Giảm lãi suất vẫn là bài toán khó giải

Theo Nguyễn Hoàng/doanhnhansaigon.vn

Những tháng cuối năm, lãi suất sẽ không tăng. Đó là khẳng định của ông Đào Minh Tú - Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vào tuần trước. Nhưng đó không hẳn là tin tốt lành đối với doanh nghiệp.

NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9/2019. Nguồn: internet
NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9/2019. Nguồn: internet

NHNN đã điều chỉnh giảm 0,25%/năm các mức lãi suất điều hành kể từ ngày 16/9/2019. Đây là lần đầu kể từ tháng 10/2017, NHNN cắt giảm các loại lãi suất điều hành. Việc lãi suất giảm, theo Phó thống đốc NHNN là thông điệp về nền kinh tế Việt Nam phát triển ổn định, tạo điều kiện hỗ trợ cho những doanh nghiệp (DN) trong lĩnh vực được ưu tiên, đồng thời là căn cứ để các ngân hàng thương mại tham chiếu với lãi suất điều hành để điều chỉnh lãi suất cho vay. Giảm lãi suất cũng nhằm thúc đẩy đầu tư và hỗ trợ DN trong những tháng cuối năm.

Theo chuyên gia tài chính - ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu, giảm lãi suất kích thích nhu cầu vay vốn của các thành phần kinh tế, làm tăng lượng tiền lưu thông, qua đó gây áp lực lên lạm phát. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 2,5%, là mức tăng bình quân 9 tháng thấp nhất trong ba năm gần đây. Tốc độ tăng CPI bình quân 9 tháng so với cùng kỳ năm 2017 là 3,79%; năm 2018 là 3,57% và năm 2019 là 2,5%. Cạnh đó, giảm lãi suất tạo ra áp lực mất giá cho đồng nội tệ và tỷ giá sẽ có xu hướng tăng. Trong khi đó, tính liên kết giữa lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, thị trường huy động vốn và cho vay của ngân hàng (NH) với các thành phần kinh tế khác lại không chặt chẽ.

Trên thị trường tài chính, rủi ro đã được dự báo sẽ tăng cao trong năm 2019. Sự tăng dần lãi suất từ các NH trung ương trên thế giới, trong đó có Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) hay Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), làm gia tăng áp lực cho thị trường cổ phiếu mà DN là đối tượng chịu tác động chính. Đến thời điểm này, dù kinh tế vĩ mô ổn định và kiểm soát được lạm phát, nhưng Việt Nam tiếp tục chịu những tác động bất lợi của kinh tế thế giới, nhất là những tác động tiêu cực từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, do đây là hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam.

Những tác động từ suy giảm kinh tế thế giới đang là nguyên nhân chính khiến xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng chậm lại. Số liệu của Tổng cục Thống kê ghi nhận, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu tháng 9/2019 ước tính đạt 23,0 tỷ USD, giảm 11,1% so với tháng trước. Thương mại hàng hóa ra nước ngoài gặp khó cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến số DN tạm ngừng kinh doanh có thời hạn trong 9 tháng năm nay lên tới 21.200, trong khi DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 28.200.

Quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ của Mỹ và EU được dự kiến sẽ diễn ra, kéo theo sự mất giá của các đồng tiền và giá cả tăng ở hầu hết các nước đang phát triển, Việt Nam không ngoại lệ. Cùng với sự bất ổn của giá dầu thế giới, sẽ tạo áp lực lên NHNN trong việc kiểm soát lạm phát, ổn định lãi suất và giá trị VND, trong bối cảnh dư địa chính sách tiền tệ đã bị thu hẹp.

Theo Phó thống đốc NHNN, từ nay đến cuối năm, NHNN có chủ trương tiếp tục ổn định lãi suất. Lãi suất sẽ không tăng nhưng việc giảm lãi suất sẽ phụ thuộc vào nhiều yếu tố, như điều kiện kinh tế vĩ mô, tình hình thị trường thực tế và quan hệ tín dụng của DN đó với NH thương mại.

Trong một nhận định mới đây của Phòng Phân tích Công ty Chứng khoán của BIDV, hiện nay các số liệu kinh tế vĩ mô vẫn ở mức khá tốt, tín hiệu để Việt Nam có thể nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế.  Trong ngắn hạn, NHNN giữ lãi suất cơ bản ở mức 6,25%/năm, nhưng có thể giảm 0,25% vào cuối năm hoặc đầu năm sau, nếu  FED và ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất. Về dài hạn, các chính sách của NHNN có thể theo xu hướng chung của quốc tế. Tuy nhiên, NHNN cần linh hoạt hơn trong điều hành và quan sát diễn biến của NH trung ương các nước, để chuẩn bị cho giai đoạn kinh tế thế giới và trong nước trong trường hợp khó khăn hơn.

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, Việt Nam nên theo xu hướng của nhiều nước trên thế giới, do nền kinh tế đã có mức hội nhập khá cao và tăng trưởng dựa vào xuất nhập khẩu. Muốn vậy, trong khi giảm lãi vay thì phải giảm lãi suất huy động vì các ngân hàng phải giữ biên độ 3% chênh lệch giữa đầu vào, đầu ra mới có lãi. Điều kiện để giảm lãi suất huy động là phải giảm lạm phát. Giả định, nếu giảm lãi suất cho vay xuống 9%/năm, NH phải giảm lãi suất huy động xuống 6%/năm và đẩy lạm phát xuống 4%/năm. Còn muốn lãi suất cho vay rất thấp 5%/năm phải đẩy lãi suất huy động xuống 2% và đẩy lạm phát xuống 0%. Một điều kiện nữa để giảm lãi suất cho vay là các NH tiết kiệm chi phí vốn, song đây là bài toán khó của ngành NH Việt Nam. Tính đến thời điểm hiện tại, các NH tại Việt Nam còn rất nhiều nợ xấu, loại tài sản không sinh lời, bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ xấu bán cho Công ty VAMC.

Năm 2019, NHNN đặt mục tiêu đạt tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13% và tín dụng tăng khoảng 14%. Tính đến ngày 24/9/2019, tổng phương tiện thanh toán (M2) tăng 8,58% so với cuối năm 2018. Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế tăng 8,64% so với cuối năm 2018.