháng có xu hướng cải thiện (tháng 1 tăng 0,1%, tháng 2 tăng 0,07% và tháng 3 tăng 1,1%).

Về dư nợ tín dụng, theo đánh giá sơ bộ, đến nay dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng.

Trong đó, dư nợ của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% dư nợ nền kinh tế; tập trung chủ yếu vào các dư nợ đối với các ngành hàng rau quả, thủy sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu;

Khai khoáng bị ảnh hưởng khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 0,5% dư nợ nền kinh tế; tập trung chủ yếu vào dư nợ đối với khai thác than, dầu thô, quặng kim loại...;

Công nghiệp chế biến-chế tạo bị ảnh hưởng khoảng 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ; trong đó, dư nợ bị ảnh hưởng của ngành chế biến thực phẩm, đồ uống khoảng 193.000 tỷ đồng, dệt may khoảng 137.000 tỷ đồng, xi măng khoảng 104.000 tỷ đồng, chế biến gỗ khoảng 86.000 tỷ đồng;

Kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng bị ảnh hưởng khoảng 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ; Vận tải bị ảnh hưởng khoảng 139.000 tỷ đồng, chiếm 1,68% tổng dư nợ…

Giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52 nghìn khách hàng

Về hỗ trợ tín dụng, theo NHNN, đến nay, các TCTD đã bước đầu cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng (trong đó NHCSXH 40.000 khách hàng) với dư nợ 17.927 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 1.400 tỷ đồng); đã thực hiện miễn giảm lãi cho 6.427 khách hàng với dư nợ 125.242 tỷ đồng, số lãi được miễn giảm khoảng 300 tỷ đồng.

Đồng thời, các TCTD đã tích cực triển khai các chương trình, gói sản phẩm tín dụng ưu đãi lãi suất thấp hơn lãi suất thông thường từ 0,5%-3%/năm. Hiện nay các TCTD đã cho vay mới đối với 354.286 khách hàng (trong đó NHCSXH 275.000 khách hàng), doanh số cho vay đạt 165.208 tỷ đồng (trong đó NHCSXH 12.000 tỷ đồng). Trong đó, dư nợ tập trung chủ yếu ở một số ngành như: Công nghiệp chế biến, chế tạo (60.000 tỷ đồng); Bán buôn bán lẻ (43.000 tỷ đồng); Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản (16.000 tỷ đồng)…

Hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch vụ phục vụ tăng cường sức khỏe,...), dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 260.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ.

Theo ước tính của NHNN, với 2 kịch bản tăng trưởng kinh tế như Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra, trường hợp dịch được kiểm soát trong quý I, tỷ lệ nợ xấu (nội bảng, đã bán cho VAMC và nợ đã thực hiện các biện pháp phân loại nợ) sẽ ở mức 2,9-3,2% đến cuối quý II và từ 2,6-3,0% đến cuối năm 2020; trường hợp dịch diễn biến phức tạp hơn và được kiểm soát trong quý II, tỷ lệ này sẽ ở mức gần 4% vào cuối quý II và 3,7% cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn, dẫn tới ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD và khả năng phục hồi của các TCTD yếu kém.