Cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng

Theo Hồng Anh/nhandan.com.vn

Trước nỗi lo ngại về diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 và ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, nhiều ngân hàng đã chủ động làm việc với khách hàng nhằm rà soát mức độ thiệt hại, lên phương án giảm lãi suất. Ðồng thời, nhiều gói tín dụng ưu đãi cũng được các ngân hàng triển khai nhằm kịp thời cung ứng vốn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, người dân và doanh nghiệp (DN).

Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank. Nguồn: internet
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh ngân hàng Vietcombank. Nguồn: internet

Giảm lợi nhuận để chia sẻ cùng DN

Ngay những ngày đầu khi dịch bệnh xảy ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã có những văn bản yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) triển khai nhiều biện pháp nhằm hỗ trợ các DN, khách hàng bị ảnh hưởng. Cụ thể, Thống đốc NHNN ban hành văn bản đề nghị các NHTM xem xét cơ cấu lại nợ, giãn nợ, giảm lãi suất đối với các khách hàng bị ảnh hưởng, đồng thời yêu cầu tiếp tục duy trì hoạt động cho vay ưu đãi với các lĩnh vực ưu tiên. Ngay sau chỉ đạo của Thống đốc NHNN, các NHTM đã lập tức nhập cuộc.

Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) thành lập ban chỉ đạo do Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Ðức Thọ đứng đầu, yêu cầu toàn bộ chi nhánh trong hệ thống rà soát, báo cáo về thiệt hại của khách hàng, tập trung vào các DN như du lịch, kinh doanh dịch vụ lưu trú, xuất khẩu nông, thủy sản, vận tải, hàng tiêu dùng. Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Ðức Thọ cho biết, VietinBank đã hạ lãi suất cho các DN gặp khó khăn trực tiếp, đang gián đoạn hoạt động kinh doanh với phía Trung Quốc. DN nào còn xoay xở được đơn hàng mới thay thế hoặc cần tham gia xúc tiến mở thị trường thì các chi nhánh VietinBank sẵn sàng đáp ứng vốn cho họ. DN nào vay vốn rồi mà gặp khó khăn tiêu thụ, như nhập khẩu nguyên liệu, mua hàng hóa bị kéo dài thời gian do phía Trung Quốc đóng cửa thì phải giãn nợ, điều chỉnh kỳ hạn.

Tổng Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) Tiết Văn Thành cũng đã ban hành văn bản chỉ đạo các chi nhánh trên toàn hệ thống rà soát, nắm bắt tình hình sản xuất, kinh doanh, mức độ thiệt hại của khách hàng vay vốn. Trong đó, lưu ý các khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn, nông nghiệp, xuất khẩu, nhất là các DN sử dụng nguồn nguyên liệu nhập khẩu và xuất khẩu thị trường Trung Quốc, có nhiều lao động người Trung Quốc, các DN đầu mối các mặt hàng nông sản khó bảo quản, thời gian thu hoạch và tiêu thụ ngắn, các vùng sản xuất hàng hóa lớn như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, ven biển miền trung,…

Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cũng thông báo giảm lãi suất từ 0,5 đến 1,5% cho các khách hàng là DN, cá nhân sản xuất, kinh doanh thuộc các lĩnh vực nêu trên. Khách hàng vay USD hiện hữu sẽ giảm lãi suất 0,5% với các khoản ngắn hạn và 0,75% đối với các khoản vay trung, dài hạn; cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giãn thời hạn trả nợ cho các DN từ nay đến cuối tháng 4.

"Thời điểm này, lợi nhuận ngân hàng là mục tiêu thứ yếu, ưu tiên hàng đầu là rà soát khó khăn của khách hàng để có biện pháp hỗ trợ kịp thời. Bởi khi khách hàng khó khăn, chất lượng tín dụng bị ảnh hưởng, nợ xấu có thể tăng lên, chi phí trích lập dự phòng ngân hàng sẽ tăng theo" - Phó Tổng Giám đốc Vietcombank Nguyễn Thanh Tùng nhấn mạnh. Hiện nay, dư nợ của các khoản vay hiện hữu với các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 ước khoảng 30 nghìn tỷ đồng, nghĩa là ngân hàng sẽ giảm lãi từ 300 đến 450 tỷ đồng.

Nhiều giải pháp đồng bộ

Ðến thời điểm này, các NHTM đều rất tích cực, chủ động triển khai các giải pháp tín dụng nhằm hỗ trợ người dân, DN, tuy nhiên, để hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn khó khăn này cần thiết phải có sự phối hợp đồng bộ nhiều giải pháp, không chỉ riêng về tín dụng ngân hàng. Vụ trưởng Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN) Nguyễn Quốc Hùng cho biết, tính đến ngày 7-2, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế đạt hơn 8,16 triệu tỷ đồng, giảm 0,38% so cuối năm 2019 và giảm 0,47% so cuối tháng trước. Theo đánh giá của 43 tổ chức tín dụng (TCTD), đến giữa tháng 2, dự kiến dư nợ có khả năng bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 chiếm khoảng 13% dư nợ của các TCTD này, tương đương khoảng 950 nghìn tỷ đồng. Trong đó, các NHTM nhà nước đánh giá dư nợ bị ảnh hưởng gần 600 nghìn tỷ đồng.

Hiện NHNN vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng, trước mắt tiếp tục bám sát diễn biến và tác động của dịch bệnh lên tăng trưởng, lạm phát để điều hành linh hoạt, thận trọng các công cụ chính sách tiền tệ; sẵn sàng điều chỉnh trạng thái chính sách tiền tệ nếu cần, hài hòa trong thực hiện mục tiêu kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế. Cùng với đó, chỉ đạo các TCTD cân đối nguồn đáp ứng đầy đủ nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành hàng có tính mùa vụ, gặp khó khăn trong tiêu thụ, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay; thường xuyên theo dõi, nắm bắt tình hình hoạt động kinh doanh của khách hàng để kịp thời có biện pháp hỗ trợ như cơ cấu thời hạn trả nợ, xem xét miễn, giảm lãi,...

Tuy nhiên, vấn đề vướng mắc là theo quy định, chỉ có khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn gặp khó khăn trong trả nợ vay do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng mới được các TCTD xem xét cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định. Thế nhưng, thực tiễn cho thấy, tác động của đợt dịch bệnh này ảnh hưởng không chỉ khách hàng lĩnh vực nông nghiệp mà còn tới nhiều ngành, lĩnh vực khác, trong khi các khoản nợ đó lại chưa có cơ chế đặc thù như nông nghiệp, nông thôn.

Hiện các quy định về hoạt động tín dụng theo thông lệ quốc tế, nên khi thực hiện cơ cấu thời hạn trả nợ đối với các khoản vay này, TCTD phải phân loại vào nhóm nợ cao hơn, dẫn tới điểm xếp hạng tín dụng bị sụt giảm, sẽ gặp khó khăn khi vay mới. Việc chuyển nhóm nợ ảnh hưởng chất lượng danh mục tín dụng, làm tăng trích lập dự phòng, nợ xấu, giảm hiệu quả hoạt động kinh doanh của TCTD.

Vì vậy, nếu chỉ nỗ lực từ phía ngân hàng trong cung ứng vốn để hỗ trợ người dân, DN là chưa đủ. Theo đại diện lãnh đạo NHNN, để tạo điều kiện cho các TCTD, có thể đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ cho khách hàng vay bị ảnh hưởng, Chính phủ cần cho phép đối tượng khách hàng chưa trả được nợ vay ngân hàng đến hạn do ảnh hưởng của dịch được hưởng cơ chế cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ tương tự như đối với khách hàng vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trên cơ sở chấp thuận của Chính phủ, NHNN sẽ chỉ đạo, hướng dẫn các TCTD thực hiện cụ thể.