Cuộc đua lãi suất nóng dần về cuối năm

Theo Mai Phương/tapchithue.com.vn

Dù 2018 được xem năm yên ả với thị trường lãi suất, song những ngày này dường như điều đó đã thay đổi, khi không ít ngân hàng đã bất ngờ tăng lãi suất huy động và xu hướng này đang nóng dần về cuối năm.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Theo quan sát của phóng viên, những ngày qua, nhiều ngân hàng đã liên tục gia tăng lãi suất huy động. Trong số này, đáng chú ý là Ngân hàng Thương mại cổ phần (TMCP) Sài Gòn - Hà Nội (SHB), ngày 20/11, đã tăng lãi suất huy động lên bậc thang 0,6%/năm so với mức trước đó. Trong đó, lãi suất huy động tiền đồng cao nhất là 7,8%/năm đối với gói tiền gửi 5 tỷ đồng trở lên đối với kỳ hạn 12 tháng; riêng kỳ hạn từ 6 - 11 tháng có mức từ 7,4 - 7,6%/năm - tùy theo số tiền gửi.

Trước đó, SHB cũng đã tăng lãi suất huy động VNĐ 0,1%/năm ở các kỳ hạn ngắn từ 3 - 5 tháng. Tương tự, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng vừa tăng lãi suất huy động tiền đồng ở một số kỳ hạn thêm 0,1%/năm, với mức cao nhất là 7,3%/năm. Ngoài ra, việc VietinBank, BIDV gia tăng lãi suất huy động từ 0,1 - 0,3%/năm cũng đã khiến nhiều ngân hàng có quy mô nhỏ hơn ngồi không yên.

Điển hình là Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đã tăng thêm 0,1 - 0,2%/năm, với lãi suất huy động cao nhất áp dụng ở kỳ hạn 36 tháng là 7,7%/năm. Trước đó cuối tháng 10, Techcombank cũng tăng nhẹ 0,1 điểm% lãi suất ở một số kỳ hạn, với kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng dao động từ 4,8 – 5,2%/năm; kỳ hạn 6 – 11 tháng là 6 – 6,2%/năm và cao nhất là 7,1%/năm cho các khoản tiền gửi trên 12 tháng.

Không chỉ có vậy, ở nhóm ngân hàng liên doanh và chi nhánh ngân hàng nước ngoài lãi suất huy động hiện nay cũng có mặt bằng cao đáng kể so với các tháng trước và cũng cao hơn mức trung bình của các ngân hàng trong nước. Chẳng hạn, Indovina – ngân hàng liên doanh đầu tiên có mặt tại Việt Nam, lãi suất huy động từ 1 đến dưới 6 tháng đang là 4,8-5,4%/năm còn trên 1 năm có lãi suất 7,5 – 7,8%/năm. 

Còn trên thị trường liên ngân hàng, theo báo cáo mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cũng tiếp tục tăng ở một số kỳ hạn. Hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng đang được áp dụng kỳ hạn qua đêm 4,74%/năm, kỳ hạn 1 tuần đến 1 tháng cao nhất là 5,8%/năm.

Như vậy, có thể thấy, xu hướng gia tăng lãi suất của các ngân hàng ngày một rõ. Đây là điều bất lợi, bởi cuối năm là thời điểm DN cần vốn để sản xuất. Nhìn nhận về vấn đề này, giới chuyên gia cho rằng, như mọi năm, việc tăng lãi suất ở thời điểm cuối năm chỉ mang tính thời vụ.

Tuy nhiên, với sự điều chỉnh đi lên nhiều lần từ tháng 8 tới nay, thì việc tăng lãi suất ở các ngân hàng, kết hợp với lãi suất trên liên ngân hàng lên cao, còn phản ánh khía cạnh thanh khoản của hệ thống có biểu hiện căng thẳng. Dấu hiệu này của thanh khoản còn được thể hiện rõ ở khía cạnh điều tiết nguồn tiền của NHNN các tuần qua khi cơ quan quản lý liên tục bơm ròng. 

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc lãi suất huy động tăng ở thời điểm này cũng là điều khó tránh khỏi, khi không ít ngân hàng phải đẩy mạnh huy động vốn dài hạn để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của NHNN áp dụng từ 1/1/2019.

Bên cạnh đó, theo tính toán của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, từ nay đến cuối năm 2020, các ngân hàng phải tăng vốn tự có dự kiến gấp 1,8 - 2 lần mới có thể đáp ứng quy định của Basel II. Đó cũng là lý do thị trường đang chứng kiến những đợt tăng vốn của hàng loạt ngân hàng thương mại thông qua việc phát hành cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.