Dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD
Đó là thông tin được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương ngày 10/4.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong quý I/2020, ngàng Ngân hàng đã điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để duy trì ổn định vĩ mô, trong đó lạm phát đang có xu hướng giảm, năm nay có khả năng đảm bảo kiểm soát lạm phát cả năm 2020 dưới 4% như mục tiêu đề ra.
Bên cạnh đó, công tác điều hành tỷ giá đã được NHNN chuẩn bị nhiều kịch bản ứng phó trước những biến động trong nước và quốc tế. Theo đó, tỷ giá trong quý I/2020 dao động 1,2-1,5%, ổn định so với biến động của khu vực cũng như thế giới.
Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng. tính đến hết tháng 3/2020, dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD.
Dư nợ tín dụng 3 tháng đầu năm tăng 1,3%, đạt hơn 8,3 triệu tỷ đồng, dù có thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, nhưng sự cải thiện đã cho thấy tín hiệu tích cực qua từng tháng. Cụ thể, tín dụng tháng 1 tăng 0,1%; tháng 2 tăng 0,07%; tháng 3 tăng 1,1%. Tín dụng toàn hệ thống dự kiến tăng 11-14% trong cả năm 2020.
Theo đánh giá sơ bộ của NHNN, dư nợ dự kiến bị ảnh hưởng bởi Covid-19 khoảng 2 triệu tỷ đồng, chiếm 23% dư nợ toàn hệ thống, tiềm ẩn rủi ro với hoạt động ngân hàng.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, NHNN đã yêu cầu các tổ chức tín dụng đồng loạt giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp với khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, mức giảm lãi suất phổ biến 2 - 2,5%/năm.
Thị trường ngoại hối của Việt Nam hoạt động thanh khoản được đảm bảo, tất cả các nhu cầu ngoại tệ của nền kinh tế đều được đáp ứng. tính đến hết tháng 3/2020, dự trữ ngoại hối đạt 84 tỷ USD, so với cuối năm 2019, Việt Nam đã mua vào thêm hơn 5 tỷ USD.
Tổng gói tín dụng mà ngành Ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp, cá nhân hơn 300.000 tỷ đồng. Trong đó, các tổ chức tín dụng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho trên 52.000 khách hàng với số tiền gần 18.000 tỷ đồng, miễn, giảm lãi cho gần 6.500 khách hàng với dư nợ gần 126 nghìn tỷ đồng và cho vay mới 65.208 tỷ đồng với 354.286 khách hàng...
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, các mục tiêu đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá trong những năm qua là yếu tố hết sức then chốt để tăng sức chống chịu của nền kinh tế, nếu không có sự ổn định vĩ mô duy trì được trong những năm vừa qua thì tác động của dịch bệnh lên nền kinh tế Việt Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn.
Trong thời gian qua, trước tình trạng bùng phát của địch bệnh toàn cầu Covid-19 ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội, nhưng sự nỗ lực và vào cuộc quyết liệt của Chính phủ cũng như các bộ, ngành trong tập trung kiểm soát tốt lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô đã góp phần giảm thiểu tác động tiêu cực đến đời sống của người dân. Đây cũng là nền tảng quan trọng và then chốt, là cơ sở thúc đẩy nền kinh tế bật mạnh sau khi kết thúc dịch.