Fed tăng lãi suất liên tục, ngân hàng Việt có chịu tác động?

Theo Diễm Ngọc/diendandoanhnghiep.vn

Theo chuyên gia, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại sẽ thay đổi, quan trọng là chúng ta sẽ điều chỉnh ở mức nào, nhiều hay ít và các kỳ hạn ra sao.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Fed có thể tăng lãi suất cao hơn dự kiến

Phát biểu vào ngày 17/5 vừa qua, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell đã nhắc lại rằng, Fed sẽ tăng lãi suất lên các mức cao cần thiết, có thể là trên mức trung lập.

Hiện lạm phát tại Mỹ được dự báo ở mức trung bình 7,1% trong năm nay và vẫn trên mức mục tiêu 2% của Fed ít nhất là đến năm 2024. Tại cuộc họp chính sách gần đây nhất, Fed đã quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 50 điểm cơ bản lên biên độ mới từ 0,75-1%. Quyết định tăng lãi suất điều hành thêm 0,5% đánh dấu mức tăng mạnh nhất được thực hiện trong một cuộc họp duy nhất kể từ tháng 5/2000.

Mức lãi suất theo dự báo trên vượt con số trung lập ước khoảng 2,4%, mức không kích thích và cũng không hạn chế hoạt động kinh tế.

Kể từ khi Fed tăng lãi suất, toàn bộ thị trường chứng khoán toàn cầu đã sụt giảm nghiêm trọng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, dòng tiền đổ vào chứng khoán suy giảm do nhiều nguyên nhân, mà lớn nhất là do bất ổn nội tại của các thị trường, chứ không phải do tác động của Fed. Việt Nam vẫn được coi là thị trường hấp dẫn đầu tư, bất kể ảnh hưởng dây chuyền của việc Fed tăng lãi suất, chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước trong năm nay vẫn thực hiện theo hướng hỗ trợ cho doanh nghiệp phục hồi. Trong đó có thể sẽ sử dụng các công cụ thông qua thị trường mở để hỗ trợ thanh khoản, hoặc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại.

Về cơ bản, việc tăng lãi suất của Fed sẽ ảnh hưởng đến chi phí vốn trên thị trường quốc tế ở thời điểm hiện tại, cùng với đó, áp lực về chi phí vốn cũng đang đè lên một số các ngân hàng khi lãi suất huy động trên thị trường đang có dấu hiệu tăng trở lại. Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc phân tích CTCK VPS cho rằng, kể từ năm ngoái, kỳ họp của Fed đã đưa ra những quan điểm tương đối “diều hâu”, nghĩa là họ sẽ tăng lãi suất với tần suất liên tục. Trong các kỳ họp tháng 3 và tháng 5, đã có những đồn đoán rằng Fed có thể tăng 0,75% lãi suất và tăng liên tục trong các kỳ họp tới. Rõ ràng, Fed đang thể hiện những động thái mang tính gấp rút trước áp lực lạm phát tăng cao.

Như vậy, tốc độ tăng lãi suất trong thời gian tới sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát. Do đó, lãi suất huy động ở các ngân hàng thương mại tại Việt Nam nhích lên không phải là xu hướng, mà tùy thuộc vào mức độ thanh khoản từ ngân hàng thương mại, cộng thêm yếu tố lạm phát tâm lý. Song, với quan điểm điều hành chính sách tiền tệ theo hướng ổn định của Ngân hàng Nhà nước và bắt đầu triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp, thì nếu lãi suất cho vay tăng, việc hỗ trợ sẽ không còn nhiều ý nghĩa.

Tác động đến ngân hàng Việt

Cũng theo ông Khánh, trong bối cảnh vĩ mô đang tương đối nhạy cảm, các Ngân hàng Trung ương phải nhìn ngó các nước lớn điều hành chính sách như thế nào để có những bước đi phù hợp, tránh ảnh hưởng đến câu chuyện về tỷ giá hay các hoạt động tăng lãi suất quá đột ngột, gây ra những cú sốc trên thị trường.

“Việt Nam đã rục rịch tăng lãi suất ở một số ngân hàng, vì thế chắc chắn, chính sách điều hành tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại cũng sẽ điều chỉnh lãi suất huy động cho vay. Đó là điều tất yếu, nhưng điểm quan trọng là chúng ta sẽ điều chỉnh ở mức nào, tăng nhiều hay tăng ít và các kỳ hạn ra sao; rõ ràng chính sách tiền tệ của Việt Nam cũng sẽ thay đổi”, ông Khánh nhận định.

Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để giảm lãi suất, tiếp tục rà soát cơ chế, thủ tục cho vay phù hợp hơn với thực tiễn thị trường và tình hình mới, nhưng vẫn đảm bảo chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống để hỗ trợ các doanh nghiệp được vay vốn ngân hàng thuận lợi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Trao đổi với báo chí, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết, không chỉ bởi vấn đề Fed tăng lãi suất mà nền kinh tế Việt Nam đang bị ảnh hưởng bởi những yếu tố bên ngoài, như chuỗi cung ứng toàn cầu đang giảm, chính sách COVID-19 chặt chẽ ở Trung Quốc đã tác động rất nhiều đến kinh tế Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch. Chúng ta cũng chứng kiến xung đột giữa Nga và Ukraine đang diễn ra, không chỉ ảnh hưởng đến châu Âu mà đó còn chính là thị trường của các sản phẩm Việt Nam đang bị ảnh hưởng. Tất cả những điều này đều không liên quan đến Việt Nam, nghĩa là Việt Nam không thể làm gì khác... Đây cũng là lý do vì sao các tổ chức như Ngân hàng Thế giới hoặc các ngân hàng tư nhân đánh giá giảm triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

“Thật khó để đưa ra lời khuyên cho các ngân hàng Việt Nam lúc này, bởi phần lớn họ sẽ hoạt động theo chính sách tài khóa của chính phủ Việt Nam, cũng như một số chính sách chung toàn cầu. Chúng ta đều mong đợi Chính phủ sẽ hạ lãi suất xuống mức thấp, điều đó có lợi cho doanh nghiệp, cho người tiêu dùng, cũng như sự phát triển kinh tế. Nhưng lãi suất và lạm phát là hai thứ khá biến động và người gửi tiền luôn mong muốn được hưởng mức lãi suất cao hơn. Ở Việt Nam, các ngân hàng cần thời gian để phục hồi sau những tác động không mong muốn bởi dịch bệnh và đã có quá nhiều khoản nợ cần phải thu hồi.

Cũng không thể phủ nhận, ngành ngân hàng tại Việt Nam là một trong những lĩnh vực đang có cạnh tranh rất cao. Các ngân hàng vẫn đạt được lợi nhuận tốt, duy trì được doanh nghiệp hoạt động vững vàng trong nhiều năm và luôn nằm trong nhóm phát triển hàng đầu. Do đó, các ngân hàng Việt Nam chỉ cần cố gắng thích nghi tốt với những điều kiện của thị trường và mạnh mẽ tiến về phía trước là đủ”, ông Adam Sitkoff bày tỏ.

Theo khảo sát của Reuters tiến hành với 89 nhà kinh tế vào các ngày 12 - 18/5, các nhà kinh tế gần như đồng thuận trong dự báo của Fed sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản từ mức 0,75 - 1% hiện nay tại cuộc họp vào tháng 6, sau động thái tương tự vào đầu tháng này. Một nhà kinh tế nhận định mức tăng 75 điểm cơ bản. 54/89 nhà kinh tế cho rằng, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản vào tháng 7, trước khi tăng 25 điểm cơ bản tại các cuộc họp còn lại trong năm nay. Tuy nhiên, 18 nhà kinh tế dự báo mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng 9. Đa phần các nhà kinh tế nhận định lãi suất sẽ vào khoảng 2,5 - 2,75% hoặc cao hơn vào cuối năm nay, sớm hơn 6 tháng so với dự báo trong cuộc khảo sát trước và gần như đúng với kỳ vọng của thị trường về khoảng lãi suất 2,75 - 3%.