Đồng bộ giải pháp khơi thông “dòng chảy” kiều hối về Việt Nam

Thùy Linh

Ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tình hình kinh tế trên thế giới ngày càng xấu đi, kinh tế thế giới năm 2020 dự kiến sẽ tăng trưởng âm 5%. World Bank dự đoán, năm 2020, lượng kiều hối toàn cầu giảm khoảng 20%, khu vực Đông Á và Thái Bình Dương giảm 13%, trong đó Việt Nam cũng sẽ cũng bị ảnh hưởng.

Theo World Bank, thời gian tới, kiều hối tiếp tục là nguồn thu nhập quan trọng đối với các quốc gia có thu nhập thấp, các quốc gia đang phát triển, bao gồm cả Việt Nam.

Tuy nhiên, để khắc phục xu hướng sụt giảm dòng kiều hối về Việt Nam bởi tác động dịch Covid-19 bùng phát và lan rộng trên khắp toàn cầu hiện nay, trong thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Thứ nhất, Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực, để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

Nhà nước cần thực thi các chính sách nhằm định hướng hoặc tạo động lực, để kiều hối đầu tư vào khu vực sản xuất và các lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực như giáo dục và sức khỏe cộng đồng... nhằm tạo ra các hiệu ứng phát triển tích cực về dài hạn cho đất nước.

Đặc biệt, cần tiếp tục có chính sách mở rộng cho vay vốn, tạo điều kiện cho lao động Việt Nam đi xuất khẩu lao động nước ngoài và khuyến khích mọi thành phần kinh tế mở rộng thị trường xuất khẩu, địa bàn hoạt động kinh doanh ở cả trong và ngoài nước.

Cùng với đó, tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh, môi trường kinh doanh thuận lợi sẽ tạo cơ hội gia tăng hiệu quả đầu tư, cũng như sức cạnh tranh của doanh nghiệp… Muốn vậy, Việt Nam cần tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, hạn chế thay đổi đột ngột các quy định trong hoạt động đầu tư, nới lỏng các quy định, điều khoản, thủ tục hành chính.

Thứ hai, tạo lập hạ tầng tài chính vững mạnh với các tổ chức tài chính hoạt động an toàn, hiệu quả, cung cấp đa dạng các dịch vụ tài chính. Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu chi tiết hơn để có căn cứ cho việc thực hiện chính sách tỷ giá, lãi suất và các chính sách khuyến khích đầu tư phù hợp, trên cơ sở đó, có thể định hướng cho việc khai thác và sử dụng kiều hối hiệu quả hơn trong tương lai.

Cụ thể, trong điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối, cần tiếp tục thực hiện theo tín hiệu thị trường, phù hợp với diễn biến lãi suất, cân đối hài hòa cung cầu ngoại tệ và thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, giảm dần tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế.

Các ngành có liên quan như quản lý thị trường, thanh tra, cơ quan thông tin đại chúng cũng cần phối hợp với hệ thống ngân hàng kểm soát chặt chẽ tình trạng bán hàng thu bằng ngoại tệ và niêm yết giá hàng hóa, dịch vụ bằng ngoại tệ trái phép…

Ngoài các giải pháp trên, để tiếp tục thu hút kiều hối giai đoạn này, các ngân hàng thương mại trong nước cũng cần có chính sách hỗ trợ việc giảm chi phí về chuyển tiền, thực hiện đơn giản hóa quy rình để đảm bảo chuyển tiền nhanh, thuận lợi cho người gửi tiền và người nhận kiều hối cũng an tâm hơn.

Các công ty chuyển tiền, ngân hàng thương mại cũng cần nâng cao giới thiệu, phổ biến, áp dụng các nền tảng kỹ thuật số của chuyển tiền trực tuyến và dịch vụ ngân hàng, tạo điều kiện cho người dân nhập cư thuận lợi chuyển kiều hối về nước.

Thứ ba, đẩy mạnh công tác truyền thông nhằm cung cấp thông tin kịp thời, chính xác cho người Việt Nam ở nước ngoài về tình hình đất nước và chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước để khuyến khích, tạo điều kiện cho bà con kiều bào trở về thăm quê hương, đầu tư sản xuất - kinh doanh, góp phần vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Cùng với đó, tăng cường hơn nữa sự gắn bó của người Việt Nam ở nước ngoài với đất nước; tiếp tục quán triệt và xem người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời, một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thông qua người Việt Nam ở nước ngoài, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền và vận động bạn bè quốc tế quan tâm, đầu tư vào Việt Nam.