Cuối 2020, nợ xấu có thể cao hơn 3,67%


Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, nợ xấu chỉ có thể tăng chứ rất khó giảm, Ngân hàng Nhà nước đánh giá một cách thận trọng, dự kiến ở mức 3,67% vào cuối năm 2020 và còn có thể cao hơn.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Sáng 5/5, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã họp thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 2019, kết quả thực hiện những tháng đầu năm 2020.

Doanh nghiệp khó, nợ xấu tăng

Nhấn mạnh những vấn đề cần lưu ý của nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho rằng, nợ xấu rõ ràng là chỉ có tăng, khó có thể giảm được, bởi kinh tế khó khăn, doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng đến 33,6% so với cùng kỳ, rất khó có tiền trả nợ.

Ông Thanh cũng nhấn mạnh đến con số 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng, chiếm khoảng 23% dư nợ toàn hệ thống sẽ tiềm ẩn rủi ro đối với hoạt động ngân hàng. Trong khi đó, hồ sơ để tăng vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có kịp trình Quốc hội hay không vẫn chưa rõ.

Hồi âm những vấn đề này, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nói, Covid-19 đã tác động toàn diện đến người dân và doanh nghiệp, trong đó có các ngân hàng.

Về nợ xấu, theo Phó thống đốc thì chưa biết dịch bệnh diễn biến thế nào, nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, trong khi các nước chưa kiểm soát được dịch, nên các doanh nghiệp gặp khó, không có khả năng trả nợ, nợ xấu sẽ tăng, có thể cao hơn 3,67% vào cuối năm nay. Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát và báo cáo kịp thời.

Trước đó, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng đưa ra dự báo nợ xấu cuối năm 2020 khoảng 4% và như vậy các ngân hàng sẽ phải trích lập dự phòng rủi ro tương đối nhiều.

Về phương án tăng vốn cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó thống đốc Nguyễn Thị Hồng cập nhật tiến độ là đã trình lên Chính phủ và Bộ Tài chính đã đưa ra vài phương án. Nhưng vẫn vướng, vì hiện chưa có quy định dùng ngân sách để tăng vốn điều lệ cho ngân hàng nên Chính phủ sẽ trình Quốc hội ra nghị quyết để có cơ sở thực  hiện.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Dương Quốc Anh cho rằng, nghị quyết của Quốc hội có thể sửa, nhưng quan trọng nhất là phải chỉ được ra nguồn để tăng.

Hai triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19

Với 2 triệu tỷ đồng dư nợ tín dụng dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước được gửi đến Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, phục vụ phiên thẩm tra cho biết con số cụ thể của một số ngành kinh tế bị ảnh hưởng.

Lớn nhất là kinh doanh khoáng sản, nhiên liệu, nguyên vật liệu xây dựng, kinh doanh ô tô và phụ tùng, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 548.000 tỷ đồng, chiếm 6,6% tổng dư nợ.

Con số tương tự của công nghiệp chế biến chế tạo lên đến 520.000 tỷ đồng, chiếm 6,3% tổng dư nợ.

Hoạt động dịch vụ khác (sửa chữa các thiết bị, đồ dùng gia dụng, dịch  vụ phục vụ tăng cường sức khoẻ, giặt là, cắt tóc, hiểu hỉ...) dư nợ tín dụng ảnh hưởng khoảng 260.000 tỷ đồng, chiếm 3,1% tổng dư nợ.

Nông lâm nghiệp và thuỷ sản bị ảnh hưởng khoảng 157.000 tỷ đồng, chiếm 1,9% dư nợ, tập trung chủ yếu vào các ngành hàng rau quả, thuỷ sản, cao su, cà phê, chè, hạt tiêu.

Với hoạt động kinh doanh bất động sản, dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 145.000 tỷ đồng, chiếm 1,75% tổng dư nợ.

139.000 tỷ đồng là dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng trong lĩnh vực vận tải, con số tương tự trong lĩnh vực dich vụ lưu trú, ăn uống, du lịch là 169.000 tỷ đồng.

Đáng chú ý là các dự án BOT, BT giao thông dư nợ tín dụng bị ảnh hưởng khoảng 110.000 tỷ đồng, chiếm 1,35% tổng dư nợ.

Khai khoáng dư nợ bị ảnh hưởng khoảng 45.000 tỷ đồng, chiếm 0,5%, tập trung chủ yếu vào dư nợ đối với khai thác than, dầu thô, quặng kim loại...

Về hoạt động tín dụng đầu năm 2020, báo cáo chung của Chính phủ cho biết, đến ngày 14/4/2020, huy động vốn tăng 0,55% so với cuối năm 2019, tín dụng tăng nhẹ (0,74%) so với cuối năm 2019. Ngân hàng đã kịp thời triển khai các giải pháp về miễn, giảm lãi, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, không chuyển nhóm nợ, tiếp tục cho vay mới cho khách hàng bị ảnh hưởng, tập trung vào doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xuất nhập khẩu, nông nghiệp, nông thôn, vận tải, du lịch, dệt may, da giày, linh kiện điện tử.

Định hướng điều hành thời gian tới, báo cáo của Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ chỉ đạo các tổ chức tín dụng chủ động xây dựng các kịch bản kinh doanh chi tiết nhằm đảm bảo hoạt động kinh doanh liên tục, không để gián đoạn trong mọi tình huống.