Đối tượng hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa được thống kê đầy đủ

Theo H.Chung/TTXVN

Đến nay, đối tượng hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa được thống kê, quản lý đầy đủ.

Đối tượng hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa được thống kê đầy đủ.
Đối tượng hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa được thống kê đầy đủ.

Trong thời gian qua, hoạt động tài chính vi mô đã đạt được nhiều kết quả khả quan, nhiều hộ nghèo, người có thu nhập thấp được tiếp cận nguồn tài chính hợp pháp, góp phần xóa đói giảm nghèo, đẩy lùi tín dụng đen ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, hoạt động tài chính vi mô tại Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức không nhỏ.

Tại Hội thảo hoạt động tài chính vi mô ở các tỉnh phía Nam, do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) tổ chức ở Tp. Hồ Chí Minh ngày 11/9, đại diện Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cho biết, qua công tác thanh tra của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố đối với một số chương trình, dự án tài chính vi mô cho thấy, hoạt động này còn một số khó khăn, tồn tại liên quan đến việc xác định đối tượng được cấp giấy chứng nhận đăng ký; thời hạn hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô; xác định vốn được cấp…

Đến nay, đối tượng hoạt động tài chính vi mô vẫn chưa được thống kê, quản lý đầy đủ.

Bởi lẽ, các chương trình, dự án tài chính vi mô bán chính thức như tổ chức phi chính phủ, các chương trình là một phần của các dự án phát triển hoặc do các tổ chức đoàn thể tiến hành thường không được đăng ký là tổ chức tài chính và thường hoạt động ngoài vòng giám sát của Ngân hàng Nhà nước, không có địa vị pháp lý chính thức.

Trong khi đó, số lượng các chương trình, dự án tài chính vi mô bán chính thức tại Việt Nam hiện rất lớn và đa dạng, hoạt động trải dài trên khắp cả nước.

Các chương trình, dự án tài chính vi mô thường tồn tại và hoạt động dưới nhiều hình thức, dẫn đến tình trạng hoạt động tự phát. Đồng thời, các dự án này thường hoạt động ở vùng sâu, vùng xa, không thống nhất nên khó nắm được thực trạng, gây khó khăn cho đơn vị quản lý nhà nước trong việc cấp phép, thanh tra, giám sát và xử lý vi phạm.

Mặt khác, hiện hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam chịu sự điều chỉnh về mặt pháp luật theo Luật Các tổ chức tín dụng và chủ yếu là Quyết định 20/2017/QĐ-TTg quy định về hoạt động của chương trình, dự án tài chính vi mô của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức phi chính phủ.

Tuy nhiên, Quyết định 20/2017/QĐ-TTg không có quy định, chế tài xử lý đối với trường hợp các tổ chức thuộc đối tượng đăng ký chương trình, dự án tài chính vi mô nhưng không thực hiện việc đăng ký. Thực tế qua báo cáo ở nhiều địa phương đã xảy ra tình trạng này nhưng lại không có chế tài xử lý…

Trước những khó khăn trên, để quản lý hiệu quả các chương trình, dự án tài chính vi mô, bà Quách Tường Vi, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng cho biết, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu hướng điều chỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét chủ trương sửa đổi một số quy định tại Quyết định 20/2017/QĐ-TTg cho phù hợp với tình hình phát triển thực tế của hoạt động này hiện nay.

Theo định hướng quan điểm về quản lý nhà nước, các chương trình, dự án tài chính vi mô sẽ được chia làm 3 nhóm để quản lý. Đó là các chương trình dự án đã hoạt động nhưng không huy động tiết kiệm tự nguyện; dự án đã có huy động tiết kiệm tự nguyện và các dự án đăng ký mới.

Riêng đối với các chương trình, dự án có huy động tiết kiệm tự nguyện sẽ được phân thành 2 loại. Cụ thể, để tiếp tục huy động tiết kiệm tự nguyện, chương trình dự án bắt buộc phải chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô theo một lộ trình cụ thể và tuân thủ các quy định hiện hành đối với tổ chức vi mô để đảm bảo hoạt động chuyên nghiệp, lành mạnh và an toàn.

Đối với các chương trình, dự án không có nhu cầu hoặc không có đủ khả năng chuyển đổi thành tổ chức tài chính vi mô thì cho phép thời hạn chuyển tiếp để giảm dần số dư tiền gửi tiết kiệm tự nguyện, đảm bảo sau thời gian chuyển tiếp không còn số dư tiết kiệm tự nguyện.

Để đảm bảo hoạt động tài chính vi mô ở Việt Nam phát triển lành mạnh, bà Lê Thanh Tâm, chuyên gia tài chính toàn diện của Ngân hàng phát triển Châu Á (ADB) cho rằng, các chương trình, dự án tài chính vi mô phải có đầy đủ các quy định nội bộ về bảo vệ khách hàng. Đồng thời, hàng năm phải thực hiện kiểm toán ngoài, cung cấp báo cáo này cho các cơ quan quản lý…

Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện có 75 chương trình, dự án tài chính vi mô tại 35 tỉnh, thành được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động. Tính đến cuối 2018, tổng vốn được cấp của các dự án này là hơn 800 tỷ đồng, với tổng dư nợ cho vay gần 1.600 tỷ. Tỷ lệ nợ quá hạn trung bình là 0,33%, hầu hết các dự án đều có thu nhập lớn hơn chi phí…