Đằng sau lý do tăng lãi suất của các ngân hàng thương mại là gì?

Theo Ngọc Toàn/ttvn.vn

Trong quý I/2019, NHNN đã hút ròng 80.689 tỷ đồng thông qua thị trường mở nhưng cũng mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD – đồng nghĩa với khoảng 150 nghìn tỷ đồng được bơm ra...

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Báo cáo thị trường tiền tệ tháng 3/2019 vừa công bố của Nhóm phân tích và tư vấn khách hàng cá nhân thuộc Công ty chứng khoán SSI (SSI Retail Research) cho biết, trong tháng 3 vừa qua, NHNN đã hút ròng tổng cộng 24.237 tỷ đồng trong đó có 19.337 tỷ đồng qua kênh OMO và 4.900 tỷ đồng qua kênh tín phiếu.

Tính chung cả quý I/2019, NHNN hút ròng 80.689 tỷ đồng thông qua thị trường mở nhưng cũng mua vào khoảng hơn 6 tỷ USD – đồng nghĩa với khoảng 150 nghìn tỷ đồng được bơm ra. Bên cạnh đó, số tiền Kho bạc Nhà nước vẫn ứ đọng tại các NHTM khi lượng TPKB phát hành mới Q1/2019 là 69.469 tỷ đồng mà lượng vốn đầu tư công được giải ngân chỉ khoảng 49.800 tỷ đồng. Tại cuối năm 2018, chỉ tính riêng lượng vốn KBNN gửi tại Vietcombank, BIDV và Vietinbank đã lên đến trên 216.700 tỷ đồng.

Thanh khoản dồi dào đặc biệt tại các ngân hàng lớn đã khiến cho lãi suất trên liên ngân hàng giảm liên tục từ sau Tết Nguyên đán, chạm mức đáy 5 tháng là 3,18%/năm với kỳ hạn qua đêm vào ngày 20/3 sau đó tăng trở lại khi NHNN phát hành tín phiếu kỳ hạn 7 ngày, lãi suất 3%/năm sau gần 5 tháng không phát hành và hơn 2 tháng duy trì số dư tín phiếu bằng 0. Một lần nữa, lãi suất tín phiếu lại được chứng minh là ngưỡng chặn dưới đối với lãi suất qua đêm trên liên ngân hàng. Lãi suất trên liên ngân hàng hiện duy trì ổn định quanh mức 4,1-4,3%/năm với kỳ hạn qua đêm và 4,3-4,5%/năm với kỳ hạn tuần, chênh lệch lãi suất USD-VND được duy trì ở mức 1,5-1,7%/năm.

Trên thị trường 1, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng khoảng 20-30 điểm cơ bản (bps) ở các kỳ han trên 6 tháng tại một số ngân hàng, duy trì ở mức 4,3-5,5%/năm với kỳ hạn từ 1 đến dưới 6 tháng, 5,5-7,5% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-8%/năm với kỳ hạn 12,13 tháng. 

Thực tế khảo sát của chúng tôi ở hơn 30 ngân hàng trong nước và các ngân hàng liên doanh cho thấy, các khoản tiền gửi 1 tháng và 2 tháng thì các ngân hàng lớn của Nhà nước đều huy động dưới 5% trong khi các ngân hàng tư nhân là 5,2 - 5,5%/năm. 

Ở kỳ hạn 6 tháng, lãi suất cao nhất đang thuộc về VIB với 7,5%/năm cho các khoản tiền trên 100 triệu, tiếp theo sau là Bản Việt và Ngân hàng Quốc Dân huy động 7,4%/năm, VPBank lãi suất là 7%/năm trong khi các nhà băng khác như ACB, Techcombank, HDBank, SHB, Sacombank, MSB, ABBank lãi suất phổ biến từ 6,2 – 6,9%/năm. Nhóm BIDV, Vietcombank, VietinBank, Agribank trả lãi 5,5 – 5,6%/năm.

Ở kỳ hạn 9 tháng đến dưới 1 năm, lãi suất từ 5,5  đến 7,8%/năm, trong đó mức cao nhất đang thuộc về Ngân hàng Bắc Á và Ngân hàng Bản Việt còn thấp nhất thuộc về Vietcombank và VietinBank. 

Ở kỳ hạn dài 12 tháng trở lên, lãi suất cho các khoản tiền gửi thông thường ở các ngân hàng phổ biến là 6,9 – 7,9%/năm, chẳng hạn Indovina Bank là 7,7 - 7,9%/năm; ở VPBank là 7 – 7,8%/năm; ở VIB là 7,6 – 7,9%...Nhưng cũng với kỳ hạn dài, nếu người gửi tiền có các khoản lớn hoặc gửi theo những chương trình huy động riêng của ngân hàng (chủ yếu yêu cầu khách hàng không được rút trước hạn), hoặc chứng chỉ tiền gửi thì lãi suất còn cao hơn nữa, và thống kê của chúng tôi cho thấy đã có hơn chục ngân hàng đẩy lãi suất cao nhất của của họ lên trên 8%/năm.

Theo nhóm phân tích của SSI, lãi suất neo cao ở mặt bằng đã được tạo lập từ cuối tháng 12/2018 đến nay ngoài lý do gia tăng huy động, đáp ứng yêu cầu giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn còn bởi vì nhiều NHTM chuyển hướng đẩy mạnh cho vay đối tượng khách hàng cá nhân với lãi suất cho vay tốt, đảm bảo mức sinh lời cần thiết nên có cơ sở để duy trì lãi suất huy động cao. Trong bối cảnh đó, các ngân hàng khác cũng phải duy trì lãi suất tốt để không bị mất thị phần huy động.