Giảm lãi suất trong ngắn hạn

Theo Đỗ Linh/saigondautu.vn

Sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH, 4 NHTM có vốn nhà nước đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Tuy nhiên, thông tin này không gây ấn tượng mạnh, vì năm 2018 nhiều NHTM cũng công bố giảm lãi vay, nhưng mặt bằng lãi vay những tháng cuối năm đã tăng, tạo nhiều áp lực trong năm 2019.

Khách hàng giao dịch tại ngân hàng.
Khách hàng giao dịch tại ngân hàng.

Tuy nhiên, thông tin này không gây ấn tượng mạnh, vì năm 2018 nhiều NHTM cũng công bố giảm lãi vay, nhưng mặt bằng lãi vay những tháng cuối năm đã tăng, tạo nhiều áp lực trong năm 2019.

Giảm theo hiệu ứng chỉ đạo?

Ngày 9/1, Vietcombank thông báo áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ ở mức tối đa 6%/năm, giảm 0,5% so với mức trần quy định của NHNN, áp dụng cho tất cả khoản cho vay đang còn dư nợ và các khoản cho vay mới phát sinh trong năm 2019, cũng như đối với các khoản vay trung, dài hạn của doanh nghiệp (DN). Chính sách ưu đãi lãi suất này áp dụng đối với 5 lĩnh vực ưu tiên, cùng với lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và cho vay DN khởi nghiệp. 

NHNN đang đối mặt với các vấn đề giữ CPI, tỷ giá, lạm phát nên không chủ trương tăng mạnh tín dụng. Do đó, NHNN khó có thể hỗ trợ lãi vay thông qua các hình thức giảm lãi suất tái cấp vốn, lãi suất liên NH, vì làm như vậy sẽ tạo ra tín hiệu nới lỏng tín dụng và khó kiểm soát được dòng vốn ra nền kinh tế. Ngoài ra, NHNN chấm dứt cho vay ngoại tệ đối với một số nhóm DN cũng sẽ tạo áp lực lên lãi suất, khi các DN sẽ không được vay USD, dồn sang vay VNĐ trong thời gian tới. 

TS. Trần Du Lịch, 
nguyên Phó trưởng Đoàn
đại biểu Quốc hội TPHCM

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank, dư nợ 5 lĩnh vực ưu tiên đang chiếm trên 30% tổng dư nợ của NH, nên mức giảm lãi suất này chia sẻ đáng kể lợi nhuận, ước khoảng 450 tỷ đồng. Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ NH tổ chức ngày 9-1, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch HĐTV Agribank cam kết giảm 0,5% lãi suất cho vay các đối tượng ưu tiên, gồm cả cho vay trung hạn, ngắn hạn và dài hạn. 
Quyết định giảm lãi vay của Vietcombank và Agribank nhằm thực hiện Nghị quyết 01 của Chính phủ ban hành ngày 1/1/2019, và định hướng của NHNN về tăng trưởng tín dụng đi đôi với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng tín dụng, tập trung tín dụng cho các lĩnh vực sản xuất, nhất là các lĩnh vực ưu tiên.

Cũng tại hội nghị trên, 2 thành viên còn lại trong nhóm 4 NHTM có vốn nhà nước lớn nhất hệ thống là BIDV và Vietinbank cũng cam kết giảm lãi suất cho vay. Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Vietinbank, cho biết với mức giảm 0,5% lãi suất, dự kiến NH sẽ giảm lợi nhuận khoảng 700 tỷ đồng.

Đối với DN, việc NH giảm lãi suất cho vay luôn là điều đáng mừng. Tuy nhiên, theo nhiều DN lần giảm lãi suất này khó tạo ra hiệu ứng về kỳ vọng giảm mặt bằng lãi suất cho vay như năm ngoái. Bởi năm 2018 sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH, nhiều NH cũng đã đồng loạt giảm lãi suất cho vay 0,5-1%. Nhưng do các NH chỉ triển khai ngắn hạn, đã không giúp mặt bằng chung lãi suất cho vay giảm xuống như mục tiêu Chính phủ đề ra, nhất là giai đoạn nửa cuối năm 2018 lãi suất cho vay có dấu hiệu bứt tốc.

Ghi nhận từ báo cáo của CTCP Chứng khoán TPHCM (HSC), sau vài tháng đầu năm 2018 giữ nguyên mức 6-9%/năm đối với ngắn hạn, trung và dài hạn khoảng 9-11%/năm, lãi suất cho vay bắt đầu tăng vào tháng 8 và 9 khoảng 0,48%. Theo đó, lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn 7-9%/năm, trung dài hạn 9-12,5%/năm.

Theo HSC, một số NH đã nâng lãi suất cho vay trong tháng 9, như Agribank nâng lãi suất kỳ hạn ngắn thêm 0,2%, trung, dài hạn thêm 0,7-1,3%; Sacombank và VPBank nâng lãi suất ở tất cả kỳ hạn thêm 0,5-1%; Techcombank nâng lãi suất cho vay thêm 0,1-0,2% ở tất cả kỳ hạn; MB điều chỉnh tăng 0,95% lãi suất cho vay kỳ hạn ngắn; ACB nâng 0,2-0,7% lãi suất cho vay trung dài hạn. 

Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết lãi suất cho vay bình quân năm 2018 khoảng 8,91%, tăng 0,5% so với mức 8,86% của năm 2017. Đặc biệt, việc giảm lãi suất chỉ tác động đến một nhóm DN lớn, trong khi nhiều DNNVV nằm trong nhóm ngành được ưu đãi vẫn rất khó tiếp cận vốn vay NH.

Khó giảm lãi suất trong điều kiện hiện tại 

Thời gian gần đây, nhiều NH chạy đua huy động vốn bằng cách tăng lãi suất để đảm bảo thanh khoản và cân đối lại tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Đây là lo ngại lớn nhất của DN khi nói về lãi suất. Bởi chi phí đầu vào của NH tăng, DN sẽ vay với lãi suất cao hơn, trong khi phần lớn DN đều sử dụng nguồn vốn từ NH, sẽ đẩy chi phí tài chính của DN lên. 

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, còn nhiều áp lực khác lên lãi vay. Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng năm 2019 được khống chế ở mức thấp (14%), tức cung tiền sẽ thấp và theo quy luật lãi suất cho vay sẽ tăng lên. Thứ hai, Mỹ có thể tăng thêm lãi suất đồng USD đồng thời với việc thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ. Khi đó, đồng USD yếu đi, nếu giữ tỷ giá USD/VNĐ sẽ gây sức ép lên lãi suất. Ngoài ra, lãi suất liên NH cũng có xu hướng tăng, lợi suất trái phiếu chính phủ cũng tăng, là những áp lực đối với lãi suất cho vay năm 2019. 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, năm 2018 NHNN đã điều hành lãi suất phù hợp diễn biến kinh tế vĩ mô và tiền tệ, tập trung điều tiết và đáp ứng kịp thời nhu cầu thanh khoản cho các TCTD; duy trì lãi suất thị trường liên NH ở mức hợp lý, điều chỉnh giảm lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để góp phần giảm chi phí vốn cho TCTD. NHNN cũng chỉ đạo các TCTD tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng, đảm bảo an toàn tài chính trong hoạt động. 

Cũng theo bà Hồng, năm 2019, NHNN sẽ điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán; tăng cường quản lý rủi ro đối với các dự án BOT, BT giao thông, tín dụng tiêu dùng, kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ. Với cách thức điều hành hiện tại, kỳ vọng mặt bằng lãi suất nếu có tăng chỉ trong khoảng 1%. 

Đứng trước yêu cầu bức thiết về giảm lãi suất cho vay hỗ trợ DN phát triển, các chuyên gia kinh tế nhận định Chính phủ cần tập trung tạo môi trường pháp lý an toàn, minh bạch và đột phá chính sách để DN huy động vốn từ các kênh khác. Vì hiện nay, các thành phần kinh tế đều muốn giảm lãi suất, nhưng nền kinh tế Việt Nam kinh doanh trên nợ, nhà nước đầu tư vay trái phiếu, DN kinh doanh vay NH, NH cung cấp cả tín dụng ngắn hạn lẫn trung, dài hạn.

Muốn giảm lãi suất bền vững trước hết phải giảm cầu vay bằng cách tạo cơ chế để các DN huy động được vốn từ các kênh khác. Còn nếu cầu vốn với NH vẫn tăng, việc giảm lãi suất là điều khó.